Sáng 23/4, tôi tìm gặp Trung tá Nguyễn Viết Chức, nguyên chiến sĩ theo tàu ra giải phóng đảo Song Tử Tây (Trường Sa) 46 năm trước với tư cách là lính biển Trường Sa và những người kế tục. Ở cái tuổi chớm “xưa nay hiếm”, ông vẫn minh mẫn kể về trận chiến đấu đánh địch ngoài đảo Song Tử Tây ngày ấy. Ông bảo, chuyện giải phóng quần đảo Trường sa được coi là “cánh quân thứ 6”. Song Tử Tây cũng là đảo giải phóng đầu tiên trong chiến dịch giải phóng Trường Sa. “Nó được coi là sào huyệt, là cửa mở tiêu diệt địch. Nếu không giải phóng Song Tử Tây trước, thì ngày ấy khó có thể giải phóng các đảo còn lại” - cựu binh Chức bắt đầu câu chuyện.
Cùng với 5 “cánh quân” tiến vào Sài Gòn - Gia Định, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương xác định: “Đồng thời giải phóng Trường Sa”. Lúc đó, Quân ủy Trung ương giao cho Quân chủng Hải quân trinh sát, nắm chắc tình hình và hành quân chiến đấu theo bức điện tuyệt mật của Đại tướng Võ Nguyên Giáp gửi Khu ủy Khu 5 và Bộ Tư lệnh Hải quân. Trong quần đảo Trường Sa lúc ấy, Song Tử Tây là hòn đảo được xác định giải phóng đầu tiên để làm “bàn đạp” tiến tới giải phóng các đảo khác.
Đảo Song Tử Tây hôm nay nhìn từ phía biển |
Đêm 10/4/1975, từ bến cảng Sơn Trà - Đà Nẵng, “Đoàn tàu không số” của ta được ngụy trang thành “Đoàn tàu đánh cá” gồm 3 chiếc 673, 674, 675 nhổ neo ra khơi trong bạt ngàn giông tố. Trong bụng những con tàu đó giấu 300 cán bộ chiến sĩ Đội 1 của Đoàn 126 đặc công Hải quân cùng các lực lượng Quân khu 5 và hàng chục tấn đạn dược, thần tốc ra đảo. Thiếu tướng Mai Năng (lúc đó là Trung tá) đi trên tàu 675 giữ chức Chỉ huy Biên đội tàu. Tất cả cán bộ, chiến sĩ xác định phải hoàn thành tốt nhiệm vụ, kể cả không hẹn ngày về. Trong tim mọi người nghĩ rằng, nếu hy sinh cho Tổ quốc cũng là niềm kiêu hãnh” - Cựu binh Chức hồi tưởng lại.
Khi giải phóng rồi phải tổ chức lực lượng phòng thủ đảo ngay và tiếp tục giải phóng các điểm đảo khác. Được đồng chí Phó Tư lệnh giao nhiệm vụ, Trung tá Năng tính toán trong đầu: Phải vận dụng chiến thuật đánh trên bộ kết hợp dưới biển mới có thể đánh thắng địch. Đây là trận đánh quan trọng quyết định đến sinh mệnh của Trường Sa. Đội hình đặc công nước tham gia trận đánh, một số là lính mới, chưa trải qua chiến đấu. Phải làm thế nào để bớt đổ máu? Bao câu hỏi đặt ra trong đầu Trung tá Mai Năng. Cuối cùng ông đã tìm ra giải pháp “đánh địch vượt cạn trên biển”.
- Đánh địch vượt cạn là thế nào thưa ông?
- Là đánh theo kiểu đổ bộ đường sông nhưng địa hình là đảo. Đánh áp dụng chiến thuật tiến công, chốt chặn, ẩn nấp. Chiến thuật đánh vượt cạn trên biển là vậy - ông Chức nói.
Sau gần 3 ngày đêm hải trình, rạng sáng ngày 13/4/1975, Biên đội tàu đã đến vùng biển Song Tử Tây. Trung tá Mai Năng mở tấm hải đồ Trường sa, trỏ tay vào một điểm, dõng dạc: “Đây là đảo Song Tử Tây, chúng ta hiện đang ở tọa độ này. Tàu sẽ bí mật vào cách đảo 4 hải lý. Nếu điều kiện cho phép cứ vào sát nữa, vòng quanh đảo tìm vị trí đổ bộ”. Hướng về phía Đội trưởng đội 1 Nguyễn Ngọc Quế - người được giao nhiệm vụ trực tiếp chỉ huy Bộ đội giải phóng đảo Song Tử Tây, Trung tá Năng nói: “Đồng chí cứ theo phương án đó mà thực hiện”.
Trong khi 2 tàu 674 và 675 án ngữ phía Bắc, cách đảo Song Tử Tây hơn chục hải lý đề phòng đối phương từ phía Bắc xuống và nghi binh các tàu chiến của đối phương đang lởn vởn ở khu vực đảo Nam Yết, thì tàu 673 do đồng chí Nguyễn Ngọc Quế chỉ huy bí mật trinh sát vòng ngoài quanh đảo, xác định rõ vị trí tiến công. 7 giờ sáng ngày 13/4/1975, đồng chí Nguyễn Ngọc Quế báo cáo, xin thông qua phương án tác chiến, quyết định: Hướng đổ bộ lên đảo là hướng Tây Nam nơi có bãi cát phẳng và đá san hô.
1 giờ sáng ngày 14/4/1975, Biên đội tàu đã bí mật tiếp cận đảo Song Tử Tây cách 3 hải lý. Trên đảo phát ra vài quầng sáng yếu ớt bảo vệ các lô cốt. Xác định đây là thời cơ thuận lợi để hạ xuồng cho quân bí mật áp sát đảo, làm bàn đạp để tiến công. Mệnh lệnh “thả xuồng” được truyền đi từ đài chỉ huy. Tàu 673 nhanh chóng quay mũi về hướng Bắc. Tàu 674, 675 ở phía Tây và phía Bắc đảo tiếp ứng cho quân đổ bộ, sẵn sàng đánh chặn tàu địch từ phía ngoài. Lợi dụng thủy triều xuống thấp, tàu 673 khẩn cấp cho các chiến sĩ bí mật tiếp cận đảo.
Đảo Song Tử Tây nửa đêm về sáng lặng lẽ hoang vu. Sau khi 38 cán bộ, chiến sĩ phân đội 1 bí mật bò sát mép đảo vào vị trí chiến đấu, Đội trưởng Quế hạ lệnh “nổ súng”, một loạt đạn DKZ bắn thẳng vào lô cốt ụ úng địch. Những tiếng hô “xung phong” vang dậy khắp đảo. Hỏa lực từ tàu 673 tới tấp nã vào các mục tiêu. Bị tấn công bất ngờ, địch chống trả quyết liệt, đại liên từ các lô cốt bắn ra như mưa. B40, B41 của các chiến sĩ đặc công tập trung bịt họng các ổ đề kháng của địch và nhanh chóng đánh chiếm Sở chỉ huy, làm chủ điện đài. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt. Về phía ta, thương vong không đáng kể. Đây là chiến công đầu tiên, khẳng định sức mạnh và tinh thần chiến đấu làm chủ vùng biển của Hải quân Việt Nam. Thừa thắng, các chiến sĩ tiếp cận các vị trí thuận lợi, dồn địch vào cuối đường giao thông hào, những tiếng loa gọi hàng vang lên. Biết không thể cố thủ mãi trong hầm hào công sự, lính ngụy đã giương cờ trắng xin hàng. Phía đường hào cuối đảo, những khuôn mặt phờ phạc ngơ ngác của kẻ thất trận, cầm cờ trắng, đưa tay lên đầu xin hàng vô điều kiện. Lá cờ của Mặt trận giải phóng miền Nam Việt Nam được chiến sĩ Lê Xuân Phát kéo lên đỉnh cột cờ trước Bia chủ quyền, tung bay trên đảo Song Tử Tây. Lúc đó là 5 giờ 15 phút ngày 14/4/1975.
Chiến sĩ tín hiệu chỉ huy xuồng cập đảo |
***
Những ngày này, đảo Song Tử Tây như khoác lên mình màu áo mới. Từ cán bộ chỉ huy đến chiến sĩ binh nhì, tất cả đều hân hoan mừng đảo tròn tuổi 46 và chuẩn bị mọi mặt cho công tác bầu cử Đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.
Song Tử Tây 46 năm trước là “doi cát nhỏ” khô cằn sỏi đá, sau 46 năm, Song Tử Tây là một trong 33 điểm đóng quân sầm uất nhất Quần đảo Trường Sa. Ngoài hàng trăm cỏ cây hoa lá phủ một màu xanh lên đảo, Song Tử Tây còn là hòn đảo đầu tiên nuôi được bò sữa. Nhiều câu chuyện xúc động về chiến sĩ “tìm kiếm mầm xanh” trôi dạt ngoài biển đem về đảo ươm mầm nhân giống; những mối tình lãng mạn của chàng sĩ quan trẻ và cô gái sinh viên sư phạm Đại học Nha Trang sau cuộc gặp gỡ không hẹn ước tại hòn đảo này. Và những chuyện “ông tăng gia”, “ông đỡ bò”, “ông ấp trứng” luôn là “đề tài hấp dẫn” khiến nhiều khách từ đất liền cảm động, khâm phục.
Đảo Song Tử Tây đã trở thành điểm tựa của ngư dân đánh bắt xa bờ. Đảo có âu tàu an toàn với sức chứa 80 - 100 tàu cá của ngư dân công suất lớn neo đậu. Đảo có một làng chài với các công trình phụ trợ đảm bảo việc lưu trú, sinh hoạt cho khoảng 300 người vào tránh bão. Đây cũng là nơi cung cấp nước ngọt và xăng dầu cho bà con ngư dân bằng giá trong đất liền.
Ghi theo lời kể của Trung tá Nguyễn Viết Chức - Nguyên chiến sĩ Lữ đoàn 125 Hải quân
Cùng với Trường Sa Lớn và Sơn Ca, Song Tử Tây là hòn đảo có mật độ cây xanh dày nhất. Mặc dù thời tiết ở Song Tử Tây khá khắc nghiệt, nhưng cán bộ chiến sĩ luôn chủ động trong việc nhân giống cây xanh bằng cách chiết cành, gieo hạt. Tất cả hệ thống nhà ở, nơi huấn luyện, hầm hào công sự đều có cây xanh. Đảo nuôi được bò, lợn, gà, vịt. Đây cũng là nguồn thực phẩm “tự cung ứng” của đảo. Ở đất liền có gì, đảo Song Tử Tây có nấy, nếu khác là thiếu hơi ấm đất liền.
Trung tá Nguyễn Đức Độ - Chỉ huy trưởng, kiêm Chủ tịch xã Song Tử Tây