Tuy nhiên, việc tiếp cận vắc-xin đòi hỏi thời gian do nhu cầu lớn, nguồn sản xuất trong nước đang trong giai đoạn kiểm nghiệm, nguồn cung của thế giới hạn chế. Vì vậy, trong Chiến lược phòng, chống dịch Covid-19 với mục tiêu bao phủ vắc-xin, việc tổng động viên mọi nguồn lực bằng “nội công ngoại kích” đang là giải pháp hữu hiệu.
Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel diễn ra ngày 22/6 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đánh giá cao đóng góp của Đức với tư cách là một trong những nhà tài trợ lớn nhất cho Sáng kiến COVAX; đề nghị Đức tạo điều kiện thuận lợi để Việt Nam sớm tiếp cận nguồn vắc-xin và hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất vắc-xin với các hãng dược phẩm của Đức; đồng thời cảm ơn chính quyền một số bang của Đức mới đây đã quyết định gửi tặng 1 triệu bộ kit xét nghiệm nhanh Covid-19 cho Chính phủ Việt Nam. Đáp từ, Thủ tướng Đức đánh giá cao kết quả phòng, chống dịch của Việt Nam và hoan nghênh tinh thần đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau của hai nước trong đại dịch, khẳng định chủ trương tăng cường hợp tác với Việt Nam trong phòng, chống Covid-19.
Cũng trên lĩnh vực hợp tác ngoại giao, mới đây, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Bộ trưởng thứ nhất, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Phát triển Anh Dominic Raab đến chào xã giao nhân dịp Bộ trưởng thăm chính thức Việt Nam và tham dự Đối thoại chính sách cấp cao ASEM.
Tại buổi tiếp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã hoan nghênh và đánh giá cao kết quả hội đàm giữa Bộ trưởng Dominic Raab và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn. Đồng thời, đánh giá cao Anh là nước đi đầu ở châu Âu và thế giới về nghiên cứu, phát triển và triển khai tiêm chủng vắc-xin Covid-19, đề nghị Anh tạo thuận lợi hơn nữa để Việt Nam tiếp cận nguồn cung cũng như công nghệ sản xuất vắc-xin. Bộ trưởng Dominic Raab bày tỏ ấn tượng trước những thành tựu kiểm soát dịch Covid-19 của Việt Nam, khẳng định Anh sẵn sàng đóng góp vắc-xin cho nỗ lực toàn cầu nhằm chiến thắng dịch bệnh, trong đó có việc hỗ trợ vắc-xin cho các nước bạn bè, đối tác chiến lược như Việt Nam.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Bộ trưởng thứ nhất, Bộ trưởngBộ Ngoại giao và Phát triển Anh Dominic Raab |
Cùng với các thỏa thuận về vắc-xin với các nước đã được bàn thảo trước đó (bao gồm 20 triệu liều vắc-xin Sputnik V của Nga; 30 triệu liều AstraZeneca; 5 triệu liều Moderna; 31 triệu liều fizer; 38,9 triệu liều NOVAX), thời gian gần đây, từ những nỗ lực ngoại giao, Việt Nam đã nhận được nhiều sự quan tâm của Chính phủ các nước trên thế giới, trong khu vực và châu Á. Trong đó, phải kể đến gần 1 triệu liều vắc-xin phòng Covid-19 từ Chính phủ Nhật Bản vừa được chuyển về và ưu tiên phần lớn cho thành phố Hồ Chí Minh. Tới đây, 500.000 liều vắc-xin Sinopharm từ Chính phủ Trung Quốc viện trợ cũng sẽ nhanh chóng chuyển đến Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, theo các nghiên cứu, vắc-xin Pfizer đạt hiệu quả trên 90%; hiệu quả mũi 1, mũi 2 của vắc-xin AstraZeneca lần lượt là 76% và 81%...
Tại Hội nghị trực tuyến các Quan chức Cao cấp (SOM) ASEAN+3 giữa ASEAN với các đối tác Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng tham dự, các nước đều bày tỏ sẽ ưu tiên hỗ trợ vắc-xin cho các nước nghèo, các nước đang phát triển, các nước trong khối ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Trong nước, chiều 23/6, Học viện Quân y cho biết, các đơn vị nghiên cứu đã hoàn thành 1.000 mũi tiêm đầu tiên thử nghiệm giai đoạn 3 vắc-xin Nano Covax phòng Covid-19, hiện các tình nguyện viên đều có sức khỏe ổn định. Sau khi tiêm thử nghiệm cho 1.000 người đợt đầu tiên của giai đoạn 3, Học viện Quân y sẽ tiếp tục tiêm thử nghiệm cho 12.000 người còn lại.
Đến thời điểm này, Việt Nam có 2 vắc-xin đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng là vắc-xin Nano Covax và vắc-xin Covivax (của IVAC chuẩn bị thử nghiệm giai đoạn 2).
Nhân viên y tế được tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Ảnh: MH |
Cũng trong ngày 23/6, liên quan đến kiến nghị của Công ty Cổ phần công nghệ sinh học dược Nanogen về việc xin cấp phép khẩn cấp cho vắc-xin phòng Covid-19 Nano Covax, cơ quan đại diện Bộ Y tế khẳng định, việc cấp phép khẩn cấp cho một loại vắc-xin phòng Covid-19 là điều cần thiết, tuy nhiên tất cả phải trên nguyên tắc đầy đủ các dữ liệu về mặt khoa học, phải chứng minh và trả lời được 3 câu hỏi: Có an toàn không? Có sinh miễn dịch không? Có hiệu lực bảo vệ không? Vì vậy, để quyết định có cấp phép khẩn cấp hay không, Bộ Y tế cần có các dữ liệu khoa học chính xác.
Nguồn vắc-xin trong nước trong tính toán của Chiến lược vắc-xin sẽ phục vụ cho phương án dài lâu và cần phải có đủ dữ liệu khoa học kiểm nghiệm tính hiệu quả, an toàn. Trước mắt, khi Việt Nam đang đàm phán hiệu quả và làm chủ được nguồn vắc-xin phòng Covid-19 nhập khẩu với các vắc-xin có kết quả nghiên cứu rõ ràng như AstraZeneca, Pfizer, Moderna, Sputnik-V hay các vắc-xin khác đã được WHO phê duyệt thì sẽ ưu tiên sử dụng nguồn nhập khẩu thay vì vắc-xin chưa đủ dữ liệu.
Và như vậy, trong Chiến lược vắc-xin hiện nay, huy động nguồn lực của cả dân tộc vào thực hiện Quỹ vắc-xin, cùng với đẩy mạnh ngoại giao, đàm phán và thúc đẩy sản xuất trong nước, mục tiêu bao phủ vắc-xin của Việt Nam sẽ sớm đạt hiệu quả nhằm thực hiện thành công chiến lược phòng chống dịch Covid-19 trước mắt, lâu dài và trong tương lai, có thể vươn ra đáp ứng nhu cầu của các nước cần hỗ trợ.
Trong khi Việt Nam đang dần xác lập một trạng thái bình thường mới, không một ai được quên những bài học về sức khỏe cộng đồng. Thực hiện tốt thông điệp “vắc-xin + 5K”, sử dụng hiệu quả nguồn vắc-xin đồng thời duy trì ý thức phòng ngừa cao ở mỗi người và cả cộng đồng sẽ tiếp tục là chiến lược căn bản, lâu dài để triển khai hiệu quả “nhiệm vụ kép”: Vừa phòng, chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
|