Giá đất nóng theo… phương án mở cổng sân bay
Để giải quyết vấn đề ách tắc của sân bay Tân Sơn Nhất, mới đây UBND TPHCM đã có kiến nghị gửi Bộ GTVT đề xuất việc mở thêm cổng vào sân bay để giảm tải cho cổng chính như hiện nay. Và dù chỉ mới là ý tưởng và đề xuất nhưng giá nhà phố hay giá đất ở các dự án nằm gần các tuyến đường xung quanh các khu vực được đề xuất mở thêm cổng cho sân bay đều tăng chóng mặt.
Theo khảo sát giá đất nền tại một số khu vực lân cận “cổng Trường Chinh”, những tháng gần đây tăng khá mạnh. Tại dự án 38ha (Trường Chinh) giá đất tăng từ 35 triệu đồng/m2 lên 40 triệu đồng/m2; nhà đất riêng lẻ khu vực này cũng tăng 10-20% chỉ trong vòng 2 tháng.
Từ sau khi có thông tin TP đề xuất mở thêm cổng ra vào sân bay, dự án, nhà đất riêng lẻ tại các khu vực lân cận dự kiến mở cổng sân bay càng thêm nóng. Các dự án chung cư đang triển khai khu vực này như Tham Lương Depot, Topaz Home… tính thanh khoản rất cao. Khu vực đường Quang Trung, Thống Nhất giá nhà đất cũng gia tăng khá nhiều. Một căn nhà phố trên đường Phạm Văn Chiêu (Gò Vấp) cách đây 1 năm được giao dịch 3,2 tỷ đồng nay đã lên 5 tỷ đồng; hàng loạt dự án thuộc Tập đoàn Cityland trên đường Phan Văn Trị (Gò Vấp) cũng tăng từ gần 1 tỷ đồng trong một thời gian ngắn…Hàng loạt dự án cận kề sân bay Tân Sơn Nhất cũng đang ăn theo thông tin này.
Giá đất ở các tuyến đường gần khu vực nghĩa trang Bình Hưng Hòa trở nên "sốt" khi thông tin giải tỏa nghĩa trang vừa được công bố. Ảnh: Đăng Khải |
Gần 100 triệu đồng mỗi m2 đất gần... nghĩa trang
Ngay sau khi TP.HCM công bố thông tin sẽ bán đấu giá một phần nghĩa trang Bình Hưng Hòa sau khi đã di dời các ngôi mộ để xây khu phức hợp và trung tâm thương mại, giá đất tại các tuyến đường quanh Bình Hưng Hòa được đẩy lên vùn vụt và trở thành "điểm nóng" của giới cò đất. Qua khảo sát một số tuyền đường gần với nghĩa trang Bình Hưng Hòa như Bình Long, Tân Kỳ Tân Qúy, Gò Dầu, Kênh Nước Đen… thì chuyện mua bán nhà, đất bắt đầu có sự sôi động. Nhiều cò đất đã "lập chốt" bằng một cái bàn và vài ba cái ghế nhựa đặt ven đường để chào đón khách hàng. Trong đó, có từng nhóm môi giới đang giới thiệu những căn hộ thuộc một số dự án chung cư cao tầng xung quanh, số khác thì chào mời khách mua nền đất và nhà phố. Các cò nhà đất cho biết so với giai đoạn cao trào cách đây vài tháng, hiện nay số lượng giao dịch nhà đất ở khu vực quanh nghĩa trang Bình Hưng Hòa đã giảm khoảng 30% là do dân đầu nậu găm hàng chờ đợi. Về nhu cầu của khách hàng thì có xu hướng chọn những căn có diện tích 40-50 m2. Một số căn nhà nát diện tích 4 x 10 m được giao dịch với giá 2 tỉ đồng, tức 50 triệu đồng/m2. Cũng theo các cò đất, giá đất ở đây hiện nay không có giá dưới hai tỷ đồng. Chẳng hạn, một lô đất có diện tích 5x25m2 nằm ngay cổng vào khu nghĩa trang đang được chào giá 3,7 tỷ đồng, nhưng dự báo đến cuối năm có khả năng lên thành 4-5 tỷ đồng hoặc hơn một khi toàn bộ mộ phần được di dời hết.
Còn theo số liệu nghiên cứu thị trường do một số công ty bất động sản vừa công bố giá đất tại các trục đường gần nghĩa trang Bình Hưng Hòa như Kênh Nước Đen, Bình Long, Tân Kỳ Tân Quý hiện dao động 30-100 triệu đồng/m2 tùy vị trí và diện tích. Cao nhất là đất mặt tiền đường Kênh Nước Đen, phường Bình Hưng Hòa A, quận Bình Tân có giá gần 100 triệu đồng/m2, tăng gấp 2,5 lần so với thời điểm đầu năm 2017.
Bình tĩnh trước cơn "sốt"
Theo đánh giá của các chuyên gia bất động sản hiện tượng giá nhà đất quanh Bình Hưng Hòa hay khu vực sân bay Tân Sơn Nhất tăng theo các thông tin quy hoạch là điều dễ hiểu. Hiện tượng này không phải ăn theo cơn sốt giá đất trong thời gian vừa qua mà phản ánh sự kỳ vọng của những chủ đất tại khu vực này đối với những thông tin tích cực vừa được công bố. Tuy nhiên, để biết giá nhà đất có phù hợp hay không, nhà đầu tư bất động sản cá nhân cần phân biệt giữa “giá rao” và “giá giao dịch”. Giữa hai giá này luôn có một khoảng chênh nhất định. Giá rao thường phản ánh kỳ vọng của bên bán khi có những thông tin có lợi, trong trường hợp này là thay đổi quy hoạch từ nghĩa trang thành đất đô thị. Nhưng giá giao dịch mới chính là mức giá thị trường chấp nhận. Hiện tượng tăng giá đột biến thường chỉ ghi nhận ở giá rao, do đó mọi người nên bình tĩnh chờ có giao dịch thực để xác định đúng mức giá thị trường tại khu vực này. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng đưa ra lời cảnh báo đây là thời điểm nhạy cảm của thị trường bất động sản TP.HCM sau cơn sốt đất vừa rồi. Các thông tin được công bố cho dù có chủ đích hay không cũng sẽ được thị trường phản ứng rất nhanh và rất nhạy. Cần thời gian để thị trường hấp thụ thông tin và như đã nói, phải nhìn vào các giao dịch có thật mới biết đâu là sốt thật, đâu là sốt ảo.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, cũng đưa ra cảnh báo sẽ xuất hiện tình trạng gom đất khá lớn ở đây, không khác gì tình trạng đang diễn ra khá sôi động tại Cần Giờ thời gian vừa qua. Do đó, trong ít nhất 1 năm tới khu vực này sẽ diễn ra hoạt động mua bán khá sôi nổi, trong đó việc giới cò đất làm giá cũng là điều khó tránh khỏi.
Theo LĐO