Chi tiết nội dung phối hợp giữa Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT giai đoạn 2017 - 2020

13/07/2017 00:00

(TN&MT) - Như Báo Điện tử baotainguyenmoitruong.vn đã đưa tin, chiều 12/7 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà và Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã ký chương trình phối hợp công tác giữa Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT giai đoạn 2017 - 2020.

Phát biểu tại lễ ký kết, hai Bộ trưởng Trần Hồng Hà và Nguyễn Xuân Cường cùng khẳng định: Chương trình phối hợp giữa hai Bộ không chỉ được triển khai tại khối các đơn vị trực thuộc hai Bộ mà sẽ còn là chương trình hành động xuyên suốt của hai ngành NN&PTNT với TN&MT trong cả nước.

Hai Bộ trưởng giao Sở TN&MT và Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các nội dung của Chương trình phối hợp công tác tại địa phương

Báo Điện tử baotainguyenmoitruong.vn xin đăng tải chi tiết 6 nhóm nội dung chính của chương trình phối hợp giữa hại Bộ trong giai đoạn 2017 - 2020 để các cơ quan chức năng và bạn đọc theo dõi, thực hiện.

Hai Bộ trưởng ký kết chương trình phối hợp giữa hai Bộ trong giai đoạn 2017-2020. Ảnh: Việt Hùng
Hai Bộ trưởng ký kết chương trình phối hợp giữa hai Bộ trong giai đoạn 2017-2020. Ảnh: Việt Hùng

 

1. Xây dựng, hoàn thiện thể chế:

a) Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT:

- Rà soát, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế, ban hành mới theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về tài nguyên và môi trường liên quan đến quản lý Ngành nông nghiệp và PTNT như: bảo tồn đa dạng sinh học, tài nguyên nước, quản lý đất đai, quản lý tài nguyên môi trường biển và hải đảo để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, tái cơ cấu Ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.

- Rà soát, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế, ban hành mới các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tài nguyên và môi trường theo đề xuất của Bộ Nông nghiệp và PTNT.

- Mời đại diện Bộ Nông nghiệp và PTNT tham gia Ban soạn thảo, Tổ biên tập, Tổ soạn thảo trong quá trình rà soát, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

- Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thành lập khu bảo tồn biển, khu bảo tồn vùng nước nội địa cấp quốc gia.

b) Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ TN&MT:

- Rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định về đa dạng sinh học còn chưa thống nhất trong Luật Bảo vệ và Phát triển rừng, Luật Thủy sản, Luật Thủy lợi, Pháp lệnh giống cây trồng và Pháp lệnh giống vật nuôi và các văn bản hướng dẫn thi hành;

- Mời đại diện của Bộ Tài nguyên và Môi trường tham gia các Ban soạn thảo, Tổ biên tập, Tổ soạn thảo trong quá trình rà soát, sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ, thay thế, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

2. Xây dựng, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của hai Bộ:

a) Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT:

- Xây dựng kế hoạch thích ứng Quốc gia (NAP); quy hoạch tài nguyên nước; triển khai công tác bảo vệ tài nguyên nước.

- Mời đại diện của Bộ Nông nghiệp và PTNT tham gia công tác lập quy hoạch bảo vệ môi trường cấp quốc gia, thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược đối với các chiến lược, quy hoạch phát triển của ngành nông nghiệp và PTNT do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

- Tham vấn ý kiến Bộ Nông nghiệp và PTNT trong quá trình có ý kiến thỏa thuận về xây dựng các chiến lược, quy hoạch và kế hoạch sử dụng không gian và tài nguyên biển và hải đảo.

- Lập, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, điều chỉnh và hướng dẫn thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển cả nước; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; quy hoạch tổng thể bảo tồn đa dạng sinh học của cả nước, hành lang đa dạng sinh học trên địa bàn từ hai tỉnh trở lên.

- Rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông, trong đó làm rõ các tình huống và trách nhiệm vận hành các hồ trong mùa lũ, các tình huống  bất thường.

b) Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ TN&MT:

- Nghiên cứu, lồng ghép các vấn đề về ứng phó với biến đổi khí hậu, xây dựng và phát triển thị trường các bon trong lĩnh vực nông nghiệp và PTNT, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các kế hoạch, chiến lược, quy hoạch về sản xuất nông nghiệp và PTNT.

- Tham vấn ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong quá trình có ý kiến thoả thuận về các quy hoạch chuyên ngành về nông nghiệp và PTNT liên quan đến quản lý tài nguyên và môi trường.

- Trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định thành lập khu bảo tồn biển, khu bảo tồn vùng nước nội địa cấp quốc gia.

- Xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật về nước thải xả vào hệ thống công trình thủy lợi.

3. Tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật, các chương trình, đề án, dự án:

a) Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với Bộ NN&PTNT:

- Sắp xếp đất đai tại các công ty nông, lâm nghiệp 100% vốn nhà nước hoặc nhà nước nắm cổ phần chi phối;

- Thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường về chuyển mục đích sử dụng đất lúa, đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, đất làm muối theo đề nghị của các địa phương; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh.

- Giám sát việc tuân thủ các quy định vận hành của các đơn vị quản lý vận hành hồ theo quy trình vận hành liên hồ chứa trên các lưu vực sông đã được ban hành; công tác dự báo, cảnh báo khí tượng thuỷ văn; giám sát các quy trình vận hành liên hồ chứa/hồ chứa thủy lợi và khai thác sử dụng tài nguyên nước.

- Thực hiện Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh; hướng dẫn thực hiện tiêu chí môi trường trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020.

- Quản lý, bảo tồn loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ (không bao gồm các loài động vật rừng, thực vật rừng và các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục CITES).

  Chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện giao đất, cho thuê đất gắn liền với giao rừng, cho thuê rừng và cấp giấy chứng nhận.

- Tham vấn ý kiến Bộ Nông nghiệp và PTNT trong thẩm định đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư có ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản, sản xuất nông nghiệp và PTNT.

- Giao, gia hạn, thu hồi, cho phép trả lại một phần hoặc toàn bộ khu vực biển; rà soát, trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh quy định chi tiết cấp độ rủi ro thiên tai cho phù hợp với diễn biến thiên tai và công tác chỉ đạo, ứng phó; xây dựng các quy định về cấp phép đối với hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản liên quan đến an toàn đê điều, thoát lũ, sạt lở bờ sông, bờ biển; Kiểm tra việc thực hiện công tác dự báo, cảnh báo khí tượng, thủy văn, quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông đã được ban hành.

- Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT trong xử lý các vi phạm về khai thác cát, sỏi và tài nguyên gây ảnh hưởng đến an toàn đê điều, công trình phòng chống thiên tai, dân sinh và công tác phòng, chống thiên tai.

b) Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ TN&MT:

- Quản lý, bảo vệ những loài động vật, thực vật nguy cấp, quý hiếm, hệ thống rừng đặc dụng, hệ sinh thái rừng; cung cấp thông tin, tài liệu về các vườn quốc gia, khu bảo tồn rừng đặc dụng, biển.

- Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 về hướng dẫn thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2020; xây dựng các công trình bảo vệ môi trường nông thôn trên địa bàn xã, thôn theo quy hoạch; thu gom và xử lý chất thải, nước thải nông thôn.

- Thẩm định và phê duyệt quy hoạch thủy lợi, cấp nước sạch nông thôn; cung cấp thông tin mùa vụ, thời kỳ sử dụng nước trong nông nghiệp phục vụ xây dựng quy trình vận hành liên hồ chứa; chia sẻ số liệu về tưới tiêu, lũ, hạn, các công trình thủy lợi… ở Đồng bằng sông Cửu Long để phục vụ hoạt động nghiên cứu và hợp tác trong khuôn khổ Ủy hội sông Mê Công quốc tế.

- Kiểm tra, giám sát việc trồng rừng thay thế trên phạm vi cả nước, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

- Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện các quy định về quản lý các khu bảo tồn biển, khu bảo tồn vùng nước nội địa có liên quan đến thủy sản; quản lý, bảo vệ, bảo tồn những loài động vật, thực vật nguy cấp, quý, hiếm trong các hệ sinh thái rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất, khu bảo tồn biển, khu bảo tồn vùng nước nội địa.

- Lập, thẩm định đánh giá môi trường chiến lược các dự án quy hoạch thủy lợi.

4. Thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện chính sách, pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo về các lĩnh vực có liên quan của hai Bộ:

a) Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp chặt chẽ với Bộ NN&PTNT trong việc lập và triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra hằng năm về tài nguyên và môi trường đối với các cơ sở sản xuất nông, lâm, diêm nghiệp, thủy sản, cơ sở chăn nuôi, nông, lâm trường, làng nghề, nghề muối; cấp và sử dụng đất trong phạm vi bảo vệ công trình đê điều, phòng chống thiên tai, đất lòng sông, bãi sông; mời đại diện Bộ Nông nghiệp và PTNT tham gia đoàn thanh tra, kiểm tra đối với các đối tượng này.

Bộ Nông nghiệp và PTNT có trách nhiệm cử đại diện phù hợp tham gia các Đoàn thanh tra, kiểm tra về tài nguyên và môi trường nêu tại điểm a, Khoản này.

b) Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ TN&MT trong việc lập, triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm về: lĩnh vực đất đai do Bộ Nông nghiệp và PTNT thực hiện; về vi phạm công trình thủy lợi, đê điều, phòng chống thiên tai có liên quan đến lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm cử đại diện tham gia các Đoàn thanh tra, kiểm tra nêu tại điểm b Khoản này..

5. Chia sẻ thông tin, cơ sở dữ liệu, nâng cao nhận thức về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường:

a) Bộ TN&MT có trách nhiệm chia sẻ, cung cấp thông tin, dữ liệu về:

- Kết quả thẩm định đánh giá tác động môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, quan trắc chất lượng môi trường, kết quả đánh giá ngưỡng chịu tải về môi trường của các vùng, địa phương, các khu vực biển để phục vụ công tác xây dựng và điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực sản xuất NN&PTNT.

- Kết luận thanh tra, kiểm tra, kết quả thực hiện các biện pháp khắc phục của các đối tượng thanh tra, kiểm tra để phối hợp theo dõi, giám sát thực hiện.

- Thông tin, số liệu khí tượng, thủy văn, tài nguyên nước và vận hành các hồ chứa để đảm bảo thông tin đầy đủ, kịp thời phục vụ việc điều tiết nước và công tác giám sát vận hành các hồ chứa trong quy trình vận hành liên hồ chứa.

- Đo đạc, quan trắc, dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn phục vụ nhiệm vụ phòng, chống thiên tai; các văn bản, quy định có liên quan phục vụ công tác quản lý nhà nước về phòng chống thiên tai; các bản đồ, tài liệu viễn thám.

- Kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng để hỗ trợ xây dựng quy hoạch, kế hoạch của Ngành NN&PTNT.

- Về số lượng, chất lượng đất nông nghiệp; kết quả chuyển mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với đất quy hoạch cho rừng đặc dụng, rừng phòng hộ và rừng sản xuất.

- Thông tin dự báo thời tiết hàng ngày để kịp ứng phó và chỉ đạo sản xuất nông nghiệp; thông tin khí tượng thủy văn, điều tiết nước trên các sông, suối xuyên biên giới, miền núi phía Bắc và lưu vực sông Mê Công.

- Thông tin, dữ liệu về tài nguyên nước, tình hình khai thác, sử dụng tài nguyên nước, tình trạng nguồn nước trên các lưu vực sông; tài liệu về cấp phép khai thác tài nguyên khoáng sản liên quan đến an toàn đê điều, sạt lở; các kết quả nghiên cứu có liên quan đến việc phục vụ cho công tác phòng, chống thiên tai.

- Thông tin dữ liệu về biến đổi khí hậu; kịch bản biến đổi khí hậu, báo cáo quốc gia về biến đổi khí hậu, kiểm kê nhà kính và cơ sở dữ liệu quốc gia về biến đổi khí hậu để Bộ TN&MT chủ trì xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về biến đổi khí hậu tại Việt Nam.

- Kết quả nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án, nhiệm vụ quản lý tổng hợp biển, vùng ven biển, hải đảo.

b) Bộ NN&PTNT có trách nhiệm chia sẻ thông tin, dữ liệu về:

- Việc lập, triển khai các quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp và PTNT.

- Thông tin, cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường ngành nông nghiệp và PTNT.

- Các vấn đề tài nguyên và môi trường phát sinh trong hoạt động của ngành nông nghiệp và PTNT.

- Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức trong việc thực thi pháp luật về tài nguyên và môi trường trong ngành nông nghiệp và PTNT.

6. Đào tạo, bồi dưỡng, khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế: Hai Bộ thường xuyên phối hợp tổ chức các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ đối với các lĩnh vực thuộc phạm vi phối hợp cho cán bộ, công chức, viên chức của hai Bộ. Phối hợp trong nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, hợp tác quốc tế.

Việt Hùng(ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chi tiết nội dung phối hợp giữa Bộ TN&MT và Bộ NN&PTNT giai đoạn 2017 - 2020
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO