Phóng viên: Xin đồng chí đánh giá khái quát về tiềm năng thế mạnh của tài nguyên khoáng sản và công tác quản lý nhà nước về hoạt động khoáng sản trên địa bàn?
Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hồng Bắc: Thái Nguyên được thiên nhiên ưu đãi cho nguồn tài nguyên phong phú và đa dạng với trên 200 điểm mỏ, gồm nhiều loại khoáng sản như vonfram, than, sắt, titan, thiếc, chì, kẽm, vàng, thủy ngân… Đặc biệt, một số loại khoáng sản có trữ lượng lớn như vonfram đa kim trữ lượng khoảng 110 triệu tấn, than trữ lượng khoảng 90 triệu tấn, quặng sắt trữ lượng khoảng 50 triệu tấn… cùng nhiều loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng. Khoáng sản ở Thái Nguyên tập trung chủ yếu ở các huyện: Võ Nhai, Đại Từ, Đồng Hỷ và Phú Lương. Thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã thực hiện có hiệu quả công tác quản lý tài nguyên nói chung, quản lý khai thác khoáng sản nói riêng.
Căn cứ theo quy hoạch khoáng sản của Chính phủ, công tác lập, phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã được thực hiện theo quy định, là cơ sở để cấp phép thăm dò, cấp phép khai thác khoáng sản phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các mỏ kim loại, phi kim loại và một số loại khoáng sản có nhu cầu sử dụng lớn đều có trong danh mục quy hoạch thăm dò, khai thác. Công tác quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường được điều chỉnh, bổ sung kịp thời.
Công tác cấp giấy phép hoạt động thăm dò và khai thác khoáng sản được quản lý chặt chẽ hơn. Tổng số giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp là 188 giấy phép. Các đơn vị được cấp phép hoạt động khoáng sản đã chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động khoáng sản và các nội dung của giấy phép được cấp; cơ bản tuân thủ quy trình an toàn lao động, thiết kế mỏ và các biện pháp giảm thiểu tác động đến môi trường, một số đơn vị đã đầu tư thiết bị, máy móc, sử dụng công nghệ tiên tiến, tận thu tối đa khoáng sản, làm tăng giá trị như chế biến sâu vonfram, quặng sắt, titan, chì-kẽm…
Phóng viên: Công tác quản lý khoáng sản đã đem lại hiệu quả như thế nào trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Nguyên cũng như đóng góp cho quốc gia?
Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hồng Bắc: Những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn đã đạt được kết quả tích cực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giúp tăng nguồn thu ngân sách, tạo việc làm cho một bộ phận người lao động, đồng thời đảm bảo cung ứng nguồn nguyên liệu phục vụ yêu cầu phát triển công nghiệp, xây dựng hạ tầng, đô thị và các nhu cầu khác trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Công tác quản lý khai thác khoáng sản từng bước đi vào nề nếp theo quy định pháp luật; Việc tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản được thực hiện chặt chẽ, đúng quy định pháp luật, đã tổ chức các phiên đấu giá quyền khai thác khoáng sản ở khu vực chưa thăm dò khoáng sản, 22 đơn vị trúng đấu giá. Tổng số tiền thu được thông qua đấu giá quyền khai thác khoáng sản của 29 điểm mỏ trên 46 tỷ đồng (trong đó 11 điểm mỏ đã cấp phép khai thác và nộp ngân sách 23,8 tỷ đồng).
Việc thực hiện các khoản thu từ hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh đã được UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tổ chức thực hiện theo quy định về nghĩa vụ tài chính đối với các đơn vị hoạt động khoáng sản. Hoạt động khai thác khoáng sản đã góp phần tăng thu ngân sách nhà nước (năm 2017 là 1.321 tỷ đồng, năm 2018 trên 1.400 tỷ đồng). Từ nguồn thu này, tỉnh đã tăng chi cho đầu tư phát triển và phục vụ an sinh xã hội, nâng cao đời sống cho nhân dân.
Phóng viên: Thưa Chủ tịch! Công tác bảo vệ môi trường trong khai khoáng là rất quan trọng, xin ông đánh giá về vấn đề này?
Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hồng Bắc: Công tác đảm bảo môi trường trong quá trình khai thác khoáng sản và sau khi khai thác xong là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Quan điểm của tỉnh, không vì lợi ích kinh tế trước mắt mà bất chấp bằng mọi giá.
Tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng thực hiện nghiêm túc công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường, đề án cải tạo phục hồi môi trường; yêu cầu đơn vị doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
Các cơ quan chức năng quan tâm kiểm tra, rà soát hồ sơ mỏ và điểm mỏ để phân loại và yêu cầu các doanh nghiệp lập phương án cải tạo, phục hồi môi trường; xem xét, thẩm định và phê duyệt, xác nhận hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường, đề án cải tạo phục hồi môi trường liên quan đến hoạt động khoáng sản; cơ quan chuyên môn đã chủ động thanh tra, kiểm tra kết quả quan trắc môi trường và báo cáo giám sát môi trường định kỳ; xử lý, khắc phục những nội dung, chỉ tiêu thực hiện chưa đúng; yêu cầu các cá nhân, tổ chức thực hiện nghiêm túc các biện pháp bảo vệ môi trường.
UBND tỉnh đã xây dựng và ban hành phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh để các sở, ngành và các địa phương làm căn cứ triển khai thực hiện; Tăng cường chỉ đạo thực hiện các biện pháp để phát hiện, xử lý, ngăn chặn các hoạt động khoáng sản trái phép, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội tại khu vực có khoáng sản.
Phóng viên: Hiện nay một số đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn chưa tuân thủ nghiêm túc quy định trong khai thác khoáng sản, dẫn đến hệ lụy xấu cả về kinh tế và dư luận xã hội thời gian qua. Xin đồng chí cho biết, thời gian tới, công tác quản lý khoáng sản trên địa bàn sẽ được tổ chức như thế nào?
Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Hồng Bắc: Tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các quy định của pháp luật về khoáng sản, nhất là Đề án “Tăng cường công tác quản lý tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2017-2020” và phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, thẩm định việc lập, thi công đề án thăm dò, đánh giá trữ lượng khoáng sản, kiểm kê trữ lượng khoáng sản để điều chỉnh, bổ sung và trình phê duyệt quy hoạch theo đúng quy định của pháp luật. Rà soát, điều chỉnh lại quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng, tăng cường quy mô, vốn đầu tư phù hợp với nhu cầu thị trường, hạn chế tối đa tình trạng khai thác nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu.
Tỉnh sẽ chỉ đạo và hướng dẫn tổ chức thực hiện quy trình, phương pháp xác định và quản lý sản lượng khai thác khoáng sản theo đúng quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường; giao trách nhiệm cụ thể cho Sở Tài nguyên và Môi trường (cơ quan chủ trì) và các cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền các địa phương thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật về quản lý tài nguyên và môi trường. Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) trong việc cấp giấy phép khai thác mỏ; tổ chức giám sát, kiểm tra và xử lý nghiêm các đơn vị hoạt động khoáng sản không chấp hành đúng các quy định về bảo vệ môi trường.
Nhân dịp bước sang năm mới - Xuân Kỷ Hợi 20l9, qua Báo Tài nguyên và Môi trường, thay mặt Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên, tôi trân trọng gửi tới độc giả của Báo, các doanh nghiệp, nhà đầu tư lời chúc mừng năm mới an khang, thịnh vượng.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch!