Ít nhất 11 vụ cháy rừng đang hoành hành bên trong Vòng Bắc Cực vì mùa hè nóng và khô biến một khu vực rộng lớn bất thường của châu Âu thành một “mồi lửa”.
Là nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất, Thụy Điển đã kêu gọi sự hỗ trợ khẩn cấp từ các đối tác của mình tại Liên minh châu Âu nhằm nỗ lực dập tắt các đám cháy xảy ra trên diện rộng và khiến bốn khu vực dân cư phải sơ tán.
Hàng chục nghìn người được cảnh báo ở trong nhà và đóng cửa sổ và lỗ thông hơi để tránh hít phải khói. Dịch vụ đường sắt đã bị gián đoạn.
Chương trình Copernicus – chương trình quan sát Trái Đất của châu Âu cung cấp các bản cập nhật hàng ngày về các vụ cháy rừng ở châu Âu, qua đó, cho thấy hơn 60 vụ hỏa hoạn trên khắp Thụy Điển, với các địa điểm khác như ở Na Uy, Phần Lan và Nga, kể cả ở Bắc Cực.
Na Uy đã huy động 6 máy bay trực thăng chữa cháy để hỗ trợ Thụy Điển. Italy cũng huy động 2 máy bay Canadair CL-415 - có thể xả 6.000 lít nước mỗi lần bay - tới Örebro, miền Trung Thụy Điển.
Ở phía Tây Thụy Điển, các hoạt động chữa cháy tạm thời tạm dừng gần một khu vực đào tạo pháo binh gần rừng Älvdalen do lo ngại rằng vật nổ chưa nổ có thể bị kích nổ bởi nhiệt độ rất cao.
Cư dân ở Uppsala cho biết họ có thể nhìn thấy đám khói do cháy rừng và bị cấm nướng thịt trong các vườn quốc gia, sau 18 ngày liên tiếp không có mưa.
“Đây chắc chắn là năm tồi tệ nhất trong thời gian gần đây vì cháy rừng. Mặc dù cháy rừng vẫn xảy ra hằng năm nhưng năm 2018, cháy rừng đang xảy ra liên tục với số lượng lớn” - Mike Peacock, một nhà nghiên cứu trường đại học và là người dân địa phương cho biết.
Trước đây, đã có nhiều vụ cháy rừng lớn xảy ra ở Thụy Điển, nhưng không phải trên một diện tích rộng như vậy. Đây là một xu hướng cháy rừng nhiều hơn và lớn hơn ở các vùng phía Bắc khác như Greenland, Alaska, Siberia và Canada.
Chính quyền Thụy Điển cho biết nguy cơ cháy rừng nhiều hơn trong những ngày tới là “cực kỳ cao” do dự báo nhiệt độ vượt quá 30 độ C. Phần lớn bán cầu Bắc đã bị thay đổi trong thời tiết nóng bất thường trong những tuần gần đây, phá vỡ kỷ lục từ Algeria đến California và gây cháy rừng từ Siberia đến Yorkshire. Ukraine cũng bị ảnh hưởng nặng nề do cháy rừng.
Hệ thống thông tin cháy rừng của châu Âu cảnh báo các tình trạng nguy hiểm do cháy rừng có thể xảy ra đối với nhiều khu vực trung tâm và Bắc Âu trong những tuần tới.
Các nhà khoa học về khí tượng học cho biết Bắc cực và các khu vực khác đang là những khu vực dễ bị tổn thương hơn.
Vincent Gauci, giáo sư về sinh thái thay đổi toàn cầu của Đại học Mở (Anh) cho biết: “Những gì chúng ta đang thấy với sóng nhiệt (nắng nóng) trên toàn cầu là các khu vực nhạy cảm về cháy rừng hiện đang mở rộng, với các vùng đồng bằng ở phía Tây Bắc nước Anh và hiện nay những vụ cháy rừng ở Thụy Điển chính là hậu quả của nắng nóng”.