Xã hội

Chiến thắng của trí tuệ, bản lĩnh Việt Nam

PGS,TS. Thiếu tướng - Nguyễn Bá Dương 29/04/2023 - 11:37

(TN&MT) - Trong cuốn hồi ký “Hồi tưởng: Bi kịch và bài học Việt Nam” xuất bản năm 1995, tác giả cuốn sách - Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert McNamara - “kiến trúc sư” cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ tại Việt Nam đã cay đắng thừa nhận: “Chúng ta đã sai lầm, sai lầm một cách tồi tệ”.

Chỉ ra 14 sai lầm mà Mỹ đã mắc phải trong cuộc chiến tranh xâm lược này, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh: “Chúng ta đánh giá thấp sức mạnh của tinh thần dân tộc Việt Nam có thể huy động nhân dân đấu tranh và hy sinh vì đức tin và giá trị của họ”.

2-1-.jpg

Không riêng gì McNamara. 48 năm kể từ ngày kết thúc cuộc “đụng đầu lịch sử” Mỹ - Việt, “Vì sao Việt Nam?” vẫn luôn là một câu hỏi khiến nhiều học giả, nhà nghiên cứu phân tích quân sự trên thế giới miệt mài tìm lời giải. Nhiều trong số họ đều gặp nhau ở câu trả lời và cảm thán: Bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam - thật là kỳ diệu!

Không khó để hình dung vì sao thắng lợi của Việt Nam là điều khó lý giải đối với nước ngoài. Rõ ràng, Việt Nam - một nước nhỏ mà có thể thắng một cường quốc lớn hơn mình gấp nhiều lần về tiềm lực kinh tế lẫn sức mạnh quân sự. So sánh tương quan lực lượng, dân số nước ta lúc ấy chỉ xấp xỉ 1/6 của nước Mỹ; đặc biệt nếu so sánh về lực lượng quân sự, nhất là về trình độ khoa học - kỹ thuật thì chênh lệch quá lớn. Thế nhưng, quá nhiều tiềm lực quân sự và 222 tháng tiến hành xâm lược, 4 lần thay đổi “chiến lược chiến tranh”, thay 5 đời tổng thống, song, kết cục vẫn là thảm bại nặng nề.

Mỹ đã thua đau trên chiến trường miền Nam. Chiến thắng của Việt Nam được làm nên bởi sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với truyền thống yêu nước, kiên cường, đoàn kết một lòng của nhân dân ta. Thắng lợi ấy đã chứng minh cho chiến thắng trọn vẹn của ý chí, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam. Ý chí, bản lĩnh và trí tuệ chính là những yếu tố quan trọng nhất góp phần làm nên chiến thắng của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước mà đỉnh cao là Đại thắng mùa Xuân năm 1975.

Ý chí, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam được kết tinh và biểu hiện qua khả năng lãnh đạo độc lập, tự chủ của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh; là sự vận dụng đúng đắn sáng tạo những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin vào những điều kiện cụ thể của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước; thể hiện trong đường lối chiến lược và sách lược cách mạng của Đảng, qua quá trình nắm tình hình địch, phân tích, so sánh tương quan lực lượng giữa ta với địch, chủ động, sáng tạo vận dụng quy luật của chiến tranh. Đó vừa là biểu hiện tập trung nhất về ý chí chiến đấu vì độc lập, thống nhất Tổ quốc, đồng thời đó cũng là bản lĩnh và trí tuệ của quân và dân ta.

Ý chí, bản lĩnh, trí tuệ của Đảng, Bác Hồ và nhân dân ta thể hiện sâu sắc nhất trong việc xác định nhiệm vụ chiến lược cho cuộc cách mạng: Đồng thời giải quyết hai nhiệm vụ chiến lược nhằm một mục tiêu chung là giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc và thống nhất Tổ quốc.

Về điều này, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định với ý chí, quyết tâm sắt đá, không gì có thể lay chuyển nổi, đó là: “Dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập, tự do”, vì “miền Nam là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam”, “Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”. Điều sâu sắc ấy không chỉ thể hiện rõ ở tầm nhìn chiến lược, niềm tin, ý chí quyết tâm sắt đá của quân và dân ta đối với cuộc đấu tranh lâu dài để thống nhất Tổ quốc mà còn khẳng định rõ mối quan hệ biện chứng giữa đường lối, nhiệm vụ cách mạng của hai miền Nam - Bắc. Thực tế chỉ ra rằng, có kiên quyết chiến đấu giải phóng miền Nam mới bảo vệ được miền Bắc; và có bảo vệ vững chắc miền Bắc mới có điều kiện về mọi mặt để giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Với vai trò là “hậu phương lớn” cho chiến trường miền Nam, khắp các địa phương của miền Bắc đã dấy lên những phong trào thi đua “Vì miền Nam ruột thịt” như phong trào “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”, nông dân “Tay cày tay súng”, công nhân “Tay búa, tay súng”, học sinh “làm nghìn việc tốt”… Thực hiện mục tiêu duy nhất là “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”.

2-2-.jpg
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng các đồng chí trong Quân ủy Trung ương duyệt phương án tác chiến Chiến dịch Hồ Chí Minh (Hà Nội, 4/1975). Ảnh: TTXVN

Ý chí, bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam còn được biểu hiện trong việc giữ vững tính nguyên tắc, linh hoạt xác định phương pháp đấu tranh và xác định lực lượng cách mạng. Chúng ta đã khôn khéo sử dụng bạo lực cách mạng; chọn điểm xuất phát là tiến hành khởi nghĩa từng phần ở nông thôn phát triển thành chiến tranh cách mạng; tạo sức mạnh tổng hợp trên cơ sở kết hợp chặt chẽ các lực lượng (lực lượng chính trị quần chúng với lực lượng vũ trang); kết hợp chặt chẽ ba thứ quân: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích; đánh địch bằng ba mũi giáp công: Quân sự, chính trị và binh vận; đan cài, kết hợp: Kết hợp chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy; kết hợp đánh lớn với đánh vừa và nhỏ; thực hiện làm chủ để tiêu diệt địch, tiêu diệt địch để làm chủ, nắm vững phương châm đánh địch lâu dài.

Ý chí, bản lĩnh, trí tuệ Việt Nam còn đặc biệt thể hiện ở tầm nhìn xa trông rộng của Đảng, Bác Hồ, quân và dân ta với ý thức sâu sắc “giúp bạn là tự giúp mình”; hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quốc tế: Xây dựng củng cố liên minh chiến đấu với nhân dân Lào và nhân dân Campuchia; không cho phép Mỹ dùng nước này để uy hiếp hoặc xâm lược nước kia. Nhờ đó chúng ta đã tạo nên thế lực vững chắc, tình đoàn kết gắn bó keo sơn giữa nhân dân 3 nước Đông Dương cùng nhau chống Mỹ xâm lược.

Có thể nói, đây là một quá trình sáng tạo không ngừng, chớp lấy thời cơ, biến những điều kiện, hoàn cảnh thực tế của đất nước thành thế, thời và lực của ta mạnh hơn kẻ thù để chiến thắng. Ý chí đó là khả năng huy động đến mức cao nhất cả về sức lực, trí tuệ, tình cảm, ý chí của một dân tộc yêu chuộng hoà bình, sẵn sàng hy sinh để giành lại độc lập, tự do, thống nhất Tổ quốc trước một kẻ thù có sức mạnh quân sự lớn hơn gấp nhiều lần.

21 năm chống Mỹ cứu nước, cũng như trong suốt 30 năm chiến tranh giải phóng dân tộc, chưa có thời kỳ nào mà vấn đề đánh giá, so sánh lực lượng địch - ta và việc nắm bắt thời cơ, hạ quyết tâm chiến lược của Đảng lại có những bước phát triển sáng tạo, sắc bén kịp thời như trong mùa Xuân 1975 lịch sử: Đánh giá đúng lực lượng và khả năng của địch; nhận định đúng tình thế và thời cơ lớn của cuộc chiến tranh cách mạng; nắm bắt đúng động thái trên chiến trường; phán đoán đúng chiều hướng phát triển của cuộc chiến là cơ sở thực tiễn, đồng thời là cơ sở khoa học tạo nên ý chí chiến đấu của quân và dân ta.

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 diễn ra trong 55 ngày đêm với tốc độ “một ngày bằng hai mươi năm”, quân và dân ta đã toàn thắng ở ba chiến dịch then chốt, đó là: Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Huế - Đà Nẵng và Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đây là sự phát triển đến đỉnh cao của tư duy chiến lược, thể hiện cao nhất cả về ý chí, bản lĩnh và trí tuệ của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Đánh giá về thắng lợi vĩ đại này, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng khẳng định: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.

Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là một minh chứng sống động nhất về ý chí, bản lĩnh, trí tuệ tuyệt vời của Đảng, Nhân dân và các lực lượng vũ trang, để lại cho chúng ta những bài học vô cùng quý giá trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thắng lợi ấy đã đưa vị thế Việt Nam lên một tầm cao mới!.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chiến thắng của trí tuệ, bản lĩnh Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO