Chiến lược mới giúp Việt Nam mở rộng quy mô điện mặt trời

Tống Minh| 18/02/2020 09:54

(TN&MT) - Phát triển các dự án điện mặt trời mới là một yếu tố quan trọng giúp Chính phủ Việt Nam đạt các mục tiêu biến đổi khí hậu về cắt giảm khí thải trong Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) và giảm nhu cầu phát triển các dự án điện than mới.

Việt Nam có thể tăng công suất điện mặt trời từ 4,5 gigawatt (GW) hiện nay lên hàng chục GW trong 10 năm tới, đồng thời, tạo thêm hàng ngàn việc làm nếu áp dụng phương pháp tiếp cận mới trong đấu thầu để lựa chọn và triển khai các dự án điện mặt trời.

Đối mặt với nguy cơ “giảm phát”

Theo báo cáo mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB), trong Quy hoạch phát triển điện lực 7 sửa đổi ban hành năm 2016, Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu 12 GW công suất điện mặt trời. Chính phủ cũng đề ra các mục tiêu trung gian 850 megawatt (MW) điện mặt trời vào năm 2020 và 4 GW vào năm 2025. Tuy vậy, vào giữa năm 2019, Việt Nam đã đạt được mục tiêu của năm 2025 với công suất đặt hơn 4,5 GW.

4,5 GW dự án điện mặt trời này được phát triển theo chính sách biểu giá điện năng lượng tái tạo ưu đãi hòa lưới (feed in tariff - FIT). Giá điện mặt trời theo FIT là 2.086 đồng/kWh (ấn định ở mức 0,0935USD/kWh) cho các hợp đồng mua bán điện có thời hạn 20 năm.

Các doanh nghiệp đang chờ cơ chế mới của điện mặt trời

Đáng nói, với cơ chế giá này, ngành điện mặt trời đang đối mặt với rủi ro “giảm phát”. Đây là hiện tượng các dự án điện mặt trời phải hoạt động dưới công suất phát điện lắp đặt, một hệ quả do chính sách giá bán điện mặt trời ưu đãi cố định đem lại.

Phân tích cụ thể, WB chỉ rõ, chính việc thiếu quy hoạch tập trung đã gây ra hạn chế về giải tỏa công suất và hạn chế phát điện. Giữa Quy hoạch phát triển điện lực 7 sửa đổi và Quy hoạch phát triển điện mặt trời của Bộ Công Thương không có mối liên kết rõ ràng. Quy hoạch phát triển điện mặt trời có công suất điện mặt trời cao hơn nhiều so với đề xuất trong Quy hoạch phát triển điện lực 7 sửa đổi. Quy hoạch truyền tải cũng không được phối hợp với công suất nêu trong Quy hoạch phát triển điện mặt trời dẫn đến hạn chế hơn nữa về tích hợp năng lượng tái tạo (VRE).

Thêm vào đó, theo cơ chế FIT, các đơn vị sản xuất điện độc lập quyết định vị trí đặt các dự án điện mặt trời và lập nghiên cứu tích hợp lưới điện được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phê duyệt. “Vì vậy, do EVN không biết dự án nào sẽ có ngày vận hành thương mại (COD), họ đánh giá các dự án một cách riêng lẻ, hết dự án này đến dự án khác mà không đánh giá được một cách tổng thể. Thách thức này dẫn tới việc 4,5 GW điện mặt trời được xây dựng ngoài dự kiến, gấp 5 lần khối lượng quy hoạch trong Quy hoạch phát triển điện lực 7 sửa đổi. Các dự án này hiện đang phải đối mặt với việc bị hạn chế nghiêm trọng và thiếu công suất truyền tải theo kế hoạch của EVN”, WB chỉ rõ.

Cùng với đó, cho đế nay, Việt Nam cũng thiếu thông số rõ ràng và thống nhất để đánh giá chất lượng các dự án, không xây dựng trần công suất điện mặt trời ở từng tỉnh và cũng không có các thông số thống nhất giữa các tỉnh để đánh giá chất lượng các đề xuất dự án điện mặt trời của các đơn vị sản xuất điện độc lập. Do đó, khi nhận được số lượng đề xuất vượt quá công suất mục tiêu trong Quy hoạch phát triển điện lực 7 sửa đổi, quy trình lựa chọn những dự án cần được bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện mặt trời và nhận giấy phép đầu tư giữa các tỉnh không hài hòa với nhau.

Gỡ “nút thắt” bằng chính sách đấu thầu cạnh tranh

Chính phủ Việt Nam đang sửa đổi các mục tiêu điện mặt trời trong Quy hoạch phát triển điện lực 8 cho giai đoạn 2021 - 2030, dự kiến sẽ hoàn thành và công bố vào đầu năm 2020. Mục tiêu điện mặt trời đang thảo luận hiện nay là 18 GW đến năm 2030. Để đạt được mục tiêu này, cùng với việc chính sách FIT đã hết hiệu lực vào tháng 6 năm 2019, WB đề xuất việc áp dụng chính sách đấu thầu cạnh tranh.

Chính sách này được triển khai ở hai phương án mới, đó là đấu thầu cạnh tranh công viên điện mặt trời và đấu thầu cạnh tranh theo trạm biến áp (tức là đấu thầu cạnh tranh dựa vào công suất khả dụng ở các trạm biến áp điện/lộ đường dây).

Mục đích của các phương án này là giúp Việt Nam giải quyết những hạn chế chính về khả năng sẵn sàng của lưới điện, rủi ro hạn chế và quy trình giao đất phức tạp. Cả hai phương án đều nhằm mục đích giảm bớt các rủi ro phát triển mà các đơn vị sản xuất điện độc lập nhận thức được, nhờ đó giảm được phí bảo hiểm rủi ro trong chi phí vốn. Kết quả chính là giá điện trong Quy hoạch phát triển điện lực do các bên phát triển dự án đề xuất dự kiến sẽ giảm xuống so với phương án đấu thầu cạnh tranh không biết trước địa điểm.

“Nếu đấu thầu cạnh tranh tại trạm biến áp, điều quan trọng phải đảm bảo khi chọn các trạm biến áp là cần phối hợp với các tỉnh hoàn thành sàng lọc các ràng buộc về môi trường và xã hội. Các các đơn vị sản xuất điện độc lập được tự chọn mặt bằng và tuân thủ các quy định của nhà nước về xã hội và môi trường. Nếu đấu thầu cạnh tranh theo phương án công viên điện mặt trời, Chính phủ lựa chọn mặt bằng và thực hiện công việc này với các tỉnh để đảm bảo tác động tối thiểu đến môi trường và xã hội”, WB lưu ý.

WB ước tính tăng công suất điện mặt trời ở Việt Nam có thể tạo ra khoảng 25.000 việc làm mới mỗi năm trong lĩnh vực phát triển dự án, dịch vụ, vận hành và bảo trì cho tới năm 2030 và 20.000 việc làm khác trong lĩnh vực sản xuất nếu Việt Nam duy trì được thị phần hiện tại của mình trong thị trường thiết bị điện mặt trời toàn cầu.

Theo đề xuất của WB, Việt Nam có thể thí điểm đấu thầu cạnh tranh vào năm 2020/2021 thông qua ba phương án khác nhau với tổng công suất 1,2 GW, trong đó, 500 MW đấu thầu cạnh tranh theo mô hình trạm biến áp, 200 MW công viên điện mặt trời nổi “và 500 MW công viên điện mặt trời mặt đất. Sau giai đoạn thí điểm, cần đấu thầu khoảng 1 - 2 GW mỗi năm cho cả hai phương án đấu thầu tại trạm biến áp và công viên điện mặt trời. Việc triển khai đấu thầu có thể theo định kỳ, sau 12 hoặc 18 tháng, theo công suất đề ra trong Quy hoạch phát triển điện lực 8.

Đợt đấu thầu thí điểm đầu tiên - đấu thầu cạnh tranh quy mô 500 MW theo trạm biến áp và 500 MW công viên điện mặt trời mặt đất dự kiến bắt đầu vào nửa cuối năm 2020 với hỗ trợ kỹ thuật và tài chính của WB.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chiến lược mới giúp Việt Nam mở rộng quy mô điện mặt trời
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO