Chính sách thuế với đồ uống có cồn: Bảo đảm tính công bằng và phải ổn định nguồn thu ngân sách
Chiều 30/7/2024, tại TP. Hà Nội, Thời báo Tài chính Việt Nam đã chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Tọa đàm “Chính sách thuế với đồ uống có cồn”.
Thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và 2025 của Quốc hội, Bộ Tài chính đã triển khai nghiên cứu xây dựng hồ sơ dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Luật được xây dựng theo hướng bảo đảm tính công bằng, trung lập của chính sách thuế; góp phần ổn định nguồn thu cho ngân sách nhà nước; đáp ứng nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Chiều 30/7/2024, tại TP. Hà Nội, Thời báo Tài chính Việt Nam đã chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Tọa đàm “Chính sách thuế với đồ uống có cồn”. Tọa đàm có sự tham dự của đại diện các cơ quan quản lý; chuyên gia, nhà khoa học; đại diện hiệp hội doanh nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp và nhiều cơ quan báo chí trên địa bàn TP. Hà Nội.
Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Tổng Biên tập Thời báo Tài chính Việt Nam, ông Phạm Thu Phong cho biết, ngày 8/6/2024, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 129/2024/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Luật Thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) (sửa đổi) đã được đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) và thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2025).
Trên cơ sở các chủ trương, chiến lược của Đảng và Nhà nước đã được phê duyệt và chính sách về hoàn thiện đối tượng chịu thuế, thuế suất đối với mặt hàng rượu, bia tại Đề nghị xây dựng Luật Thuế TTĐB (sửa đổi) đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội thông qua, Bộ Tài chính đã dự thảo sửa đổi quy định đối tượng chịu thuế TTĐB đối với mặt hàng rượu, bia theo pháp luật chuyên ngành (Luật Phòng chống tác hại của rượu bia) và xây dựng 2 phương án tăng thuế suất thuế TTĐB đối với rượu bia theo lộ trình từ năm 2026 đến năm 2030.
Những sửa đổi của Dự thảo Luật TTĐB sẽ có tác động đến các doanh nghiệp trong chuỗi sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ mặt hàng, dịch vụ thuộc đối tượng điều chỉnh của Luật và người tiêu dùng. Vì vậy, việc lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp và giới chuyên gia trong việc sửa đổi Luật được Bộ Tài chính rất quan tâm, chú trọng.
Tại tọa đàm “Chính sách thuế với đồ uống có cồn”, nhiều nội dung đã được các diễn giả, chuyên gia và đại biểu tham dự cùng sôi nổi thảo luận như: Thuế tiêu thụ đặc biệt với đồ uống có cồn - Hiện trạng và giải pháp; Hướng đến một chính sách thuế hiệu quả và bền vững cho đồ uống có cồn - Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam; Ảnh hưởng của rượu, bia với đối với sức khỏe con người…
Ngoài ra, toạ đàm cũng ghi nhận nhiều ý kiến, đề xuất, tập trung trao đổi giữa lãnh đạo các cơ quan quản lý, các chuyên gia kinh tế, đại diện hiệp hội doanh nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp cùng bàn thảo, ghi nhận ý kiến nhiều chiều của các bên liên quan và cộng đồng doanh nghiệp nhằm góp phần hoàn thiện dự thảo Luật Thuế TTĐB; bảo đảm tính công bằng, trung lập của chính sách thuế; góp phần ổn định nguồn thu cho ngân sách nhà nước; đáp ứng nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế.