Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM Phan Văn Mãi chủ trì buổi họp. Ảnh: Trung tâm Báo chí TPHCM |
Phát biểu tại buổi họp báo, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Phan Văn Mãi cho biết, sau 5 ngày thực hiện Chỉ thị 16, nhân dân Thành phố đã hiểu, thực hiện, chấp hành nghiêm.
Ông Phan Văn Mãi cũng bày tỏ sự tri ân, trân trọng tấm lòng của người dân các tỉnh, thành trên cả nước những ngày qua đã hướng về TPHCM bằng vật chất và tinh thần, động viên Thành phố vượt qua thời điểm khó khăn này; đặc biệt ghi nhận, biểu dương lực lương nơi tuyến đầu trong suốt thời gian qua đã nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh.
Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ cũng gửi lời cảm ơn các chuyên gia, nhà khoa học, các DN đã có góp ý, hiến kế, phân tích giúp Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của Thành phố xây dựng, điều chỉnh kế hoạch phòng, chống dịch.
Hiện Thành phố đang tập trung quyết liệt cho 3 tuyến công việc: Tập trung tầm soát F0 có trọng tâm, trọng điểm để tách ca nhiễm khỏi cộng đồng nhanh nhất có thể, ngăn chặn nguồn lây; tiến hành cách ly, thu dung điều trị F0, tập trung các nguồn lực điều trị bệnh nhân COVID-19, đặc biệt là bệnh nhân nặng; tập trung tiêm vaccine phòng COVID-19.
Từ khi thực hiện Chỉ thị 16, TPHCM đã tập hợp, phân tích dữ liệu để xây dựng biện pháp cho từng giai đoạn. Khoảng 2-3 ngày tới, khi chuỗi số liệu đủ lớn thì có thể dự đoán ban đầu về đỉnh dịch.
Tính đến kịch bản xấu nhất sau thời gian thực hiện Chỉ thị 16
Sau 15 ngày thực hiện chỉ thị 16, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ đưa ra 3 kịch bản. Kịch bản thứ nhất: Ngăn chặn, kiểm soát thành công dịch COVID-19. Sau đó Thành phố xem xét việc thực hiện các biện pháp tuỳ theo diễn biến, tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16, hoặc Chỉ thị 15 hoặc Chỉ thị 19.
Kịch bản thứ hai: Chưa thể kiểm soát, dịch vẫn gia tăng. Lúc đó có thể Thành phố tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16 thêm thời gian ở một số địa bàn.
Kịch bản thứ ba: Dịch gia tăng mạnh mẽ, mất kiểm soát. Với kịch bản này, ông Mãi cho rằng, Thành phố tính đến tình huống phong toả với biện pháp mạnh hơn hoặc có hướng tiếp cận khác.
Thành phố đang nghiên cứu, đề xuất với Bộ Y tế, Ban chỉ đạo trung ương để có nghiên cứu, đề xuất phù hợp với tình hình. Dù tình huống nào, kịch bản nào, ông Mãi cho rằng quan trọng nhất là việc thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 trong những ngày còn lại, từng người dân, hộ gia đình, từng cơ quan chấp hành các biện pháp phòng dịch nghiêm ngặt nhất. Các cơ quan chức năng, lực lượng trực tiếp tham gia phòng dịch thực hiện hết chức trách của mình. “Sự kết hợp đó mới mang lại kết quả cao nhất. Sự lơ là sẽ dẫn đến tình huống 2 hoặc xấu hơn là tình huống 3”.
“Kết quả phụ thuộc vào hành động của chúng ta. Mong rằng bà con Thành phố, các cấp, các ngành, các tổ chức vừa qua đã đồng thuận, chia sẻ, chấp hành thì thời gian tới chung sức đồng lòng thực hiện đạt kết quả cao nhất, để không áp dụng tình huống xấu như giả định”, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ nhấn mạnh.
“Những ngày vừa qua trong triển khai phòng dịch có một số vấn đề khiến nhân dân chưa hài lòng. Dịch bệnh đợt này bùng phát phức tạp, có một số vấn đề phát sinh, vừa nhận diện vừa đối phó, không tránh khỏi chệch choạc, bất cập”, ông Mãi nói.
“Việc cung ứng hàng hoá là vấn đề thiết yếu, nhưng trong những thời điểm nhất định, ở những tình huống nhất định, chúng ta chưa kịp thời”, ông Phan Văn Mãi nhìn nhận và cho biết Thành phố rà soát lại các kế hoạch, các phương án không chỉ là cung ứng hàng hoá mà còn đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị cho hoạt động điều trị.
“Chăm lo cho người yếu thế sau một thời gian dài không có việc làm, không có thu nhập ảnh hưởng đến đời sống. Kể cả an ninh trật tự cũng phải rà soát, điều chỉnh lại giải pháp để phù hợp với tình hình. Qua góp ý của các chuyên gia, DN và từ người dân, Thành phố vừa làm vừa điều chỉnh, tiếp tục giải quyết”.
Chỉ sản xuất khi đảm bảo điều kiện an toàn
Thời điểm này Thành phố ưu tiên phòng dịch lên trên hết, đảm bảo sức khoẻ, an toàn tính mạng cho người dân.
UBND Thành phố đã có thông báo đến các DN trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp, khu CNC và kể cả các DN bên ngoài các khu vực này phải rà soát tiêu chí an toàn sản xuất trong phòng dịch. Căn cứ nhu cầu của DN, nếu sản xuất hàng thiết yếu hoặc có đơn hàng lớn buộc phải tiếp tục thì DN phải thực hiện tất cả các biện pháp an toàn, khi nào DN được xác nhận an toàn mới được tiếp tục sản xuất. Nếu không đảm bảo thì DN phải đóng cửa cho đến khi chuẩn bị đủ các điều kiện an toàn phòng dịch.
Thành phố đề nghị các DN thực hiện theo hai phương thức: Thứ nhất là “ba tại chỗ” (ăn nghỉ tại chỗ, sản xuất tại chỗ, sinh hoạt tại chỗ trong khuôn viên sản xuất nhưng cũng phải đảm bảo an toàn); thứ hai, “hai điểm, một con đường”. Tức là nếu nơi sản xuất không có nơi bố trí ăn nghỉ thì phải bố trí bên ngoài và phải đảm bảo an toàn phòng dịch, tổ chức xe đưa đón tập trung từ nơi nghỉ đến nơi sản xuất. Nếu các DN đảm bảo các điều kiện an toàn và thoả mãn một trong hai phương thức, cùng với nhu cầu tiếp tục sản xuất thì cơ quan chức năng sẽ chuẩn bị để DN được sản xuất. Nếu không đảm bảo thì DN phải ngưng sản xuất.