Tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào, đoàn công tác Báo TN&MT và hội viên Chi hội nhà báo Báo TN&MT đã tổ chức dâng hoa, dâng hương tại Lán Nà Nưa nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc từ tháng 6/1945 đến cuối tháng 8/1945.
Sau lễ dâng hương, tập thể cán bộ, phóng viên, người lao động Báo TN&MT đã được tìm hiểu về những năm tháng lịch sử của Lán Nà Nưa, một địa chỉ đỏ Cách mạng nơi đây đã ra đời những quyết định đúng đắn, những quyết sách kịp thời, về thời cơ Cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đường cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tạo bước ngoặt có ý nghĩa lịch sử vĩ đại cho dân tộc Việt Nam chấm dứt hoàn toàn thời kỳ nô lệ và bước vào kỷ nguyên mới, độc lập, tự do.
Lán Nà Nưa, thôn Tân Lập, xã Tân Trào (Sơn Dương) là nơi Bác Hồ đã ở, làm việc từ cuối tháng 5 đến ngày 22-8-1945 để lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng 8 giành chính quyền trong cả nước. Đây là nơi Bác Hồ đã nói câu bất hủ: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập”.
Lán Nà Nưa nằm trong khu rừng Nà Nưa, thuộc dãy núi Hồng (lán do Bác trực tiếp đi chọn địa điểm). Lán Nà Nưa nằm kín đáo dưới các tán cây rậm rạp, bảo đảm bí mật và đáp ứng được yêu cầu của Bác đề ra: Gần nước, gần dân, xa quốc lộ, thuận đường tiến, tiện đường thoái. Lán được dựng theo kiểu nhà sàn của người miền núi. Xung quanh lán được thưng bằng vách nứa đan nong mốt, nửa phía trên vách đan để chừa những ô thoáng nhỏ để lấy ánh sáng. Ở chái phía Tây có sàn (người Tày gọi là thích) để hai ống bương (bắng) nước. Mặt sàn bằng phên nứa đan nong mốt. Phía dưới, đầu sàn của lán là phiến đá rộng và phẳng, nơi Bác thường ngồi làm việc, đánh máy chữ mỗi khi trời tối.
Tại lán Nà Nưa, Bác Hồ đã chỉ thị thành lập Khu giải phóng gồm 6 tỉnh Cao Bằng - Bắc Kạn - Lạng Sơn - Hà Giang - Tuyên Quang- Thái Nguyên; thống nhất các lực lượng vũ trang lại là Quân giải phóng.
Từ căn lán nhỏ đơn sơ - lán Nà Nưa, Bác Hồ đã vạch đường chỉ lối cho toàn dân tộc, tạo ra bước ngoặt có ý nghĩa lịch sử vĩ đại: Dân tộc Việt Nam chấm dứt những ngày tháng nô lệ lầm than, bước sang kỷ nguyên độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội.
Gần 80 năm trôi qua, song hình ảnh về tấm gương sáng ngời, đức hy sinh cao cả của Bác Hồ luôn sáng mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam. Trong giờ phút thiêng liêng tại địa điểm ghi dấu ấn của Cách mạng đất nước, toàn bộ Hội viên Chi hội Nhà báo Báo TN&MT đã bày tỏ tấm lòng thành kính và biết ơn vô hạn công lao của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ thiên tài, nhà hoạt động lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế. Người đã cống hiến, hy sinh trọn đời cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, đấu tranh cho sự nghiệp hòa bình - hạnh phúc của dân tộc Việt Nam và nhân loại, được thế giới tôn vinh là Anh hùng dân tộc, Danh nhân văn hóa kiệt xuất.
Trước anh linh Người, tập thể cán bộ, phóng viên Báo TN&MT luôn giữ vững niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, nguyện đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn, tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người; nêu cao quyết tâm, vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Tiếp đó, dưới gốc đa lịch sử Tân Trào, cán bộ, phóng viên Báo TN&MT đã rất xúc động và tự hào khi được nghe đại diện Khu Di tích giới thiệu về những năm tháng hào hùng của Cách mạng Việt Nam. Cụ thể, tại nơi đây vào chiều 16/8/1945, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đọc bản Quân lệnh số 1, ngay sau đó, quân Việt Nam giải phóng đã làm lễ xuất quân tiến về giải phóng Thủ đô Hà Nội trước sự chứng kiến của toàn thể đồng bào các dân tộc Việt Bắc. Từ đó, đến nay, cây đa Tân Trào đã trở thành một biểu tượng Cách mạng của Thủ đô Khu giải phóng Tuyên Quang.
Sau đó, Đoàn đã tổ chức dâng hương tại Đình Tân Trào, thôn Tân Lập, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang (Đình Tân Trào trước đây có tên là Kim Long), nơi đây vào ngày 16/8/1945, Đại hội Đại biểu Quốc dân (tức Quốc dân Đại hội Tân Trào) đã được khai mạc, về dự Quốc dân Đại hội có hơn 60 vị đại biểu ở khắp nơi đại diện cho ba miền Bắc-Trung-Nam, các ngành, các giới, các đảng phái chính trị, một số kiều bào về dự và nhận lệnh tổng khởi nghĩa.
Đại hội đã quyết định thành lập Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam (tức Chính phủ lâm thời) do đồng chí Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Đồng thời, Đại hội cũng quy định Quốc kỳ là cờ đỏ, sao vàng 5 cánh, Quốc ca là bài “Tiến quân ca”. Sáng ngày 17/8/1945, Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam ra mắt Quốc dân Đại hội và làm lễ tuyên thệ. Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Ủy ban Dân tộc giải phóng đọc lời tuyên thệ ngay tại ví trí trước cửa đình.
Quốc dân Đại hội Tân Trào là một tiến bộ lớn trong lịch sử đấu tranh giải phóng của dân tộc ta, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng đánh giá. Đây là một Đại hội mang tầm vóc lịch sử của một Quốc hội, một cơ quan quyền lực nhà nước lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Uỷ ban dân tộc giải phóng (tức Chính phủ cách mạng lâm thời) của nước Việt Nam được Quốc dân Đại hội bầu ra ngày 16 tháng 8 năm 1945 là người đại diện chân chính, hợp pháp duy nhất của nhân dân Việt Nam để thực hiện những quyết sách lớn của công cuộc cứu nước và kiến quốc. Đây là thắng lợi lớn của nghệ thuật chớp đúng thời cơ của Tổng bộ Việt Minh, của Chủ tịch Hồ Chí Minh; là sự sáng tạo độc đáo của Người trong việc vận dụng và thực thi từng bước tư tưởng dân quyền ngay trong tiến trình đấu tranh giành quyền độc lập...
Nhân dịp này, đoàn công tác Báo TN&MT và các hội viên Chi hội nhà báo Báo TN&MT đã tổ chức dâng hương lên anh linh các vị tiền bối cách mạng tại khu di tích. Tại đây, tập thể Chi hội đã thể hiện tấm lòng thành kính, biết ơn công lao của các vị tiền bối cách mạng Việt Nam, những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, những người chiến sỹ cộng sản kiên trung, bất khuất, suốt đời hy sinh, đấu tranh cho độc lập dân tộc, thống nhất Tổ quốc, cho tự do, hạnh phúc của Nhân dân.
Một số hình ảnh Chi hội Nhà báo Báo TN&MT tại Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang: