Trong nước

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với tỉnh Thừa Thiên - Huế

Văn Dinh 16/07/2023 - 15:50

(TN&MT) - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ấn tượng với sự đổi thay và phát triển của tỉnh Thừa Thiên – Huế, đồng thời nhấn mạnh rằng tỉnh tiếp tục phát huy mạnh mẽ truyền thống văn hóa lịch sử của vùng đất Cố đô, phấn đấu trở thành trung tâm kinh tế biển mạnh của cả nước, cực tăng trưởng của Vùng động lực miền Trung; đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, là điểm đến an toàn, thân thiện, xứ sở của hạnh phúc và tràn đầy năng lượng…

Ngày 16/7, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Đoàn công tác đã làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế.

Tham dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh; Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh; Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng; Trung tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an; cùng các đồng chí lãnh đạo các cơ quan, bộ, ngành ở Trung ương…

a1.jpg
Quang cảnh buổi làm việc giữa Chủ tịch Quốc hội với tỉnh Thừa Thiên – Huế

Báo cáo với Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế Nguyễn Văn Phương cho biết, trong 3 năm qua (2021- 2023), tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của tỉnh đạt 7,3%/năm. GRDP bình quân đầu người năm 2023 ước đạt gần 2.700 USD, tăng gần 1,2 lần so với năm 2020. Thu ngân sách tăng bình quân 12,5%/năm, năm 2023 ước đạt 13.000 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu ước tăng bình quân 13,6%/năm. Tổng vốn đầu tư trên địa bàn 3 năm ước đạt ước đạt trên 84.000 tỷ đồng, tăng bình quân 8,3%/năm. Toàn tỉnh có 67/94 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 71,3%.

6 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh đạt 6,51%; doanh thu du lịch đạt gần 3.500 tỷ đồng, gấp 2,5 lần so với cùng kỳ; tổng lượng khách du lịch đến Huế hơn 1,64 triệu lượt, gấp 2,3 lần so với cùng kỳ; khách lưu trú đạt hơn 845 nghìn lượt, tăng gần 94% so với cùng kỳ. Tống vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 13.500 tỷ đồng, tăng 5% so với cùng kỳ năm 2022. Tỷ lệ phủ kín quy hoạch chung xây dựng đô thị đạt 100%.

Tỉnh đang tập trung cao điểm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhất là tập trung các nguồn lực để thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2025 Thừa Thiên - Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo tinh thần Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.

Thảo luận tại buổi làm việc, lãnh đạo bộ, ban, ngành đã chỉ rõ những điểm nghẽn, khó khăn mà Thừa Thiên – Huế cần khắc phục.

a2.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh góp ý

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đánh giá, Huế đã gìn giữ được bản sắc và tập trung tốt vào công tác bảo tồn di sản; đồng thời cho rằng, văn hóa và con người Huế chính là nền tảng để phát triển. Góp ý cho tỉnh, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng mong muốn tỉnh quan tâm hơn nữa đến kinh tế du lịch; hướng đến việc xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc.

“Huế có slogan “Kinh đô xưa, trải nghiệm mới” đã thu hút du khách chưa? Trong khi đó, Quảng Ninh đơn giản chỉ là “Nụ cười Quảng Ninh” nhưng đằng sau đó là một loạt sản phẩm hiệu quả cao. Do vậy, Huế cần nghiên cứu, tăng cường công tác truyền thông, quan tâm thu hút đầu tư trong du lịch. Văn hóa du lịch là nền kinh tế tổng hợp, Huế cần phát triển du lịch nghỉ dưỡng và tạo ra gói sản phẩm phù hợp; có thể đề xuất phương án thí điểm để doanh nghiệp khai thác các di tích…”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng chia sẻ.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhận định, quy mô kinh tế hiện của Thừa Thiên – Huế vẫn còn nhỏ, du lịch dịch vụ chưa phát triển xứng tầm, chưa thu hút đầu tư. Ngoài ra, quy hoạch tỉnh vẫn chưa hoàn thiện gây ra những khó khăn trong tiến trình phát triển kinh tế.

“Dù đạt được nhiều kết quả, song kết cấu hạ tầng của tỉnh vẫn chưa hoàn thiện, nhất là Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Tỉnh cần xác định rõ nhu cầu thu hút đầu tư vào Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô để tạo thế mạnh phát triển kinh tế”, ông Thanh nêu quan điểm.

Xây dựng thành phố trực thuộc Trung ương

Tại cuộc làm việc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trân trọng chuyển lời thăm hỏi của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế; chúc mừng, ghi nhận, biểu dương và đánh giá cao những kết quả, thành tích mà tỉnh đạt được trong thời gian qua. Đồng thời cho rằng, Huế là vùng đất văn hiến, có bề dày lịch sử, truyền thống cách mạng vẻ vang, văn hóa đặc sắc; là tỉnh duy nhất ở Việt Nam cũng như ở khu vực Đông Nam Á có 7 di sản được UNESCO vinh danh; là điểm đến du lịch hấp dẫn, nổi tiếng không chỉ trong nước và thế giới với những sản phẩm dựa trên nguồn tài nguyên văn hóa, thiên nhiên nổi trội.

a3.jpg
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu, chỉ đạo

Cơ bản nhất trí với phương hướng, các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm mà Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên - Huế đã xác định trong các tháng cuối năm 2023 và nửa nhiệm kỳ còn lại, Chủ tịch Quốc hội lưu ý lãnh đạo tỉnh cần nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn lực của nền kinh tế nhằm đạt mục tiêu xây dựng Thừa Thiên - Huế vào năm 2025 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh.

“Thừa Thiên - Huế phấn đấu là điểm đến an toàn, thân thiện, xứ sở của hạnh phúc và tràn đầy năng lượng. Tỉnh tiếp tục làm tốt công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc để nâng tầm điểm đến Huế trên bản đồ du lịch thế giới”, Chủ tịch Quốc hội nói.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị tỉnh tiếp tục bám sát tinh thần các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ, tập trung vào các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.

a4.jpg
Chủ tịch Quốc hội dâng hương tại Nghĩa trang liệt sỹ TP. Huế

Thứ nhất, tỉnh cần rà soát, đánh giá kỹ hơn nữa kết quả thực hiện các nghị quyết; cụ thể hóa, thể chế hóa cho được các nghị quyết của Trung ương, đặc biệt là Nghị quyết 54. Trên cơ sở đó có định hướng, quản lý khai thác các nguồn lực, hướng đến năm 2025 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Trong công tác quy hoạch, khu vực Chân Mây - Lăng Cô cần định hướng theo mô hình thành phố trong thành phố.

Thứ hai, tỉnh cần chuẩn bị tốt đề án thành lập thành phố trực thuộc Trung ương, nỗ lực đển cuối năm 2024 trình Quốc hội xem xét. Trong các nhiệm vụ, đưa huyện A Lưới ra khỏi danh sách huyện nghèo là vấn đề phải đặc biệt quan tâm, đây là nhiệm vụ chính trị.

Thứ ba, phải nỗ lực, phát huy khả năng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội đúng hướng. Thứ tư, tiếp tục làm tốt công tác xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, đây là vấn đề trọng tâm, then chốt. Các hoạt động của đoàn Đại biểu Quốc hội cũng phải được quan tâm, đặc biệt là làm tốt công tác cán bộ cho nhiệm kỳ tới. Ngoài ra, chú trọng đến nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

a5.jpg
Chủ tịch Quốc hội thăm các gia đình chính sách tại TP. Huế

Về các kiến nghị của tỉnh, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cơ bản đồng tình, đồng thời cho ý kiến cụ thể với các kiến nghị như, đầu tư xây dựng đường lăn Cảng Hàng không quốc tế Phú Bài; đê chắn sóng cảng Chân Mây; các chủ trương mở đường tại tuyến biên giới; chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa….

Chủ tịch Quốc hội giao Văn phòng Quốc hội tổng hợp gửi các cơ quan liên quan nghiên cứu, xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

Dịp này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã đến đặt vòng hoa, dâng hương tại Nghĩa trang liệt sỹ TP. Huế, tặng quà ban quản lý nghĩa trang; thăm các gia đình chính sách tại TP. Huế...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ làm việc với tỉnh Thừa Thiên - Huế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO