Chỉ rõ những điểm nghẽn trong quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường

19/01/2018 23:49

(TN&MT) - Như tin đã đưa, tại Hội nghị đánh giá thực trạng công tác quản lý, sử dụng đất đai tại 5 tỉnh Tây Nguyên, đặc biệt là đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường do Bộ TN&MT và UBND tỉnh Đắk Nông tổ chức vào chiều 19/1, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà nhấn mạnh yêu cầu Hội nghị phải làm rõ được vấn đề thực tiễn hiện nay của công tác quản lý, sử dụng đất đai tại Tây Nguyên.

1901 Hội nghị đất đai
Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu tại Hội nghị

Theo Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà, Hội nghị đã nhận diện rõ những khó khăn, vướng mắc mang tính chất đặc thù trong công tác quản lý, sử dụng đất đai, đặc biệt là đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường của từng tỉnh trong khu vực Tây Nguyên; cụ thể phải làm rõ những vướng mắc, khó khăn ở khâu nào, ở khâu ban hành cơ chế, chính sách hay khâu tổ chức thực hiện?...

“Từ thực tiễn công tác tại địa phương mình quản lý, các đồng chí cần chỉ rõ những bất cập, điểm nghẽn trong chính sách pháp luật về đất đai; những mâu thuẫn, chồng chéo với các pháp luật chuyên ngành; đồng thời đề xuất nhưng cơ chế, chính sách, giải pháp để hoàn thiện chính sách pháp luật về đất đai đặc biệt là để sửa đổi Luật đất đai trong năm 2018” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Theo nhận định của Bộ trưởng Trần Hồng Hà, đối với Tây Nguyên, cần tập trung rà soát các dự án được nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng chậm đưa vào sử dụng, để hoang hóa, đặc biệt là giải quyết vấn đề đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường. Đây là vấn đề hết sức khó khăn mà Bộ Chính trị đã phải ban hành tới hai Nghị quyết là Nghị quyết số 28 vào năm 2003 và Nghị quyết số 30 vào năm 2014; Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành nhiều văn bản chỉ đạo để giải quyết nhưng hiện nay vẫn chưa hoàn thành. Hiện nay, các tổ chức nông, lâm trường hiện đang quản lý khoảng 50% diện tích đất của toàn vùng Tây Nguyên nếu chúng ta thực hiện tốt việc sắp xếp sẽ giải phóng nguồn lực lớn cho phát triển vùng.

1901 Hội nghị đất đai
Theo Bộ trưởng, Hội nghị đã chỉ rõ những điểm nghẽn trong quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường

Trao đổi thẳng thắn tại Hội nghị, trong suốt hơn 4 giờ đồng hồ, nhiều vị lãnh đạo của 5 tỉnh Tây Nguyên đã cơ bản khái quát được “bức tranh” tổng thể về thực trạng công tác quản lý, sử dụng đất đai tại địa phương mình quản lý, đặc biệt là đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông - ông Trương Thanh Tùng cho biết: Sau khi rà soát, sắp xếp lại các nông, lâm trường, mặc dù đã nắm hiện trạng để quản lý; tuy nhiên, diện tích đất quản lý, sử dụng của các tổ chức, hộ gia đình giữa thực tế và hồ sơ còn sai lệch lớn, nhiều diện tích chưa quản lý được. Một số tổ chức, cá nhân lợi dụng mối quan hệ với các công ty lâm nghiệp đã ký hợp đồng giao khoán đất lâm nghiệp để cùng thực hiện dự án. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp sau khi ký hợp đồng các đối tượng không chịu đầu tư mà chỉ chờ thời cơ để chuyển nhượng hợp đồng trái phép, thu lợi nhuận. Một số dự án, khi cho các đơn vị thuê đất, hiện trạng trên đất thuê đã có nhiều diện tích dân lấn chiếm đang sử dụng sản xuất đất nông nghiệp (nguồn gốc đất phá rừng, mua bán đất lâm nghiệp trái phép) nhưng chưa được xử lý dứt điểm dẫn đến tranh chấp gay gắt, hậu quả phức tạp, điển hình là vụ Công ty Long Sơn. Diện tích đất thu hồi từ các nông, lâm trường bàn giao về cho địa phương quản lý, bố trí sử dụng tương đối lớn (đất đã bị người dân lấn chiếm sử dụng ổn định vào mục đích sản xuất nông nghiệp), nhưng chủ yêu theo số liệu trên sổ sách chưa đo đạc, lập bản đồ địa chính nên quản lý rất khó khăn, đặc biệt là trong công tác giải quyết khiếu nại, tranh chấp đất đai. Đắk Nông hiện mới thực hiện dự án đo đạc, lập hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý đất đai tại 4 huyện, còn 3 huyện và thị xã chưa có kinh phí thực hiện…

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông Trương Thanh Tùng cho biết hiện nay các công ty lâm nghiệp đang rất khó khăn trong việc bố trí nguồn lực (nhân lực và tài chính)  để quản lý, bảo vệ rừng, đất rừng. Vì vậy, tỉnh Đắk Nông đề nghị nghiên cứu chuyển đổi mô hình từ công ty sang ban quản lý rừng hoặc khu bảo tồn…

Cũng tương tự Đắk Nông, tỉnh Kon Tum hiện mới chỉ có 2/10 huyện hoàn thành cơ sở dữ liệu đất đai; đo đạc tổng thể mới hoàn thành 6/10 huyện, còn 4 huyện chưa đo đạc, chưa lập cơ sở dữ liệu đất đai và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, trong đó có 3 huyện biên giới. Ông Lại Xuân Lâm, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết: Kon Tum là tỉnh xây dựng Đề án tăng cường quản lý đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh, nhưng cho đến nay đề án này vẫn chưa triển khai được do chưa có kinh phí thực hiện.
 

1910 GĐ So TN&MT Đăclăk
Ông Bùi Thanh Lam - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đắk Lắk phát biểu

Ông Bùi Thanh Lam, Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đắk Lắk cho biết đến nay tỉnh đã rà soát thu hồi hơn 100.000 ha đất của các công ty nông lâm nghiệp (gồm có nguồn gốc nông lâm trường và dự án khác). Tuy nhiên, việc quản lý quỹ đất này không chặt chẽ, phần lớn chưa có phương án sử dụng phù hợp về cả pháp luật và cơ sở khoa học, kinh tế - xã hội, phần lớn vẫn theo hiện trạng và các biến động không phù hợp với quy định của pháp luật. Đất còn lại của các công ty nông lâm nghiệp nhiều đơn vị vẫn tiếp tục không quản lý chặt chẽ đúng đúng quy định, do đó tiếp tục bị lấn chiếm, phá rừng nhất là các công ty lâm nghiệp, đến nay rà soát tiếp tục phải thu hồi khoảng 33.000 ha. Như vậy, hiệu quả sử dụng đất, rừng không tăng như mong muốn. Ông Bùi Thanh Lam cho rằng cần nghiên cứu mô hình các tổ chức sau chuyển đổi với yêu cầu phải nâng cao hiệu quả sử dụng đất với các mô hình sản xuất lớn, công nghệ cao. Bên cạnh đó, bộ máy tổ chức quản lý đất đai cần được tăng cường hơn nữa nhất là ở cấp xã, huyện…

Đối với tỉnh Lâm Đồng, ông Nguyễn Ngọc Phúc, Giám đốc Sở TN&MT cho biết công tác quản lý, sử dụng đất đai tại một số tổ chức không chặt chẽ, để xảy ra tình trạng lấm, chiếm, sử dụng đất không đúng mục đích, giao khoán đất trái pháp luật đối với đất có nguồn gốc nông, lâm trường quốc doanh nhưng chưa được xử lý dứt điểm. Nhiều diện tích đất nông nghiệp (khoảng 40.000 ha) dân đã sản xuất lâu năm, đất trống không có cây rừng được quy hoạch ra ngoài lâm nghiệp, theo quy định sẽ chuyển giao cho UBND cấp huyện quản lý, lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm và đo đạc để cấp giấy chứng nhận cho người dân, tuy nhiên hiện nay Lâm Đồng vẫn chưa có kinh phí thực hiện.

Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Ngọc Phúc cho biết thêm: Lâm Đồng sẽ hoàn thành trong quý I/2018 công tác rà soát, xác định ranh giới, cắm mốc giới, đo đạc, lập bản đồ địa chính và hồ sơ ranh giới sử dụng đất; thực hiện các thủ tục cho thuê đất, xác định giá đất, thu tiền thuê đất; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh.

1901 Hội nghị đất đai
Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý đất đai Lê Thanh Khuyến phát biểu tại Hội nghị 

Phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh Gia Lai Trần Xuân Hùng cho biết: Sau khi phương án sử dụng đất của các nông lâm trường được duyệt, diện tích trả về cho địa phương quản lý khoảng 130.000 ha. Nông lâm trường trên địa bàn tỉnh Gia Lai được hình thành sớm, quản lý đất chưa chặt chẽ, sử dụng đất chủ yêu trên bản đồ, không thực hiện đo đạc, cắm mốc xác định ranh giới cụ thể; căn cứ để quản lý, giao đất là các bản đồ có độ chính xác thấp, hồ sơ giấy tờ cũ, không được cập nhật thường xuyên dẫn đến người dân lấn chiếm đất để canh tác nông nghiệp. Một số nông lâm trường diện tích đất được giao chồng lấn với với đất của các hộ dân đang sử dụng trên địa bàn, có trường hợp khi quy hoạch thành lập nông lâm trường đã giao đất cho các nông lâm trường có cả diện tích đất của các hộ dân đang sử dụng. Qua rà soát có 14 ban quản lý rừng phòng hộ để người dân lấn chiếm, mua bán trái pháp luật diện tích hơn 17.450 ha đất rừng.

Cũng theo ông Trần Xuân Hùng, Phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh Đắk Nông, nguồn gốc sử dụng đất của một số công ty cà phê có yêu tố phức tạp, không rõ ràng như việc thuê đất của người dân địa phương để trồng cà phê, giao khoán vườn cà phê, giao khoán trắng…đã tạo hiệu ứng tâm lý người nhận khoán (kể cả công nhân của các công ty cà phê) đòi lại đất khi thực hiện cổ phần hoá như Công ty TNHH MTV Cà phê Gia Lai, Công ty TNHH MTV Cà phê Ia Grai tại huyện Chư Prông…

Ông Trần Xuân Hùng, Phó giám đốc Sở TN&MT tỉnh Gia Lai kiến nghị tiếp tục hoàn thiện pháp luật về đất đai như sửa đổi nghị định 102/2014/NĐ-CP, một số quy định của Luật đất đai 2013 như việc chuyển sang thuê đất đối với các trường hợp hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu tiếp tục sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức…nhằm bảo đảm quyền lợi và lợi ích lâu dài, bền vững của người sử dụng đất, lợi ích của Nhà nước, lợi ích của doanh nghiệp; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về pháp luật đất đai; kiến nghị các Bộ, ngành trình Chính phủ hỗ trợ kinh phí để triển khai xây dựng Đề án tăng cường quản lý đất có nguồn gốc nông, lâm trường theo Nghị quyết 112/2015/NQ-QH13 và Phương án sử dụng đất đối với phần diện tích trả về cho địa phương quản lý.  

1901 Hội nghị đất đai
Ông Nguyễn Ngọc Phúc, Giám đốc Sở TN&MT Lâm Đồng báo cáo tại Hội nghị

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà khẳng định công tác quản lý, sử dụng đất đai, đặc biệt là đất có nguồn gốc nông lâm trường trên địa bàn Tây Nguyên không chỉ đơn thuần là nhiệm vụ bảo vệ rừng, phát triển kinh tế bền vững mà còn là nhiệm vụ quan trọng góp phần bảo đảm an ninh – quốc phòng, ổn định chính trị - xã hội trên địa bàn trọng yếu của đất nước.

Thứ nhất, Tây Nguyên là địa bàn chiến lược, có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, cũng là nơi tập trung nhiều các nông, lâm trường với 201 tổ chức nông nghiệp, lâm nghiệp chiếm khoảng gần 1/3 trong tổng số 745 tổ chức nông, lâm nghiệp của cả nước và đang quản lý khoảng 50,8 % so với diện tích tự nhiên của toàn vùng. Mô hình nông, lâm trường có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung hơn 30 năm qua.

Tuy nhiên hiện nay theo hướng đi kinh tế thị trường, cần chuyển đổi mô hình các nông, lâm trường thì các cơ chế, chính sách chưa đồng bộ, không bắt kịp… công tác quản lý đất đai nói chung và quản lý đất đai có nguồn gốc từ các nông, lâm trường nói riêng tại các tỉnh Tây Nguyên cũng còn nhiều tồn tại, hạn chế trong đó nổi lên một số vấn đề lớn như: Việc quản lý, sử dụng đất đai trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên có quá trình phức tạp, thay đổi qua từng giai đoạn nhưng chưa có biện pháp giải quyết một cách căn cơ, thấu đáo. Tiến độ đăng ký, cấp Giấy chứng nhận, lập hồ sơ địa chính ở các địa phương còn chậm so với tiến độ đo vẽ bản đồ địa chính. Tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai vẫn còn xảy ra, nhiều vụ việc phức tạp còn xảy ra trên địa mà chưa được giải quyết dứt điểm làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự xã hội.   

 Qua Hội nghị này chúng ta cần chỉ ra một cách cụ thể những tồn tại, bất cập, những điểm nghẽn trong việc tổ chức triển khai pháp luật về đất đai, nhất là đất có nguồn gốc nông lâm trường, để tạo ra những đột phá về thể chế thúc đẩy giải phóng sức sản xuất, huy động các nguồn lực khác cho phát triển – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.
 

1901 quang canh hn
Quang cảnh Hội nghị chiều 19/1

Thứ hai, trong công tác quản lý, sử dụng đất có nguồn gốc nông lâm trường trên địa bàn Tây Nguyên, chúng ta chưa tính đến các yếu tố đặc thù của khu vực. Tây Nguyên là địa bàn chiến lược, đất đai rộng lớn, phì nhiêu; nhưng bên cạnh hiệu quả kinh tế, chúng ta cũng phải hết sức chú trọng những giải pháp phát triển mang tính bền vững; bảo đảm tiết kiệm được nguồn tài nguyên, đặt biệt là tài nguyên nước, khoáng sản, đất –rừng, bảo vệ tốt môi trường sinh thái; đồng thời phải bảo tồn, gìn giữ bản sắc văn hoá đậm nét truyền thống lâu đời của vùng đất Tây Nguyên.

Thứ ba, Tây Nguyên rất cần có những cơ chế, chính sách đầu tư đồng bộ, sự triển khai phải đồng bộ  từ việc bố trí nguồn lực đầu tư phát triển cho đến việc tổ chức triển khai thực hiện; sao cho bảo đảm sự hài hoà lợi ích, hiệu quả kinh tế giữa Nhà nước – Người dân và Doanh nghiệp, đặc biệt là đầu tư phát  triển có sử dụng nguồn lực đất đai có nguồn gốc nông lâm trường

Thứ tư, trong công tác lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và việc tổ chức triển khai thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của vùng Tây Nguyên phải có sự kết hợp, phối hợp đồng bộ giữa các Bộ, ngành ở Trung ương; giữa Trung ương với địa phương và giữa địa phương này với địa phương khác trong toàn vùng Tây Nguyên; bảo đảm sự liên thông, liên kết mang tính toàn vùng để công tác quản lý, sử dụng đất đai, nhất là đất có nguồn gốc nông lâm trường đạt hiệu quả cao nhất.

Thứ năm, trong năm 2018 này, Bộ TN&MT sẽ thanh tra toàn diện việc sử dụng, quản lý đất đai tại các công ty lâm nghiệp. Bên cạnh việc kiến nghị xử lý trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức sai phạm, thanh tra cũng cần phải tìm ra những vấn đề còn tồn tại, bất cập trong công tác quản lý, sử dụng đất rừng để tiến tới hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật về đất đai,

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chỉ rõ những điểm nghẽn trong quản lý, sử dụng đất đai có nguồn gốc nông, lâm trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO