Thứ trưởng Lê Công Thành cho biết, một trong những tài sản giá trị, sức mạnh của ngành TN&MT chính là dữ liệu. Hiện nay chúng ta đang tiến tới thời đại 4.0, chúng ta cần nhanh chóng đi những bước đầu tiên trước khi quá muộn.
Lấy ví dụ sự cố đau xót là lũ quét ở Thanh Hóa mới xảy ra gần đây sau bão số 3 gây thiệt hại nhiều về người và tài sản, Thứ trưởng cho rằng, sự cố này buộc chúng ta phải suy nghĩ về việc: vậy thì trong tay chúng ta có những gì, chúng ta có thể làm được gì để hạn chế những mất mát đáng tiếc như vậy?
Theo Thứ trưởng, kiểm đếm lại mới thấy trong tay chúng ta có mọi thứ nhưng mỗi thứ nằm một nơi, các mảng dữ liệu vẫn đang nằm rải rác. Để tổng hợp lại ra một kết quả mà có thể hoàn thành được chức năng nhiệm vụ quản lý nhà nước về KTTV, tài nguyên nước, biến đổi khí hậu thì còn rất thiếu sự liên kết, sự chia sẻ dữ liệu dùng chung với nhau.
Thứ trưởng Lê Công Thành đề nghị các đơn vị phải thay đổi tư duy, nhận diện được thách thức. Đồng thời cần sớm thay đổi, phối hợp tốt với nhau để tổng hợp các loại dữ liệu lại và đưa ra được sản phẩm, kết quả mà Đảng, nhà nước và nhân dân mong chờ. Theo Thứ trưởng, cởi mở chia sẻ mới làm nên sức mạnh của ngành TN&MT.
Tại cuộc họp, PGS.TS Trần Hồng Thái – Tổng cục trưởng Tổng cục KTTV cho biết, KTTV đã được đầu tư khai thác thông tin một cách bài bản, bố trí hạ tầng dữ liệu thông tin nên có được nền tảng, tiềm lực để đặt cơ sở dữ liệu cũng như tạo môi trường công nghệ thông tin để quản lý cơ sở dữ liệu này.
Nhận thấy từ nhiều lĩnh vực khác nhau có các cơ sở dữ liệu khác nhau; trong đó Tổng cục KTTV có rất nhiều cơ sở dữ liệu có thể chia sẻ. “Trước mắt, tôi mong muốn sẽ có thể chia sẻ luôn số liệu KTTV trong mạng lưới phòng chống thiên tai của Bộ ngay trong tháng 8 này”, ông Trần Hồng Thái nêu ý kiến.
Ông Trần Hồng Thái cũng cho biết thêm, trong tháng 8, Tổng cục KTTV đang triển khai tích hợp số liệu từ các mạng lưới quan trắc tự động về cơ sở dữ liệu tập trung, ngay lập tức Cục Quản lý tài nguyên nước vào cuộc rất tích cực và tích hợp thông tin về các trạm, các hồ chứa, các vị trí. Tổng cục KTTV sẽ cử đầu mối cùng làm việc với các chuyên gia quốc tế từng bước tích hợp dữ liệu vào hệ thống. Có thể một số dữ liệu chúng ta chưa có đề nghị các đơn vị nêu luôn format dữ liệu, có thể là dữ liệu giả định.
Đối với lĩnh vực tài nguyên nước, ông Châu Trần Vĩnh – Phó Cục trưởng Cục Quản lý Tài nguyên nước thông tin, hiện nay số liệu quan trọng trong công tác quản lý tài nguyên nước cũng như dự báo nhưng đang ở diện demo chỉ có hệ thống giám sát vận hành các hồ từ hơn 100 hồ chứa, đập thủy điện lớn nhất Việt Nam. Và nhu cầu sử dụng dữ liệu dùng chung hết sức quan trọng, đặc biệt đối với lĩnh vực tài nguyên nước. Về việc chia sẻ cơ sở dữ liệu, hiện nay, Cục đã chia sẻ số liệu phục vụ công tác dự báo KTTV đặc biệt trong mùa lũ cũng như hạn hán đều có chia sẻ thông tin số liệu.
Còn trong lĩnh vực BĐKH, các dữ liệu chủ yếu có công ước, điều ước về BĐKH, chính sách về BĐKH, công việc về BĐKH thông qua chương trình hỗ trợ ứng phó BĐKH, chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó BĐKH giai đoạn 2011 – 2015, chương trình KHCN phục vụ chương trình mục tiêu ứng phó BĐKH và chương trình KHCN về tài nguyên môi trường… Cơ sở dữ liệu kiểm kê phát thải khí nhà kính.
“Để xây dựng các cơ sở dữ liệu chung này cần thống nhất nền tảng về format, định dạng cơ sở dữ liệu để đảm bảo đồng bộ khi sử dụng và hiệu quả sử dụng như mong muốn”, ông Nguyễn Tuấn Quang – Phó Cục trưởng Cục BĐKH kiến nghị.
Trên cơ sở ý kiến các đơn vị Thứ trưởng Lê Công Thành khẳng định 5 cơ sở dữ liệu dùng chung có thể sử dụng ngay được của 3 lĩnh vực KTTV, tài nguyên nước và BĐKH gồm có: trạm đo KTTV, rada thời tiết, giám sát hệ thống vận hành hồ, nước dưới đất, mạng lưới sông ngòi.
Thứ trưởng yêu cầu các đơn vị kiểm đếm lại các quy định pháp luật về dữ liệu đang có, các dự án đề tài nhiệm vụ đang có về lĩnh vực này. Từ đó, phát huy ý tưởng, cách làm, tận dụng những nguồn lực đang có để đưa ra được những kế hoạch cụ thể.