Cuối tháng 12/2021, TP Hải Phòng đã chính thức chấp thuận dự án xây dựng trung tâm thương mại, khách sạn 5 sao và văn phòng cho thuê tại Chợ Sắt. Dự án có quy mô đầu tư xây dựng công trình cao 40 tầng nổi và 2 tầng hầm trên diện tích khu đất lập dự án 15.200 m2; tổng chi phí dự kiến chưa tính chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất ước tính hơn 6.000 tỷ đồng.
Để có mặt bằng xây dựng dự án Trung tâm thương mại, UBND TP Hải Phòng đã đồng ý xây dựng chợ Tạm để phục vụ di dời các hộ tiểu thương chợ Sắt tại khu đất 20 Trường Chinh (quận Kiến An). Hoàn thành việc chuyển các hộ kinh doanh tại chợ Sắt hiện nay sang địa điểm trên trước ngày 1/3/2022.
Sau khi có thông tin này đa phần bà con tiểu thương đều có ý kiến phản đối, đề nghị thành phố xây dựng chợ cho bà con chợ Sắt kinh doanh ổn định lâu dài. Đề nghị thành phố gặp gỡ, đối thoại với bà con chợ Sắt…
Do đó, ngày 16/2, Chủ tịch UBND TP Hải Phòng Nguyễn Văn Tùng chủ trì buổi làm việc với các hộ dân đang kinh doanh tại chợ Sắt.
Tại buổi làm việc, các hộ kinh doanh tại chợ Sắt mong muốn TP Hải Phòng có phương án cụ thể về việc sắp xếp các hộ kinh doanh về chỗ mới để các tiểu thương yên tâm buôn bán, ổn định kinh tế. Bên cạnh đó, các hộ kinh doanh cũng đề nghị TP xây dựng chợ, nơi kinh doanh mới cho các hộ tương xứng hoặc tốt hơn chợ Sắt; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các hộ, trước khi di chuyển phải thống kê, kiểm đếm, xác định giá trị tài sản của từng hộ để có phương án đền bù thỏa đáng…
Qua nghe ý kiến của các tiểu thương và lãnh đạo các sở, ngành, địa phương liên quan, ông Tùng chia sẻ với những khó khăn của các hộ dân đang kinh doanh tại chợ Sắt khi phải di chuyển về khu chợ tạm trong khi chờ xây dựng chợ Sắt mới. TP sẽ đầu tư cơ sở vật chất tại khu chợ mới đảm bảo các điều kiện cho các hộ dân kinh doanh.
Chủ tịch UBND TP Hải Phòng đề nghị các hộ dân sớm di chuyển, bàn giao trước ngày 15/3/2022 (lùi 15 ngày so với thời hạn ban đầu). Khi di chuyển sang chợ tạm số 20 Trường Chinh, mỗi ki ốt sẽ được thành phố hỗ trợ 10 triệu đồng, bao gồm: 5 triệu đồng hỗ trợ kinh phí di chuyển, 5 triệu còn lại là kinh phí hỗ trợ hộ kinh doanh sớm ổn định tại khu chợ mới.
Bên cạnh đó, Thành phố còn có chính sách thưởng 15 triệu đồng/1 hộ cho hộ dân kinh doanh di chuyển trước ngày 15/3/2022. Đối với hộ đang kinh doanh ở vị trí mặt tiền tại chợ Sắt khi chuyển sang chợ mới sẽ được ưu tiên bố trí mặt tiền; với hộ mặt tiền không di chuyển theo đúng thời gian quy định sẽ được bố trí vào khu bên trong. Thành phố sẽ đầu tư cơ sở vật chất tại khu chợ mới đảm bảo các điều kiện cho các hộ dân kinh doanh…
Chủ tịch UBND thành phố mong muốn các hộ dân đang kinh doanh tại chợ Sắt đồng thuận di chuyển, ủng hộ chủ trương của thành phố về việc thực hiện Dự án nhằm chỉnh trang đô thị, góp phần xây dựng thành phố Hải Phòng ngày càng văn minh, hiện đại, phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Chợ Sắt Hải Phòng vốn nổi tiếng đến mức có câu nói “chưa vào chợ Sắt coi như chưa đến Hải Phòng” hay “cần mua bất cứ thứ gì từ những cỗ máy tàu thủy, ô tô tới cái đĩa ca nhạc mới nhất trên thế giới, nếu chợ Sắt không có thì chẳng ở đâu có”.
Chợ này được người Pháp xây dựng từ cuối thế kỷ 19, được gọi là Chợ Lớn. Nhưng do chợ được xây dựng chủ yếu bằng vật liệu sắt thép nên người dân Hải Phòng gọi là chợ Sắt. Nhờ địa thế thuận lợi (ngay sát sông Tam Bạc, đường Quang Trung) lại có lợi thế bên tuyến đường thủy từ Hải Phòng đi các tỉnh nên dưới thời Pháp thuộc chợ Sắt từng là nơi rất sầm uất, đầu mối buôn bán chính từ Nam Định lên hoặc Quảng Yên (Quảng Ninh) xuống.