Chống dịch Covid-19: Cần đối sách về KH&CN và phối hợp giữa các ban, ngành

Mai Đan | 05/03/2020 19:47

(TN&MT) - Đó là quan điểm của đa số các đại biểu tham dự buổi họp báo công bố kết quả nghiên cứu chế tạo bộ sinh phẩm (bộ kít) real-time RT-PCR one step phát hiện virus corona chủng mới do Bộ KH&CN tổ chức vào sáng 5/3 tại Hà Nội.

Bộ sinh phẩm (bộ kít) real-time RT-PCR one step phát hiện virus corona chủng mới 

Tại buổi họp báo, nhiều đại biểu cho rằng việc chế tạo thành công bộ sinh phẩm real-time RT-PCR one step phát hiện virus corona chủng mới là thành công đặc biệt quan trọng, có ý nghĩa trong lúc dịch bệnh đang là mối lo ngại trên toàn thế giới. Thành công này khẳng định trình độ của các nhà khoa học Việt Nam, cũng như sự vào cuộc kịp thời của cả hệ thống chính trị nói chung và Bộ KH&CN các đơn vị có liên quan đến nghiên cứu nêu trên nói riêng trước những vấn đề đặt ra từ cuộc sống.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc: Đối sách về KH&CN và sự tham gia của các nhà khoa học, nhà quản lý rất quan trọng

Ý thức được mức độ nghiêm trọng của dịch Covid-19 và cần có sự tham gia của giới khoa học Việt Nam, chiều 30/2, Bộ KH&CN đã tổ chức buổi họp khẩn với các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu bàn về các định hướng nghiên cứu góp phần phòng chống dịch bệnh Covid-19.

Sau đó, căn cứ vào ý kiến tham mưu của các nhà khoa học, nhà quản lý, Bộ KH&CN đã triển khai hướng nghiên cứu cấp thiết với tinh thần “Chống dịch như chống giặc” của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trong đó tập trung nghiên cứu chế tạo, làm chủ sản xuất bộ kít ở quy mô lớn.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc

Dịch bệnh xảy ra ảnh hưởng đến tình hình kinh tế-xã hội trên cả nước, ảnh hưởng đến từng gia đình, đến ngành giáo dục, ngành hàng không, nhà hàng, khách sạn, thậm chí có thể làm thay đổi hành vi của con người ở quy mô toàn cầu.

Mỗi quốc gia sẽ có những đối sách để giảm thiểu đến mức tối đa và một trong những đối sách đó liên quan đến khoa học và công nghệ với sự tham gia của các nhà khoa học, đưa ra dự tính, tính toán phác đồ điều trị, vắc-xin…

Trung tướng, GS, TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y: Phòng chống Covid-19 thành công nhờ sự lãnh đạo của Chính phủ, sự ra quân của tất cả các bộ, ngành

Cho đến nay, có thể khẳng định việc chế tạo thành công bộ kít là nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự ra quân của tất cả các bộ, ngành, trong đó có Bộ Y tế, Bộ Quốc Phòng, Bộ KH&CN và các phòng, ban thí nghiệm, cũng như sự ra quân của toàn quận, huyện trên địa bàn thủ đô.

Trung tướng, GS, TS Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y trao đổi với báo chí

Ngay từ khi Trung Quốc thông báo ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, Học viện Quân y đã họp tổ nghiên cứu để đề xuất triển khai những biện pháp có thể triển khai về mọi mặt. Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã tiếp cận từ rất sớm và nhanh chóng triển khai nghiên cứu. Bởi vậy, khi dịch về Việt Nam vào ngày 23/1, sau đó là đến đầu tháng 2, Học viện Quân Y đã đề xuất ngay với Bộ KH&CN cùng sự hợp tác với Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á để nghiên cứu và sản xuất bộ kít real-time RT-PCR one step phát hiện virus corona chủng mới.

GS. Lê Bách Quang – Chủ tịch các Hội đồng KH&CN cấp Quốc gia liên quan đến sản phẩm: Huy động toàn thể ban ngành vào cuộc chiến chống Covid-19

Chính phủ cũng như lãnh đạo Nhà nước Việt Nam đã quan tâm đúng mức và vào cuộc quyết liệt trong cuộc chiến chống Covid-19. 

Thủ tướng đã phát biểu “Chống dịch như chống giặc” và Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã thường xuyên họp và có chỉ đạo rất sát sao. Bên cạnh đó, các cán bộ trong ngành KH&CN và ngành y tế cũng tham gia tích cực. Nếu không huy động toàn thể ban ngành vào cuộc chiến chống Covid-19 thì chúng ta chưa thể có kết quả tốt đẹp như ngày hôm nay.

GS. Lê Bách Quang – Chủ tịch các Hội đồng KH&CN cấp Quốc gia liên quan đến sản phẩm

Cụ thể, Bộ KH&CN và Bộ Y tế đã chủ động cùng với Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 chỉ đạo trực tiếp việc chữa bệnh, cách ly các đối tượng nghi nhiễm Covid-19. Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh đã giao Thứ trưởng Phạm Công Tạc tập hợp các nhà khoa học chuyên ngành để lấy ý kiến tư vấn.

Từ đó, Bộ KH&CN đã xác định 3 nhiệm vụ lớn, trong đó nhiệm vụ số một và cấp bách là sản xuất bộ sinh phẩm để chẩn đoán. Bộ KH&CN đã chỉ đạo hình thành các nhiệm vụ khoa học và giao cho các đơn vị có khả năng đăng ký để thực hiện.

Bên cạnh đó, Bộ KH&CN cũng xác định nhiệm vụ nghiên cứu từ rất sớm, đồng thời xây dựng kịch bản ứng phó với mọi tình huống.

Ông Trịnh Thanh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ KH&CN: Nhà khoa học phối hợp với doanh nghiệp đưa ra bộ kít được cấp phép lưu hành chỉ trong một tháng

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang là mối lo ngại trên toàn thế giới, việc chế tạo thành công bộ sinh phẩm real-time RT-PCR one step phát hiện virus corona chủng mới là rất đáng ghi nhận.

Đây là lần đầu tiên các nhà khoa học phối hợp với doanh nghiệp bắt đầu nghiên cứu và đưa ra sản phẩm được cấp phép lưu hành chỉ trong một tháng.

Ông Trịnh Thanh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ các ngành kinh tế - kỹ thuật, Bộ KH&CN

Có một số nhóm nghiên cứu về vấn đề này và đã công bố kết quả nghiên cứu nhưng bộ sinh phẩm real-time RT-PCR one step là bộ nghiên cứu đầu tiên được Bộ Y tế cấp phép lưu hành. Bộ sinh phẩm này được kiểm nghiệm trên thiết bị ở các phòng thí nghiệm và các cơ sở y tế nên tính ứng dụng của sản phẩm sẽ rất rộng rãi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chống dịch Covid-19: Cần đối sách về KH&CN và phối hợp giữa các ban, ngành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO