Chính sách về đất đai ở Gia Lai giúp hàng nghìn hộ dân vươn lên, thoát nghèo

Quế Mai| 28/09/2022 08:55

(TN&MT) - Trong những năm qua, chính sách về đất đai như: hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã giúp hàng nghìn người dân là hộ nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở các xã, thôn, làng đặc biệt khó khăn yên tâm sinh sống, sản xuất; góp phần nâng cao đời sống, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững tại địa phương.

anh-1(1).jpg
Vườn điều được trồng từ diện tích đất sản xuất được hỗ trợ đang cho thu hoạch, giúp người dân có thu nhập, nâng cao đời sống

Hỗ trợ đất cho đồng bào DTTS

Gia Lai là tỉnh miền núi với 34 dân tộc cùng sinh sống, tỷ lệ người đồng bào DTTS chiếm hơn 46% dân số toàn tỉnh, trong đó chủ yếu là người dân tộc Jarai và Bahnar. Những năm gần đây, cùng với sự phát triển của đô thị, diện tích đất sản xuất của bà con ngày càng thu hẹp. Bên cạnh đó, do thiếu hiểu biết về pháp luật đất đai, tình trạng mua bán, sang nhượng, cho thuê đất sản xuất trong các thôn, làng đồng bào DTTS diễn ra phổ biến, khó kiểm soát khiến nhiều hộ gia đình bị lừa mất đất. Thiếu đất sản xuất, các hộ dân lâm vào cảnh nghèo đói, tạo gánh nặng cho địa phương, phát sinh tệ nạn xâm chiếm đất rừng làm nương rẫy…

Do đó, để giúp người dân ổn định đời sống sản xuất, phát triển kinh tế, tỉnh Gia Lai đã triển khai thực hiện nhiều chương trình, chính sách về đất đai để hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất cho người dân địa phương, người đồng bào DTTS. Theo Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai, đến nay, toàn tỉnh đã cấp trên 5.000 ha đất sản xuất và 62,5 ha đất ở cho hơn 15.000 người dân nghèo ở các thôn, làng khó khăn trên địa bàn.

Gia đình bà Rơ Lan Yai (làng Nẻh, xã Ia Din, huyện Đức Cơ) là hộ nghèo của xã trong nhiều năm. Năm 2015, bà Yai được UBND xã Ia Din (huyện Đức Cơ) hỗ trợ cấp một lô đất ở rộng 180 m2 và 1 ha đất nông nghiệp. Bà Yai phấn khởi cho biết: “Được xã quan tâm cấp đất ở, tôi dựng căn nhà tôn nhỏ để mấy mẹ con sinh sống, nhưng tôi rất mừng vì không phải đi ở nhờ nữa. Xã Ia Din còn hỗ trợ cây điều, phân bón, kỹ thuật chăm sóc nên vườn điều trồng trên diện tích đất được cấp đã cho thu nhập. Năm 2020, gia đình tôi từ hộ nghèo nhiều năm đã thoát nghèo”.

anh-2.jpg
Nhờ được hỗ trợ đất ở và đất sản xuất, gia đình bà Rơ Lan Yai đã vươn lên, thoát nghèo

Cùng trong danh sách được cấp đất sản xuất, gia đình anh Rơ Châm Lui (làng Nẻh, xã Ia Din) được hỗ trợ 1 con bò và 1 ha đất cùng cây giống và phân bón để trồng điều. Đến nay, bò đã sinh sản được 3 đợt, vườn điều cũng đã cho thu bói được 3 năm. “Nhờ đàn bò và vườn điều, gia đình tôi đã có thu nhập để chi trả sinh hoạt, cho con ăn học. Đời sống bớt khó khăn hơn trước rất nhiều”, anh Lui nói.

Tương tự, anh Puih Thiu (làng Bek, xã Ia Bă, huyện Ia Grai) cũng là một trong 68 hộ gia đình tại làng Bek được hỗ trợ cấp đất sản xuất. Anh Thiu chia sẻ: “Trước kia, không có đất nên tôi và bà con trong làng Bek đã lên rừng phát nương, làm rẫy nhưng đất xấu nên hiệu quả mang lại không cao. Được huyện Ia Grai hỗ trợ cấp đất sản xuất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tôi đã vay vốn ngân hàng, đầu tư trồng cà phê. Đến nay, vườn cà phê đã chuẩn bị cho thu hoạch năm thứ 3, kinh tế gia đình tôi đã khá hơn trước rất nhiều”.

Tiến tới giảm nghèo bền vững

Cùng với việc hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho đồng bào DTTS nghèo, tỉnh Gia Lai còn thực hiện nhiều chương trình, dự án bố trí dân di cư tự do, di dời dân cư ở vùng bị sạt lở, giúp nhiều thôn, làng ổn định nơi ở. Ngoài ra, các chính sách về dân tộc còn hỗ trợ người dân về chuyển đổi ngành nghề, mua sắm dụng cụ sản xuất nông nghiệp, hỗ trợ nước sinh hoạt. Chính sách về đất đai cũng đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh xuống còn 45.688 hộ, chiếm 12,09% năm 2021 (năm 2016 là 16,55%), vùng đồng bào DTTS xuống còn 40.475 hộ.

anh-3.jpg
Vườn cà phê của gia đình anh Puih Thiu trồng trên đất được hỗ trợ cho năng suất cao

Ông Huỳnh Kim Đồng - Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai nhận định: “Chính sách hỗ trợ về đất ở, đất sản xuất của tỉnh Gia Lai cho bà con đồng bào DTTS nói riêng đã giúp người dân địa phương nói chung yên tâm sản xuất ổn định lâu dài. Diện tích đất sau khi được cấp, các hộ đồng bào DTTS, hộ nghèo đưa vào sản xuất, sử dụng hiệu quả, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, thu hẹp khoảng cách giàu - nghèo giữa các vùng và giữa các dân tộc trên địa bàn; góp phần bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường sinh thái và giữ vững an ninh chính trị tại các địa phương”.

Cũng theo ông Huỳnh Kim Đồng, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Gia Lai sẽ tiếp tục triển khai thực hiện Dự án giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ nghèo, hộ đồng bào DTTS khó khăn, với kinh phí hơn 1.800 tỉ đồng. Trong đó, 213 tỉ đồng để phục vụ hỗ trợ đất ở, 607 tỉ đồng hỗ trợ đất sản xuất và nước sinh hoạt. Qua rà soát nhu cầu, toàn tỉnh Gia Lai có 2.545 hộ cần hỗ trợ đất ở và 2.196 hộ cần hỗ trợ trực tiếp đất sản xuất trong giai đoạn này.

“Cùng với việc hỗ trợ đất ở, đất sản xuất cho bà con, Ban Dân tộc tỉnh Gia Lai và các địa phương trong tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS phát huy nội lực để tự vươn lên thoát nghèo, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách hỗ trợ đầu tư của Đảng và Nhà nước, sự giúp đỡ của cộng đồng; đồng thời, tăng cường công tác quản lý đất đai tại các vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống, đặc biệt là ngăn chặn tình trạng sang nhượng và cho thuê đất sản xuất trái phép trái quy định của pháp luật”, ông Huỳnh Kim Đồng thông tin thêm.


Thực hiện Quyết định 755/QĐ-TTg ngày 20/05/2013 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn, trong giai đoạn 2015-2016, tỉnh Gia Lai đã hỗ trợ về đất ở cho 370 hộ với diện tích 6,21 ha và hỗ trợ đất sản xuất cho 413 hộ với diện tích 221,52 ha.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chính sách về đất đai ở Gia Lai giúp hàng nghìn hộ dân vươn lên, thoát nghèo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO