Chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc: Dấu ấn từ Kinh thành

01/02/2018 10:37

(TN&MT) - Ý thức sâu sắc tầm quan trọng của biển đảo về vị trí quân sự, giao thông, mậu dịch, khai thác các nguồn lợi thủy hải sản... triều Nguyễn đã có một hệ thống chính sách nhất quán về biển đảo. Đó là xây dựng hệ thống phòng thủ ven biển, xây dựng lực lượng hải quân, ban hành và thực hiện các chính sách về quản lý thuyền bè, tuần tra, cứu hộ, cứu nạn và chống hải tặc trên biển, xác lập và thực thi chủ quyền trên các đảo và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Cửu Đỉnh tại Thế Miếu thuộc Kinh thành Huế
Cửu Đỉnh tại Thế Miếu thuộc Kinh thành Huế

Từ những đội thủy quân tuần tra biển đảo

Triều Nguyễn được thành lập từ năm 1802, nhưng trước đó hơn 200 năm, kể từ năm 1558, các đời chúa Nguyễn, từ Nguyễn Hoàng đến Nguyễn Phúc Thuần đã có công lao to lớn trong việc mở mang bờ cõi, bao gồm toàn bộ đất miền Nam và vùng biển đảo phía Nam và Tây Nam của Tổ quốc.

Theo Đại Nam nhất thống chí, nhà Nguyễn đã xây dựng gần 100 pháo đài, đồn lũy, cửa tấn tại các vùng cửa biển, trên các đảo gần bờ từ Quảng Yên đến Hà Tiên. Dưới thời vua Gia Long, đội thủy quân của nhà Nguyễn có 1.482 chiếc thuyền, trong đó có 490 chiến thuyền, 77 đại chiến thuyền, 66 thuyền lớn kiểu châu Âu. Hạm đội hải quân của triều Gia Long ở Biển Đông có cả những pháo thuyền chở được 16 đến 22 khẩu đại bác. Triều Nguyễn có cả một xưởng đóng tàu ở cảng Sài Gòn, kỹ thuật có thể cạnh tranh với những xưởng tốt nhất ở châu Âu. 

Minh Mạng - vị vua thứ hai của nhà Nguyễn là người đã tiếp nối chính sách của vua cha là Gia Long về phát triển thủy quân, đưa thủy quân triều Nguyễn trở thành lực lượng hùng hậu ở Đông Nam Á thời bấy giờ. Dưới triều Gia Long, thủy quân có khoảng 17.000 người, đến thời Minh Mạng tăng lên đến gần 29.000 quân.

Thư tịch cổ thời Nguyễn
Thư tịch cổ thời Nguyễn

Minh Mạng là vị vua có ý thức học hỏi, tiếp thu khoa học kỹ thuật đóng thuyền tiên tiến của Phương Tây. Năm 1822, vua Minh Mạng cho mua một chiếc tàu bọc đồng của Pháp đưa về công xưởng tại Huế làm mẫu để đóng các thuyền khác. Năm 1838, vua Minh Mạng cho mua một chiếc tàu máy hơi nước của Pháp, đem về tháo ra nghiên cứu đóng thử. Một năm sau, Việt Nam đã đóng thành công hai tàu máy hơi nước, và hai chiếc tàu đó được đặt tên là Vân Phi và Vụ Phi. Như vậy, từ năm 1839, Việt Nam đã có ba chiếc tàu hơi nước. Điều đó cho thấy, từ thời Minh Mạng, thủy quân Việt Nam đã rất hùng mạnh.

Xây dựng lực lượng thủy quân, ban hành và thực hiện các chính sách về quản lý thuyền bè, tuần tra, cứu hộ, cứu nạn và chống hải tặc trên vùng Biển Đông, nhà Nguyễn đã thể hiện tầm nhìn chiến lược đối với lãnh hải quốc gia. Từ thời các chúa Nguyễn đến thời các vua Nguyễn, việc thực thi chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ngày càng được đẩy mạnh. Thời các chúa Nguyễn đã thành lập Đội Hoàng Sa và Đội Bắc Hải để thực thi các nhiệm vụ trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Các vua Nguyễn như Gia Long, Minh Mạng đã thực thi hàng loạt các hoạt động thể hiện chủ quyền như thăm dò, kiểm tra, kiểm soát, đo đạc, vẽ bản đồ, dựng miếu thờ, lập bia chủ quyền, trồng cây để người qua lại dễ nhận biết, khai thác hóa vật, hải sản, tổ chức thu thuế. Trong lịch sử khai thác và thực thi chủ quyền ở hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, triều Nguyễn đã khẳng định được vị thế độc tôn và mang lại hiệu quả to lớn cho đất nước trong một thời gian dài.

 

Châu bản triều Nguyễn
Châu bản triều Nguyễn

Tất cả những việc làm của các chúa và vua nhà Nguyễn đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là việc làm cấp nhà nước, có nguyên tắc, khen thưởng và xử phạt theo phép nước phân minh. Rất nhiều tài liệu như thư tịch cổ, bản đồ, khảo cổ học ở Việt Nam đều chứng minh chủ quyền không chối cãi của Việt Nam ở hai quần đảo này.

Đến những châu bản thời Nguyễn

Thống kê của Trung tâm lưu trữ quốc gia 1 cho biết châu bản triều Nguyễn xếp thành 734 tập, với hàng ngàn đơn vị văn bản, trong đó có nhiều văn bản liên quan đến Hoàng Sa. Những châu bản hiện nay nói về công việc thực thi nhiệm vụ của các đội Hoàng Sa, ngư dân ở quần đảo này được thể hiện rất rõ ràng. Nhiều cơ quan của triều đình cùng tham gia, mọi công việc đều có báo cáo cụ thể, việc thưởng, phạt được ban chiếu chỉ theo đúng nguyên tắc nhà nước.

Nhiều đoàn khảo sát liên tục được cử ra hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa để cắm mốc, đo vẽ bản đồ. Mỗi đội đi về đều có báo cáo. Châu bản ngày 12/2 năm Minh Mệnh thứ 17 (1836) của Bộ Công ghi rõ tên người trưởng đoàn thuyền đi cắm cột mốc chủ quyền là Phạm Hữu Nhật, giữ chức Chánh đội trưởng thủy quân, lời phê của vua rất rõ “Các thuyền được phái đi Hoàng Sa, mỗi thuyền mang 10 mộc bài (cột gỗ), mỗi cột dài 4 đến 5 thước, dày 1 tấc, các viên cai đội thủy quân vâng mệnh đi Hoàng Sa khảo sát, đến đó thì cắm mốc đánh dấu. Hãy tuân mệnh”- Đó là dấu mốc rất quan trọng trong việc khẳng định chủ quyền của Việt Nam.

Châu bản triều Nguyễn
Châu bản triều Nguyễn

Châu bản ngày 21/6 năm Minh Mệnh thứ 19 (1838) cho biết kết quả của đoàn khảo sát Hoàng Sa năm 1838 đã khảo sát được 25 đảo trong đó có 13 đảo được khảo sát lần đầu. Châu bản ghi rõ “Theo viên dẫn đường Vũ Văn Hùng, toàn bộ xứ Hoàng Sa có 4 vùng, lần này khảo sát được 3 vùng, vùng ở phía Nam, khá xa, gió Nam thổi mạnh, việc khởi hành không tiện, xin đợi sang năm đến đó, lại xem xét 4 bản đồ mang về, cùng một bản nhật ký chưa được tu sửa hoàn chỉnh, xin cho Bộ thần (Bộ Công) thẩm tra kỹ cho họ chỉnh sửa hoàn chỉnh mới dâng trình. Như vậy, từ đầu thế kỷ XVII thời các chúa Nguyễn đến nửa đầu thế kỷ XIX thời nhà Nguyễn, Đội Hoàng Sa đã làm nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với quần đảo Hoàng Sa. Điều này khẳng định, Việt Nam đã xác lập chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa theo đúng quy tắc của luật pháp quốc tế.

Sách Đại Nam thực lục chính biên (1848) cũng như Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ đều ghi chép rất rõ về các chuyến đi làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa. Chỉ đạo ở trên có Hoàng đế và Bộ Công, thi hành có vệ thuỷ quân là chính, phối hợp với vệ giám thành và tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định. Vua Minh Mạng đã nhiều lần ra chỉ dụ thưởng, phạt. Thường thì dân binh Đội Hoàng Sa luôn được thưởng 1 hay 2 quan tiền và miễn thuế vì sự vất vả và nguy hiểm.

Châu bản ngày 13/7 năm Minh Mạng 16 (1835) ghi rõ về trường hợp cai đội được phái đi Hoàng Sa, khi trở về dềnh dàng quá hạn…bị phạt đánh đòn 80 trượng nhưng gia ân cho tha, ba thành viên có trách nhiệm vẽ bản đồ chưa rõ ràng cũng bị phạt 80 trượng nhưng đều chuẩn cho tha.

Châu bản triều Nguyễn
Châu bản triều Nguyễn

Cùng với những tư liệu thư tịch cổ, 9 chiếc đỉnh đồng (Cửu Đỉnh)  hiện đặt ở trước sân Thế Miếu trong Đại Nội (Kinh thành Huế hiện nay) cũng là một nguồn tư liệu chứng tỏ Việt Nam có chủ quyền trên biển Đông. Chín chiếc đỉnh đồng được đánh giá là “Một bộ Đại Nam nhất thống chí bằng hình ảnh vô cùng độc đáo. Những hình ảnh được khắc trên chín đỉnh đồng là hình ảnh của đất nước với đầy đủ núi sông, lãnh hải, cửa biển, cửa ải, động vật, thực vật, những thành tựu về kiến trúc, binh khí, xe thuyền...  Đặc biệt trên ba chiếc đỉnh của ba vị vua đầu triều Nguyễn là Cao Đỉnh, Nhân Đỉnh và Chương Đỉnh đều có khắc hình ảnh biển Đông, biển Tây và biển Nam.

Núi, sông, lãnh hải được xem là hình ảnh tượng trưng của đất nước. Trên Cửu Đỉnh, chúng ta có thể tìm thấy 9 ngọn núi lớn của cả ba miền đất nước, đó là núi Thiên Tôn, Ngự Bình, Thương Sơn, Hồng Lĩnh, Tản Viên, Núi Duệ, Đại Lãnh, Hải Vân, Hoành Sơn; 9 con sông lớn là sông Hậu, sông Tiền, sông Mã, sông Bạch Đằng, sông Hồng, sông Hương, sông Gianh, sông Thạch Hãn, sông Lam.

Châu bản triều Nguyễn
Châu bản triều Nguyễn

Hình ảnh biển Đông rộng lớn được thể hiện trên chiếc đỉnh lớn nhất, cao nhất, là trung tâm của 9 chiếc đỉnh, đó là Cao Đỉnh (ứng với vua Gia Long). Biển Đông chỉ vùng biển phía Đông thuộc chủ quyền của Việt Nam, thông với Thái Bình Dương ở phía Bắc. Trong biển Đông có quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Trên Nhân Đỉnh (ứng với vua Minh Mạng) thì có biển Nam. Biển Nam chỉ vùng biển phía Nam thuộc chủ quyền của nước ta. Trong vùng biển này có nhiều hòn đảo như đảo Đại Kim, Mãnh Hỏa, Nội Trúc, Phú Quốc, Thổ Châu, chúng ta cũng tìm thấy hình biển Tây trên Chương Đỉnh (ứng với vua Thiệu Trị). Biển Tây là vùng biển nằm về phía Tây thuộc chủ quyền của nước ta, tiếp giáp với hải phận của Thái Lan, được gọi chung từ xưa là vịnh Thái Lan.

Cao đỉnh, Nhân đỉnh, Chương đỉnh là ba đỉnh to cao nhất và quan trọng nhất, tượng trưng cho ba vị vua đầu tiên của triều đại, trên ba chiếc đỉnh đó đều có hình ảnh vùng lãnh hải Việt Nam - Đó là những bằng chứng về chủ quyền của Việt Nam trên biển đảo.

Theo nhà nghiên cứu Dương Phước Thu thì “Nhà Nguyễn chỉ khắc trên đỉnh những gì thuộc về mình. Cho nên, những gì có trên Cửu Đỉnh chính là thuộc về Việt Nam”. Thực tế, trên Cửu Đỉnh không hề có hình khắc biển Bắc.

Triều Nguyễn - Triều đại quân chủ cuối cùng của Việt Nam, cũng là triều đại có công lao to lớn trong việc xác lập và thực thi chủ quyền của người Việt trên toàn bộ vùng biển đảo và hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Những gì cha ông để lại cho chúng ta ngày hôm nay là những trang sử anh hùng, thấm đẫm máu, mồ hôi và trí tuệ của nhiều lớp người đi trước trong việc bảo vệ, xây dựng đất nước Việt Nam rộng lớn.

 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc: Dấu ấn từ Kinh thành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO