Chính sách phát triển KT - XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi: Nhận diện khó khăn để bứt phá

23/10/2018 11:45

(TN&MT) - Chính sách đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), miền núi luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, nhất là các chính sách, chương trình an sinh xã hội, lao động việc làm, đã tạo những chuyển biến tích cực cho khu vực này.  

BT Chien
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến

Tiếp tục ngày làm việc thứ hai của Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, sáng nay 23/10, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đã báo cáo trước Quốc hội về đánh giá 3 năm thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi (giai đoạn 2016 - 2018). 

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến cho biết, giai đoạn 2016 -  2018, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, cả hệ thống chính trị đã chú trọng thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực.

Dấu ấn thực hiện chính sách

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến, các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị đã nỗ lực cao độ cho công tác giảm nghèo ở vùng dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi, đạt kế hoạch Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đề ra.

Từ năm 2016 đến năm 2018, Chương trình 135 đã đầu tư 9.106 công trình, duy tu, bảo dưỡng 3.295 công trình; hỗ trợ trực tiếp cho 1,512 triệu hộ nghèo, cận nghèo. Tập huấn cho 103.000 người, dạy nghề cho 720 ngàn người DTTS, góp phần giúp con em tìm kiếm việc làm. Ngân hàng CSXH đã cho 1,4 triệu hộ DTTS vay 45.194 tỷ đồng (chiếm 24,7% tổng dư nợ), bình quân dư nợ 1 hộ là 30,5 triệu đồng (bình quân toàn quốc là 27 triệu đồng/hộ) để phát triển sản xuất, tăng thu nhập.

Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2017 ở các huyện nghèo giảm xuống còn dưới 40% (giảm khoảng 5% so với cuối năm 2016); tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn giảm 3 - 4%. Có 8 huyện thoát khỏi huyện nghèo theo Quyết định 30a của Thủ tướng Chính phủ; 14 huyện ra khỏi diện hưởng chính sách như huyện nghèo; 34 xã đủ điều kiện ra khỏi diện đầu tư theo chương trình 135.

Đáng chú ý, việc triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới đạt kết quả bước đầu quan trọng; công tác bảo vệ và phát triển rừng ở vùng DTTS&MN có bước chuyển biến tích cực.

Đến tháng 8/2018, đã có 1.052 xã vùng DTTS, miền núi được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 22,29 % (toàn quốc đạt tỷ lệ 38,32%). Năm 2017, diện tích rừng bị thiệt hại là 1.451 ha (giảm 68% so với năm năm 2016); 9 tháng năm 2018, rừng bị thiệt hại 873 ha (giảm 22,2% so với 9 tháng năm 2017), về cơ bản rừng tự nhiên đã được quản lý tốt hơn.

ANH 2 (1)
Chính sách hỗ trợ phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng

Hiện nay, 100% xã vùng DTTS và miền núi có trường THCS, trường tiểu học, hầu hết các xã có trường, lớp học mầm non. Cả nước có 314 trường PTDTNT; 975 trường phổ thông dân tộc bán trú; 5 trường đào tạo dự bị đại học dân tộc. Đã có 51/53 DTTS có học sinh cử tuyển đi học đại học; học sinh là người DTTS ở vùng đặc biệt khó khăn được hỗ trợ chi phí ăn ở, học tập. Từ năm 2016 - 2018, đã tuyên dương trên 400 học sinh, sinh viên DTTS xuất sắc, tiêu biểu trong học tập, tạo sức lan tỏa, động viên học sinh, sinh viên nỗ lực, phấn đấu vươn lên.

 Công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào DTTS chuyển biến tích cực, có mặt tiến bộ. Tiếp tục đầu tư xây dựng 433 trạm y tế xã vùng DTTS&MN, vùng KTXH đặc biệt khó khăn; từ năm 2016 đến 2018 đã cấp miễn phí thẻ BHYT cho 20,705 triệu lượt đồng bào DTTS; tăng cường y tế dự phòng và bố trí bác sỹ về làm việc tại trạm y tế xã, đạt 87,5%. Nỗ lực triển khai thực hiện Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết ở 22 tỉnh vùng DTTS và miền núi, nhằm bảo vệ và nâng cao chất lượng giống nòi của một số DTTS đang bị suy giảm.

Công tác thông tin, tuyên truyền vùng DTTS và miền núi phát triển nhanh, cơ bản đáp ứng nhu cầu thông tin, liên lạc của nhân dân. Từ năm 2016 đến nay, đã chuyển phát 18 loại ấn phẩm báo, tạp chí với số lượng 51,2 triệu tờ; đài Truyền hình Việt Nam (kênh VTV5) sản xuất và phát sóng hầu hết các ngày trong tuần, gồm 22 thứ tiếng DTTS; năm 2017, đã xuất bản gần 100 đầu sách với khoảng 250.000 bản, phục vụ đồng bào DTTS. Mạng điện thoại di động phủ sóng khắp địa bàn miền núi; có hơn 16.000 điểm giao dịch bưu chính viễn thông, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong mọi tình huống.

Từ năm 2016 đến tháng 9/2018, Thủ tướng Chính phủ đã cấp (không thu tiền) 117 nghìn tấn gạo để hỗ trợ các địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống; cấp từ nguồn ngân sách trung ương 1.000 tỷ đồng để hỗ trợ làm nhà cho những hộ bị thiên tai mất nhà ở, phần lớn là đồng bào DTTS…

Nhiều quyết sách giai đoạn mới

Bên cạnh những thuận lợi, báo cáo cũng nêu ra những khó khăn trong thực hiện chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2016 - 2018.

Cụ thể, đồng bào các DTTS sinh sống ở địa bàn KT - XH khó khăn và đặc biệt khó khăn; ở những địa phương nghèo, chủ yếu nhận hỗ trợ ngân sách từ Trung ương, khó có thể lồng ghép các chương trình, dự án để thực hiện chính sách dân tộc, trong khi đó ngân sách Trung ương lại chưa bố trí được nguồn vốn riêng để thực hiện một số chính sách, do vậy, không đạt được mục tiêu các đề án, chính sách đã được phê duyệt; một số vấn đề bức xúc trong đồng bào DTTS như: Di cư tự phát, thiếu đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt,... giải quyết chưa hiệu quả, đời sống của một bộ phận đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn. Thu nhập bình quân của hộ đồng bào DTTS nhiều nơi chỉ bằng 40 - 50% bình quân thu nhập trong khu vực; tỷ lệ dân số DTTS chiếm 14,6% nhưng tỷ lệ hộ nghèo chiếm 52,7% số hộ nghèo của cả nước.

Chất lượng giáo dục, y tế, văn hóa ở vùng DTTS&MN tuy đã được nâng lên nhưng so với mặt bằng chung vẫn còn thấp, mức độ tiếp cận các dịch vụ còn nhiều khó khăn. Vẫn còn khoảng 21% người DTTS trên 15 tuổi chưa đọc thông, viết thạo tiếng Việt: Tỷ lệ được cấp thẻ BHYT cao nhưng tỷ lệ khám, chữa bệnh còn thấp (phòng khám đa khoa khu vực của các tỉnh miền núi không được điều trị nội trú, chưa được thanh toán BHYT, chậm được giải quyết). Tỷ lệ người không còn mặc trang phục dân tộc, không biết nói tiếng dân tộc của mình ngày càng tăng; dân ca, dân vũ, nhạc cụ truyền thống của nhiều DTTS chỉ được phục dựng khi lễ hội, ít được diễn ra trong đời sống hàng ngày. Tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS trong cơ quan nhà nước các cấp có xu hướng giảm; đa số các Bộ, ngành và địa phương chưa đạt được tỷ lệ theo quy định tại Quyết định 402/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Nguyên nhân của hạn chế, bất cập là do xuất phát điểm của vùng DTTS và miền núi thấp, địa hình chia cắt, khí hậu khắc nghiệt, chất lượng nguồn nhân lực và mặt bằng dân trí thấp; rất khó khăn trong việc thu hút đầu tư; thiếu việc làm, đói nghèo, thiên tai, bệnh tật, đang là thách thức lớn.

Biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ ảnh hưởng lớn đến vùng đồng bào DTTS sinh sống. Sạt lở đất, xâm nhập mặn ở đồng bằng Sông Cửu long; lũ ống, lũ quét ở các tỉnh Tây Bắc; hạn hán ở các tỉnh Tây Nguyên, Duyên hải Miền Trung... làm cho đời sống của đồng bào DTTS đã khó khăn lại càng khó khăn thêm.

Nhận thức của một số cán bộ, công chức, viên chức còn phiến diện, chưa thật lòng quan tâm đến vùng DTTS và miền núi; sự phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương chưa thường xuyên, chặt chẽ.

Trên cơ sở nhìn nhận rõ những khó khăn, Chính phủ đã đưa ra một số giải pháp trọng tâm giai đoạn 2020 là tiếp tục nghiên cứu đổi mới chính sách đối với đồng bào dân tộc và tổ chức thực hiện hiệu quả các chính sách đã được ban hành, tập trung vào các địa phương thuộc vùng miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây duyên hải miền Trung; rà soát, cân đối, ưu tiên bố trí đủ nguồn lực thực hiện chính sách đầu tư phát triển KTXH vùng DTTS&MN đang có hiệu lực, đặc biệt, chú trọng tới chính sách đối với đồng bào DTTS rất ít người; trước mắt bố trí vốn từ nguồn dự phòng NSTW, nguồn dự phòng vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020, trình Quốc hội xem xét quyết định tại kỳ họp 6.

Từ nay đến năm 2020, bảo đảm bố trí đủ kinh phí thực hiện chính sách đối với vùng DTTS&MN bằng các nguồn vốn từ NSNN, vốn vay ODA và xã hội hóa; rà soát, đánh giá, nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí phân định miền núi, vùng cao và phân định vùng DTTS&MN theo trình độ phát triển bảo đảm khách quan, khoa học, phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, hoàn thành trước năm 2020, làm cơ sở cho việc hoạch định chính sách và phân bổ nguồn lực đầu tư công bằng, chính xác và phát huy hiệu quả cho giai đoạn 2021 - 2026.

Tăng cường công tác chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, bố trí nguồn lực, tổ chức thực hiện quyết liệt các chính sách dân tộc đã ban hành; nỗ lực cao nhất để làm chuyển biến rõ rệt đời sống của đồng bào ở vùng DTTS, nhất là Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ, Tây duyên hải miền Trung.

Tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết, đánh giá đúng đắn tình hình, đề ra giải pháp thiết thực, hiệu quả để giải quyết căn cơ hơn tình trạng di dân tự phát, từng bước sắp xếp ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân, nhất là đồng bào DTTS di cư đến các tỉnh Tây Nguyên, một số tỉnh Tây Bắc (khoảng 30.000 hộ DTTS).  

Tổ chức khảo sát, điều tra, hội thảo quốc gia, đánh giá đúng đắn kết quả thực hiện chính sách dân tộc giai đoạn 2016 - 2018; chỉ rõ ưu điểm, hạn chế bất cập, nguyên nhân… Định hướng xây dựng chính sách dân tộc giai đoạn 2021-2030 theo hướng tích hợp, thiết thực, hiệu quả. Tập trung giải quyết căn bản những khó khăn, bất cập hiện nay để không ngừng nâng cao đời sống của đồng bào DTTS nhất là nhóm dân tộc rất ít người.

Tiếp tục xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện hiệu quả các đề án chính sách, đã được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương.

Tổ chức thành công đại hội các DTTS cấp huyện, cấp tỉnh (lần thứ 3), toàn quốc (lần thứ 2). Nhằm khẳng định thành tựu to lớn đã đạt được về đại đoàn kết các dân tộc; về phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi; khẳng định niềm tin tuyệt đối của đồng bào các DTTS đối với Đảng và Nhà nước; nỗ lực phấn đấu, vượt khó vươn lên, hội nhập và phát triển cùng với đất nước…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chính sách phát triển KT - XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi: Nhận diện khó khăn để bứt phá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO