Tài nguyên

Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Kon Tum: Góp phần phát triển kinh tế - xã hội

Lệ Mai 19/10/2023 - 10:57

(TN&MT) - Từ nguồn tiền dịch vụ môi trường rừng (DVMTR), người dân tham gia quản lý, bảo vệ và phát triển rừng có thêm nguồn thu nhập để cải thiện cuộc sống; đơn vị chủ rừng và quản lý rừng có nguồn tái đầu tư cho phát triển rừng, phát triển hạ tầng. Chính sách này đã và đang khẳng định vai trò góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tại các địa phương của tỉnh Kon Tum.

Trong những năm qua, chính sách chi trả DVMTR trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã giúp nhận thức về công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng của các chủ rừng và hộ nhận khoán rừng từng bước được nâng cao. Cơ bản người dân cũng đã có ý thức hơn trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ, phát triển rừng trên cơ sở hiểu rõ về quyền lợi, trách nhiệm của mình. Từ đó, người dân yên tâm gắn bó với rừng.

qr.jpg
Cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum hướng dẫn người dân phát triển các mô hình sinh kế, nâng cao đời sống.

Về mặt kinh tế, chính sách chi trả DVMTR đã mang lại nhiều đổi thay về kinh tế - xã hội cho các xã vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Trong đó, yếu tố quan trọng là nguồn thu nhập ổn định từ việc được Nhà nước giao đất, giao rừng và tham gia nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng đã giúp người dân có điều kiện để phát triển hiệu quả các mô hình chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp, vươn lên thoát nghèo.

Đơn cử như gia đình chị Y Khop (thôn Ria Peng, xã Đăk Hring, huyện Đăk Hà) được Nhà nước giao quản lý, bảo vệ 6,75ha rừng cung ứng DVMTR và năm 2022 được chi trả 6,1 triệu đồng tiền DVMTR. Nhờ nguồn tiền DVMTR, năm 2022, gia đình chị Y Khop đã có một khoản để mua gạo, mắm và quần áo, sách vở cho con bước vào năm học mới. “Cán bộ thôn, xã cũng nói mình là bảo vệ rừng tốt thì sẽ nhận được tiền nhiều hơn, nên mọi người trong nhà đã thay phiên nhau đi tuần tra rừng. Dù mưa hay nắng cũng vẫn đi thường xuyên. Nhiều năm nay, rừng của nhà mình được bảo vệ rất tốt, không có vụ vi phạm hay mất gỗ nào”, chị Y Khop chia sẻ.

Không chỉ tạo ra thu nhập cho các hộ gia đình, cá nhân, chính sách chi trả DVMTR còn giúp các cộng đồng dân cư thôn có nguồn thu nhập lớn, phục vụ cho các hoạt động chung của thôn, làng và thành lập quỹ vay vốn để giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, phát triển kinh tế. Ông A Chim - Trưởng thôn Tu Ria Peng (xã Đăk Hring) cho biết: Cả thôn có 105 hộ đều là người dân tộc thiểu số. Sau khi được Nhà nước giao quản lý, bảo vệ 170ha rừng, thôn đã tiến hành họp dân và tuyên truyền, phổ biến về quy chế hoạt động bảo vệ rừng theo cộng đồng để bà con nắm rõ.

“Thôn đã chia 4 nhóm, mỗi nhóm 15 - 18 hộ, luân phiên đi tuần tra rừng 2 tuần/lần. Với số tiền hơn 158,5 triệu đồng tiền DVMTR nhận được năm 2022, thôn đã chi trả cho bà con đầy đủ tiền công đi tuần tra, kiểm tra rừng. Được cán bộ Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum hướng dẫn, thôn đã trích một phần nhỏ để phục vụ hoạt động văn hóa, hội họp trong thôn. Thôn cũng đã thành lập quỹ cho vay vốn để hỗ trợ bà con vay vốn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Bà con ai cũng vui mừng và phấn khởi”, ông A Chim nói.

Theo ông Hồ Thanh Hoàng - Giám đốc Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng tỉnh Kon Tum, năm 2022, Quỹ Bảo vệ và Phát triển rừng Kon Tum đã chi trả 51 tỷ đồng tiền DVMTR cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư thôn, góp phần đảm bảo ổn định cuộc sống cho 3.333 chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân và 128 cộng đồng dân cư thôn. Thu nhập hàng năm bình quân mỗi hộ gia đình khoảng 11,57 triệu đồng/hộ/năm; bình quân mỗi cộng đồng dân cư thôn khoảng 97,85 triệu đồng/cộng đồng/năm.

“Tiền DVMTR cũng đã góp phần tạo việc làm, giảm nghèo, cải thiện sinh kế, nâng cao chất lượng cuộc sống, giúp người dân gắn bó với rừng. Chính sách chi trả DVMTR có tác động rất lớn trong việc cải thiện đời sống của người dân, từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức bảo vệ rừng, giúp ổn định an ninh chính trị, góp phần phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Kon Tum” - ông Hồ Thanh Hoàng cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng ở Kon Tum: Góp phần phát triển kinh tế - xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO