Đến xã Sín Chải (huyện Tủa Chùa), chúng tôi được các cụ già kể lại, từ khi họ sinh ra đã có những cây chè cổ thụ trước nhà. Từ lâu, cây chè đã đi vào tiềm thức của người dân vùng cao nguyên đá này. Đã có nhiều câu chuyện kể về sức sống mãnh liệt của chè Tuyết Shan cổ thụ, dù ở quanh vườn hay trên núi đá, chè vẫn sống hiên ngang. Rễ cây bám sâu vào lòng đất, hút dinh dưỡng, tiếp sức cho cây vươn cao; những búp chè non vươn giữa trời đông hút những tinh hoa của đất trời để làm nên thương hiệu chè cổ thụ nổi tiếng của Tủa Chùa. Cây chè như hiện thân cho sự cần cù lao động, vượt lên khó khăn của bà con người Mông trên mảnh đất cao nguyên cằn cỗi này.
Mùa đông đến, những thân cây chè khẳng khiu, chống chọi lại cái lạnh, sương muối và băng giá. Nhưng khi bước sang mùa xuân, những cơn mưa phùn đã tiếp thêm sức sống mãnh liệt, chè lại nảy mầm, đâm chồi mang đến cuộc sống ấm no cho bà con. Trước đây, chè Tuyết Shan cổ thụ của Tủa Chùa chưa được mọi người biết đến thì bà con chỉ để dùng trong gia đình. Còn khi có được sự nổi tiếng của mình thì cây chè đã trở thành cây cứu cánh cho những nông dân nghèo.
Người dân hái chè trên cây cao |
Để minh chứng về cây xóa đói giảm nghèo này, ông Hạng A Chư, bản Hấu Chua, xã Sín Chải kể: “Từ khi sinh ra tôi đã thấy cây chè to như thế. Giống chè cổ thụ rất chậm lớn, bà con cũng chẳng chăm sóc, nhưng hàng năm mỗi cây chè cũng cho thu nhập tiền triệu. Ở bản, nhà nào nhiều có hàng trăm cây, nhà ít cũng có vài cây. Vài năm gần đây, giá chè tăng cao, bà con được huyện hỗ trợ thêm 3.000 đồng/kg chè tươi, khiến đời sống bà con đã tốt hơn”
Hiện tại, xã Sín Chải có hơn 2.000 cây chè Shan tuyết cổ thụ được bà con trồng quanh nhà. Có những cây chè vài trăm tuổi, người dân phải bắc thang, leo dây để thu hoạch. Từ chỗ không chăm sóc, bón phân nhưng được hướng dẫn, các gia đình có chè đã đầu tư phân bón cho chè theo đúng quy trình kỹ thuật. Điều đặc biệt tạo cho thương hiệu chè Tuyết Shan cổ thụ Tủa Chùa khác biệt với các loại chè cổ thụ nổi tiếng khác, chính là việc người dân không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu, kích thích chồi non phát triển.
Đối với người dân vùng cao nguyên đá Tủa Chùa, trong tiềm thức của họ những cây chè cổ thụ là biểu tượng về sức sống mãnh liệt; đồng thời cũng là cây xóa đói giảm nghèo. Chè sau khi thu hái, sao chế biến, khi pha vẫn giữ được màu xanh tự nhiên, hương vị chè đậm đặc, càng uống càng có vị ngọt. Những người sành thưởng thức chè vẫn nói đùa đây là loại chè “đế vương” mà ngày xưa vẫn dùng để cung tiến vua chúa.
Hiện tại đã có 4 nhà máy thu mua, chế biến chè trên địa bàn 4 xã quy hoạch vùng chè ở huyện Tủa Chùa. |
Theo các chuyên gia trong ngành chè đánh giá thì chè Tuyết Shan cổ thụ của Tủa Chùa có chất lượng tốt hơn so với cùng loại chè cổ thụ của các vùng khác. Nhưng do cách chế biến, quảng bá chưa tốt nên chè Tủa Chùa chưa được nhiều người biết đến. Việc chăm sóc chè cũng mới chỉ được bà con chú trọng chăm sóc những năm gần đây, vì thế ít nhiều đã ảnh hưởng đến sự phát triển cũng như chất lượng chè.
Xác định chè là cây xóa đói giảm nghèo cho đồng bào vùng cao 4 xã phía bắc của huyện, Đảng bộ huyện Tủa Chùa đã có nghị quyết về bảo tồn và phát triển chè Shan tuyết cổ thụ; đồng thời trồng mới mở rộng diện tích chè trên địa bàn huyện. Theo thống kê, toàn huyện Tủa Chùa hiện còn khoảng gần 10.000 cây chè cổ thụ được bà con chăm sóc tốt. Ngoài diện tích chè Tuyết Shan cổ thụ thì từ năm 2009 đến nay toàn huyện đã trồng mới được hơn 500ha chè tại 4 xã: Sín Chải, Tả Sìn Thàng, Tả Phìn và Sính Phình. Giá bán hiện nay khoảng 13.000 đồng/kg, đã giúp tăng thu nhập cho bà con.
Chè Tuyết San cổ thụ đã được bảo tồn và phát triển mạnh mẽ trên vùng đất cao nguyên Tủa Chùa khô cằn, sỏi đá. Những cây chè hay những diện tích chè mới trồng đang vươn mình, khẳng định vị thế trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo của đồng bào các dân tộc. Người trồng chè đã thực sự tâm huyết trước sự ấm no cây chè đem lại.
Bài & ảnh: Khánh Chi– Nam Hương