Cho Trường Sa xanh mãi ngàn sau - Bài 1: Song Tử Tây - điểm đầu của hải trình xanh
(TN&MT) - Nỗ lực phủ xanh và sạch hóa các nguồn năng lượng thể hiện ý chí quyết tâm xây dựng và gìn giữ lâu bền biển đảo của đất nước, bởi vậy từng giọt mồ hôi các kỹ sư, chiến sĩ đổ xuống Trường Sa hôm nay mang ý nghĩa nền tảng lớn lao cho mãi ngàn sau.
Xuất phát từ Quân cảng Cam Ranh lúc 8 giờ sáng ngày 14/5/2024, đúng nửa tháng lênh đênh trên đại dương cùng tàu Trường Sa - 571, với hải trình khép kín vành tam giác dài hơn 1.200 hải lý, Đoàn công tác số 20 do Đại tá Đỗ Minh - Phó Tư lệnh Vùng 4 Hải quân làm Trưởng đoàn đã hoàn thành chuyến thăm, động viên, tặng quà 6 đảo thuộc huyện đảo Trường Sa và 1 nhà giàn. Hải trình “từ trái tim” đã khép lại nhưng tôi vẫn ấn tượng mãi với cảm xúc thiêng liêng, rạo rực dâng ngập trong lòng khi đặt chân lên đảo đầu tiên của hải trình xanh nhiều ý nghĩa này: Đảo Song Tử Tây.
Khoảng 13 giờ 20 phút ngày 15/5/2024, dường như tất cả cả thành viên trên tàu đều ùa lên boong, vẫn chưa thấy gì giữa biển cả mênh mông nhưng điện thoại đã bắt đầu có sóng trở lại, nghĩa là đảo Song Tử Tây đã rất gần rồi. Quả nhiên tàu chạy không bao lâu thì một chấm xanh hiện ra, chấm xanh ấy lớn dần, rõ dần hình hài và ngay lúc ấy cũng có lệnh thả neo từ đài chỉ huy. Tôi rưng rưng cảm động nhìn những con sóng lừng chờm lên đảo, nghe tiếng hát phát từ đài phát thanh Song Tử Tây: “Tổ quốc linh thiêng, Tổ quốc linh thiêng”. Một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc đã thấy được, chạm được trong vỡ òa cảm xúc.
Tôi vinh dự là thành viên trong đoàn công tác hơn 300 người này, đó là những cán bộ đang làm việc tại Quốc hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các lãnh đạo tỉnh Hà Giang, câu lạc bộ Sao Vàng Đất Việt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cùng đông đảo nhà văn, nhà báo, các cơ quan truyền thông.
Song Tử Tây mùa tra nở hoa thơm ngát hai bên đường từ cầu tàu lên đảo, nhìn những cây tra sum suê, tươi tốt cạnh những cây bàng vuông, phi lao vươn mình mạnh mẽ, tôi chợt nhớ cơn bão số 9 năm 2021 đã từng thổi bật gốc tất cả. Lúc ấy, xem tin tức từ Đài truyền hình mà thấy xót xa, bao nhiêu công sức vun trồng chăm sóc cực nhọc của nhiều thế hệ chiến sĩ Hải quân bỗng chốc đổ sông đổ biển bởi mỗi cây trồng xanh tốt ở những đảo tiền tiêu này vất vả gấp trăm lần trong đất liền.
Duyên lành lần này tôi được chia vào tổ 6 (tổ sinh hoạt trên tàu) - cùng tổ với Tiến sĩ Ngô Xuân Chinh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chuyển giao Tiến bộ kỹ thuật Nông nghiệp. Có nhiều cơ hội đi cùng nhau, trò chuyện cùng nhau nên việc trao đổi hàng ngày giữa hai chúng tôi về nỗ lực xanh sạch hóa Trường Sa rất thuận lợi.
Có những buổi hoàng hôn trên biển rất đẹp, chúng tôi cùng ngồi trên boong tàu uống trà và trao đổi bàn bạc, chia sẻ nhiều điều từ thực tế, những chuyến đùm túm đi đảo cười ra nước mắt, những kinh nghiệm đi đứng ăn ngủ chỉ có trên đại dương, trên đảo mới có. Bản thân tôi luôn trân quý những suy tư, trăn trở nghiền ngẫm, nghiên cứu và các giải pháp hữu hiệu của nhà khoa học Ngô Xuân Chinh và các cộng sự của ông. Được biết trong vòng 17 năm, từ lúc Tiến sĩ Chinh và đồng sự nhận trọng trách nghiên cứu phủ xanh Trường Sa cho đến nay, đã hơn 20 lần ông lên tàu ra Trường Sa. Chuyến đi nào của ông cũng mang theo rất nhiều thứ, khi thì giá thể, đất trồng, cây giống, vật nuôi, khi thì sắt thép, lưới màng, tôn, gỗ… Sứ mệnh cụ thể của ông là giúp Quân chủng Hải quân nghiên cứu, xây dựng mô hình phát triển một số cây trồng, vật nuôi và cây phủ xanh phù hợp và giữ gìn duy trì màu xanh ấy trên các đảo thuộc Quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Ông kể có những chuyến ra đảo cấp tốc nên bất chấp bão tố, anh em nấu cơm canh trên tàu phải có dây treo ràng rịt, không thì sóng mạnh sẽ hất cả người, cả cơm canh xuống biển. Ông bảo: Hồi đi chuyến tàu đầu tiên ra Trường Sa, cả đội của ông ngơ ngác lắm, thấy mạn tàu phía bên kia các chiến sĩ Hải quân mắc võng chen chúc, chật chội lại cười thầm “các vị này sao thế, trong khi mạn bên kia trống trơn mà?!”. Thế là cả đội của ông ung dung mắc võng bên mạn này. Đêm đến thì mọi người mới trắng mắt ra vì mạn tàu bên này sóng xô sóng dập dữ dội, liên tục. Ông và các cộng sự say sóng đến ói ra mật xanh mật vàng và ướt chèm nhẹp vì nước biển, trong khi mạn bên kia các chiến sĩ vẫn ngủ yên. Có chuyến mang cây giống, vật nuôi vừa ra khơi thì tàu lại nhận lệnh thực hiện nhiệm vụ mới nên phải bị động bám theo mà lòng cứ như lửa đốt vì lo cho vật nuôi, cây giống mang theo không trụ nổi. Chẳng hạn như chuyến công tác hồi tháng 5/2014, lên được đảo Song Tử Tây thì cả đội nhìn nhau cười ra nước mắt vì vật nuôi, cây giống gần như chết hết, thế là phải vào lại đất liền, làm lại từ đầu… May mà tiến sĩ Chinh và cộng sự đã vận động (xã hội hóa) xây dựng được một vườn ươm ở Đồng Nai nên khâu cây giống không lo lắng lắm, nhưng con giống thì phải bỏ tiền ra mua lại rất nan giải.
Một cơn mưa đầu mùa bất chợt đổ rào xuống đảo xua tan cái nóng khủng khiếp nung chảy vạn vật khi chúng tôi vừa đặt chân lên đảo Song Tử Tây. Tất cả òa lên vui sướng đón những giọt mưa vàng giải hạn trên đảo và cũng là chào đón đoàn công tác. Quá mừng vui, chúng tôi cùng Tiến sĩ Chinh đội mưa đi thăm cây trồng đợt gần nhất và thăm các nhà màng trồng rau. Tiến sĩ Chinh là người yêu cây xanh đặc biệt, ông nâng niu từng chiếc lá, từng cành nhánh của cây bàng vuông, săm soi từng vết sướt, từng dấu hiệu sinh trưởng. Có lúc ông phấn khích cười tươi, cũng có lúc trán nhíu lại, nghĩ suy những khi thấy cây có dấu hiệu không bình thường. Nhà màng là tổ hợp kết cấu gồm khung giàn, màng phủ, tôn nhựa và các vật tư phụ tạo thành nhà khép kín bảo vệ cây trồng trước phong ba bão táp. Tiến sĩ Chinh hào hứng phân tích cho chúng tôi nghe: Lẽ ra đúng chuẩn nhà màng này phải cao hơn 2 mét nhưng vì trực thăng lên xuống liên tục nên phải hạ thấp như vậy. Các khung cột vòm, xà ngang, xà dọc đều phải bắt vít, tránh hàn và phải sơn loại đặc dụng để sơn tàu biển, không thì sẽ bị rỉ sét ngay.
Đảo Song Tử Tây có nhà máy lọc nước biển thành nước ngọt nhưng nhận cả nhiệm vụ chia sẻ, cung cấp nước ngọt cho ngư dân đánh bắt xa bờ nên những giọt nước mưa ở đây được quý như vàng. Chúng tôi thấy trong âu tàu luôn có nhiều thuyền đánh cá của ngư dân neo đậu. Anh Ngô Văn Tư, một ngư dân đến từ Phú Yên cho biết: “Chúng tôi coi đảo này như nhà của mình, vượt sóng gió ra được tới đây là yên tâm lắm. Không chỉ được tiếp tế nước ngọt mà các chiến sỹ Hải quân rất thảo, có gì cũng chia sẻ cho chúng tôi, giúp chúng tôi nhiều, nhất là những ngày gặp bão biển”.
Nước ngọt không chỉ phục vụ ăn uống sinh hoạt mà các chiến sĩ ở đây còn dùng pha với nước giếng để tưới cây, vậy nên tất cả nước ngọt thải ra trong sinh hoạt đều được thấm lọc, tái sử dụng. Trung tá Quang cho biết: Chi đoàn Thanh niên ở đảo Song Tử Tây hoạt động rất tích cực, ngoài nhiệm vụ chính của chiến sĩ là tập luyện, trực chiến, sẵn sàng chiến đấu, các chiến sĩ còn phân công dọn rác, tưới cây, trồng rau. Ở đảo, mùa rác thải đại dương tấp vô các kẹt đá cũng nhiều nên chiến sĩ ở các điểm đảo không chỉ dọn sạch mà còn làm các giỏ rác phân loại với tên gọi “Ngôi nhà xanh bảo vệ môi trường” đặt ở các vị trí. “Phải thường xuyên gom nhặt, xử lý rác để giữ đảo như giữ ngôi nhà mình luôn được xanh sạch”, một chiến sĩ hải quân vui vẻ nói với chúng tôi như vậy.
Thầy Chiến, người phụ trách trường Tiểu học Song Tử Tây cho biết: “Chúng tôi dạy các em học sinh của mình biết giữ gìn vệ sinh chung và ý thức trân trọng từng cây trồng, từng vật nuôi, ý thức giữ gìn môi trường trên đảo ngay từ lớp một. Các lớp lớn hơn thì dạy cho các em biết phân loại rác thải, nhận diện rác tái chế và rác phân hủy. Xanh sạch không chỉ là khẩu hiệu, trên đảo tiền tiêu Song Tử Tây, nó đã trở thành nếp sống và ý thức văn hóa của từng chiến sĩ, từng cán bộ, từng người dân. Và chắc chắn đó cũng là những ứng xử có văn hóa, không chỉ trên đảo nhỏ xa xôi này”.
Nguyễn Hiệp
(Thị trấn Thuận Nam, Hàm Thuận Nam, Bình Thuận)
Trình bày: Dũng Thi
Bài 2: Sinh Tồn Đông - nốt nhạc xanh giữa trùng dương