Vẫn cấp nhiều dự án “manh mún”
Như đã biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An có hàng chục Khu công nghiệp (KCN). Có thể thấy rõ một điều là dù các KCN đã được đầu tư hệ thống hạ tầng cơ bản rất hoàn chỉnh từ san lấp mặt bằng, hệ thống điện, nước, hệ thống xử lý nước thải và các dịch vụ phụ trợ khác…để sẵn sàng đón nhà đầu tư thứ cấp vào thuê mặt bằng nhưng trong khi nhiều KCN đang vắng nhà đầu tư thì tỉnh Nghệ An lại liên tiếp chấp thuận cho nhiều dự án lớn lấy đất nông nghiệp tại một số địa phương để xây dựng nhà máy, xí nghiệp một cách manh mún, đơn lẻ.
Khoảng 2 năm trở lại đây, khi đi trên đường tránh TP. Vinh, đoạn qua xóm 8, xã Nghi Diên (huyện Nghi Lộc) ai cũng trầm trồ khen ngợi nhà máy may thời trang với quy mô đất rộng hàng chục héc ta với 6 dãy nhà xưởng đồ sộ. Được biết, nhà máy này do Công ty TNHH TM - SX Thành Vinh làm chủ đầu tư, sau đó, Công Ty TNHH May Thời Trang Perseption USA thuê lại để hoạt động may mặc với số lượng lên đến khoảng trên dưới 2.000 công nhân.
Dự án của Công ty TNHH TM - SX Thành Vinh ngay sát đường tránh TP. Vinh |
Dự án Nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng, nhà giới thiệu sản phẩm và kho bãi tại xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên do Công ty CP Xây dựng thương mại và xuất nhập khẩu tổng hợp (nay là Công ty CP Avatar Vinh) làm chủ đầu tư. Đây là dự án được triển khai trên khu đất rộng hơn 3ha, nằm sát đường tránh TP. Vinh. Hiện nay, dự án đã xây dựng xong hệ thống các nhà xưởng và chuẩn bị đi vào hoạt động.
Dự án nhà máy sản xuất, gia công các sản phẩm giày dép Viet Glory là dự án được Nhà đầu tư ký biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư vào Nghệ An tại Hội nghị gặp mặt các nhà đầu tư Xuân Kỷ Hợi năm 2019. Đây là dự án lớn với công suất nhà máy dự kiến 25 triệu sản phẩm/năm trên diện tích đất gần 10ha; Dự án được đầu tư bằng 100% vốn nước ngoài, tổng mức đầu tư khoảng 22 triệu USD.
Tỉnh Nghệ An phải "xuống nước" để chiều lòng nhà đầu tư Dự án nhà máy sản xuất, gia công các sản phẩm giày dép Viet Glory chịn đặt địa điểm xây dựng tại xã Diễn Trường (huyện Diễn Châu) |
Điều đáng nói trước khi chấp thuận cho nhà đầu tư vào thực hiện dự án tại xã Diễn Trường (chủ yếu là đất nông nghiệp) thì tỉnh Nghệ An đã giới thiệu cho nhà đầu tư các KCN đã đầu tư hạ tầng đồng bộ, có nhiều ưu đãi đầu tư…tuy nhiên, chủ đầu tư vẫn một mực “ra yêu sách” tự chọn địa điểm. Cuối cùng, lãnh đạo tỉnh Nghệ An phải “xuống nước” để chiều lòng nhà đầu tư với vị trí đặt tại xã Diễn Trường, huyện Diễn Châu. Hiện dự án nói trên đang tiến hành thi công xây dựng.
Ngoài ra, có thể kể đến hàng loạt các dự án mà tỉnh Nghệ An phải “chiều lòng” nhà đầu tư “nhảy dù” vào những vùng đất nông nghiệp mà người dân đang trồng lúa, hoa màu; thậm chí sát khu dân cư như: Nhà máy may Nghi Lộc, được xây dựng cạnh đường N5, đoạn đi qua xã Nghi Lâm (huyện Nghi Lộc); Dự án Nhà máy may Minh Anh - Đô Lương có diện tích gần 7ha, với gần 10 nghìn công nhân (xã Quang Sơn, huyện Đô Lương); Dự án nhà máy may Minh Anh – Tân Kỳ với diện tích gần 10ha (xã Kỳ Tân, huyện Tân Kỳ); Nhà máy may mặc Vietsun Hoàng Mai với diện tích hơn 5ha (phường Quỳnh Xuân, thị xã Hoàng Mai);…
Ô nhiễm “bao vây” thành Vinh
Trên địa bàn TP. Vinh hiện có 1 KCN và 3 cụm công nghiệp (CCN), nằm án ngữ xung quanh thành phố theo hình tứ giác. Trong đó KCN Bắc Vinh có quy mô lớn nhất với hơn 140 ha, được xây dựng trên địa bàn xã Hưng Đông, còn lại 3 CCN tại các xã Nghi Phú, Hưng Lộc và phường Đông Vĩnh với diện tích hàng chục ha. Đó là chưa kể đến CCN Hưng Đông cũng được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt từ tháng 10/2005 với diện tích hơn 30 héc ta đang triển khai nhưng chưa đi vào hoạt động vì tiến độ quá chậm chạp do vướng mắc mặt bằng.
Đây đều là những KCN và CCN được phê duyệt, thành lập và đi vào hoạt động từ hàng chục năm nay. Trước đây, khi mới xây dựng, ngay tại các địa bàn nơi KCN Bắc Vinh và các CCN đứng chân, dân cư còn khá thưa thớt. Hiện nay sau hơn một thập kỷ phát triển, dân cư tại các khu vực nói trên ngày càng đông đúc, trong khi đó các nhà máy, xí nghiệp hoạt động tại các KCN và CCN này ngày càng gây ô nhiễm môi trường, nhất là vấn đề nước thải, khí thải, tiếng ồn.
Ô nhiễm tại các KCN, CCN đang bao vây TP. Vinh |
KCN Bắc Vinh được thành lập từ năm 1998 với các ngành nghề được đầu tư, xây dựng đang hoạt động trong KCN Bắc Vinh và các CCN gồm: Chế biến thực phẩm, thức ăn gia súc, xí nghiệp may xuất khẩu và các xí nghiệp xây mới như xí nghiếp sản xuất bao bì xuất khẩu, xí nghiệp mỹ nghệ xuất khẩu…sử dụng hàng nghìn lao động địa phương.
Hiện, KCN này đã có đến 22 dự án đi vào hoạt động. Tuy nhiên, sau khi đi vào hoạt động, vấn nạn ô nhiễm môi trường tại KCN này đã được phản ánh rất nhiều lần, nhất là tình trạng ô nhiễm nguồn nước. Chính vì ô nhiễm nguồn nước nên hàng chục héc ta đất canh tác của các xóm Mỹ Long, Trung Mỹ, Yên Xá, Mỹ Hoà… của xã Hưng Đông, cùng nhiều ao nuôi thuỷ sản của HTX Hưng Đông 1 và HTX Đông Vinh đã bị giảm năng suất, có nơi không còn canh tác được.
CCN Đông Vĩnh có diện tích 5,34 ha do Công ty CP quản lý và phát triển hạ tầng đô thị Vinh quản lý, gồm có 7 đơn vị đang hoạt động. Tuy nhiên, tình trạng các doanh nghiệp không chấp hành các quy định về pháp luật bảo vệ môi trường vẫn còn tồn tại. Qua kiểm tra của các cơ quan chức năng, tại CCN Đông Vĩnh hiện nay đang tồn tại Công ty CP Bao bì Nghệ An có nước thải sinh hoạt xử lý chưa đảm bảo theo quy chuẩn hiện hành (BOD5 vượt 1,31 lần, Coliforms vượt 18 lần so với quy chuẩn cho phép)…
Nhà máy bao bì Sabeco Sông Lam tại KCN Bắc Vinh từng khiến người dân xã Hưng Đông "khiếp vía" vì nước thải |
Hay như tại CCN Hưng Lộc, với diện tích gần 9 ha, đi vào hoạt động từ năm 2007, CCN này nằm trên địa bàn xóm Mỹ Hạ, xã Hưng Lộc xung quanh là khu vực dân cư. Thời gian gần đây, khi nhiều dự án quy hoạch phân lô đất ở tại Hưng Lộc được thực hiện, người dân về đây mua đất xây nhà ngày càng nhiều, CCN này không còn là địa điểm an toàn để cho người dân sinh sống xung quanh.
Có thể nói rằng, bên cạnh những đóng góp đáng kể cho tăng trưởng kinh tế địa phương thì thực trạng ô nhiễm môi trường từ các KCN, CCN trên địa bàn TP Vinh đang khiến các ngành chức năng đau đầu. Thực trạng này tồn tại trong suốt thời gian dài gây bức xúc cho người dân sinh sống xung quanh các CCN, KCN. Điều đáng nói là vấn đề này đã được phản ánh tại các cuộc tiếp xúc cử tri, thậm chí người dân còn gửi đơn kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền nhưng giải pháp xử lý dứt điểm ô nhiễm môi trường vẫn chưa được đưa ra.
Trước vấn đề này, tại các cuộc họp tiếp xúc cử tri, người dân cũng đã nhiều lần đề nghị cấp có thẩm quyền cần có phương án di dời các CCN ra khỏi địa bàn.
Trong báo cáo cuối năm 2019 trả lời kiến nghị cử tri, ông Lê Hồng Vinh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết sẽ giao cho TP. Vinh huy động và bố trí kinh phí để nâng cấp hoàn thiện hạ tầng các CCN một cách đồng bộ nhất là hệ thống xử lý nước thải, rác thải tập trung. Đối với các doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh, sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm cao yêu cầu phải sớm di dời.
Các KCN, CCN đang trở thành "khối u" của TP Vinh nhưng rất khó "cắt bỏ" |
Qua tìm hiểu thì UBND TP. Vinh cũng đã có chủ trương di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi vùng nội thành để hạn chế ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, hợp đồng thuê đất giữa chủ đầu tư hạ tầng với ban quan lý dự án TP. Vinh, UBND thành phố với các doanh nghiệp vẫn còn thời hạn nên việc di dời cần phải có lộ trình, kế hoạch, cơ chế hỗ trợ việc di dời phù hợp quy hoạch địa điểm mới.
Trước những bất cập về ô nhiễm môi trường, hạ tầng đô thị quá tải có thể dễ nhận thấy rằng, nếu công tác quy hoạch phát triển công nghiệp do các cấp chính quyền ở Nghệ An hoạch định không có tầm nhìn chiến lược lâu dài thì nguy cơ diện mạo đô thị TP.Vinh theo hướng văn minh – hiện đại sẽ trở thành “tấm áo vá” trong tương lai không xa.
Ông Hồ Sỹ Dũng – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh Nghệ An, băn khoăn: Dĩ nhiên thu hút được các dự án vào địa phương đầu tư là rất tốt. Tuy nhiên, nếu cứ cấp thủ tục cho các dự án theo hình thức manh mún, riêng lẻ nằm rải rác ở các địa phương như đã và đang diễn ra hiện nay mà không “gom” vào được các KCN, CCN thì chỉ xét riêng về mặt quản lý môi trường sẽ là một việc làm hết sức khó khăn cho cơ quan quản lý nhà nước.