Chất lượng môi trường tỉnh Sơn La năm 2018 diễn biến ổn định

18/02/2019 18:57

(TN&MT) - Năm 2018, UBND tỉnh Sơn La đã giao Trung tâm Quan trắc TN&MT, Sở TN&MT Sơn La triển khai quan trắc tại 109 điểm gồm môi trường nước mặt, môi trường không khí, môi trường nước đất và môi trường đất, trên địa bàn 12 huyện, thành phố.

Năm 2018, tỉnh Sơn La đã triển khai quan trắc chất lượng môi trường tại 109 điểm
Năm 2018, tỉnh Sơn La đã triển khai quan trắc chất lượng môi trường tại 109 điểm

Kết quả, Trung tâm đã tiến hành 3 đợt quan trắc môi trường không khí với 38 điểm, 8 thông số quan trắc. Qua đó cho thấy: Chất lượng môi trường không khí tỉnh Sơn La năm 2018 có biến động không lớn so với năm 2016, 2017. Các thông số cơ bản trong môi trường không khí như CO, NO2, SO2 đều nằm trong giới hạn cho phép của QCVN 05:2013/BTNMT. Một số chất khí độc hại trong môi trường không khí xung quanh như H2S, Cl2 đều có giá trị nằm trong giới hạn cho phép.

Riêng thông số tiếng ồn tại hầu hết các điểm quan trắc đều ở mức cao và vượt giới hạn cho phép, chủ yếu tập trung tại các khu vực ngã ba, ngã tư nơi giao nhau của các trục đường chính, bến xe, cổng chợ, cổng bệnh viện, nơi diễn ra các hoạt động thi công xây dựng lớn. Mức độ ô nhiễm do bụi năm 2018 cao hơn năm 2016, 2017.

Về môi trường nước mặt, đã triển khai 3 đợt quan trắc với 39 điểm, 25 thông số quan trắc. Nhìn chung, chất lượng môi trường nước mặt có chất lượng khá tốt với nhiều sông, suối, hồ nước có thể sử dụng cho mục đích cấp nước sinh hoạt, nhưng cần áp dụng công nghệ xử lý phù hợp. Nước mặt chưa có dấu hiệu bị ô nhiễm bởi hóa chất bảo vệ thực vật. So với năm 2016-2017, chất lượng nước mặt có diễn biến tốt hơn ở một vài chỉ tiêu nhất định.

Tuy nhiên, tại một số vị trí, nước mặt bị ô nhiễm khuẩn E.Coli. Nguyên nhân chủ yếu là do sự tiếp nhận nước thải sinh hoạt của khu dân cư và nước thải của các hộ chăn nuôi chảy ra suối. Các vị trí quan trắc tại xã Thôn Mòn, chân cầu Suối Muội huyện Thuận Châu, chân cầu Bản Tông, chân Cầu Trắng, xã Hua La, thành phố Sơn La, chân cầu Vĩnh Cửu huyện Mường La, chân cầu Sắt Nậm Lạnh huyện Sốp Cộp, Suối Lìn huyện Vân hồ… vượt giới hạn cho phép trong 03 đợt quan trắc. Tại các vị trí này phải thường xuyên quan trắc để có thể đánh giá chính xác chất lượng nước mặt.

Bên cạnh đó, một số vị trí quan trắc đã xuất hiện dấu hiệu bị ô nhiễm bởi chất dinh dưỡng (Nitrit, BOD5, Tổng dầu mỡ). Các vị trí vượt giới hạn cho phép đều là các vị trí có suối chảy qua các khu dân cư như: Vị trí suối Sập và chân cầu sắt thuộc huyện Yên Châu; chân cầu sắt huyện Mai Sơn; chân cầu bản Tông thành phố Sơn La… Nguyên nhân là do nước thải sinh hoạt của thành phố và hoạt động thi công khu vực trung tâm thị trấn làm ảnh hưởng tới chất lượng nước.

Kết quả cho thấy, chất lượng môi trường tỉnh Sơn La năm 2018 có diễn biến ổn định so với năm 2017.
Kết quả cho thấy, chất lượng môi trường tỉnh Sơn La năm 2018 có diễn biến ổn định so với năm 2017.

Về môi trường nước dưới đất, qua 2 đợt quan trắc tại 13 điểm, 21 thông số quan trắc cho thấy: Chất lượng môi trường nước dưới đất khá tốt với hầu hết các thông số nhóm vật lý, hóa học và nhóm kim loại nặng, hóa chất bảo vệ thực vật có giá trị nằm trong QCVN 09-MT:2015/BTNMT.

Chất lượng môi trường đất, qua 1 đợt quan trắc tại 19 điểm, 9 thông số quan trắc, cho thấy: Chưa có dấu hiệu bị ô nhiễm bởi dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật, hàm lượng các kim loại nặng trong đất nằm trong giới hạn cho phép. So với năm 2016-2017, các thông số dinh dưỡng trong đất diễn biến ổn định qua các năm.

Trong thời gian tới, để tiếp tục đánh giá hiện trạng và theo dõi diễn biến chất lượng môi trường tỉnh Sơn La, Trung tâm Quan trắc TN&MT kiến nghị UBND tỉnh, Sở TN&MT tăng cường đầu tư phương tiện, trang thiết bị, đào tạo cán bộ để thực hiện nhiệm vụ quan trắc hàng năm. Xây dựng các hệ thống quan trắc môi trường tự động để sớm phát hiện được các dấu hiệu ô nhiễm môi trường.

UBND tỉnh Sơn La chỉ đạo các cấp, các ngành, UBND huyện, thành phố cùng với người dân tích cực bảo vệ rừng, trồng rừng chống xói mòn rửa trôi đất đá. Xây dựng hệ thống thu gom và xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt tập trung trên địa bàn toàn tỉnh nhằm đảm bảo chất lượng môi trường.

Tăng cường tuyên truyền phổ biến pháp luật đến với người dân về việc bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn nước sạch, không chặt phá rừng làm nương rẫy, bảo vệ các loài thú quý hiếm, không sử dụng các loại hóa chất bảo vệ thực vật đã bị nhà nước cấm sử dụng. Khuyến khích các hộ gia đình xây dựng nhà vệ sinh đúng tiêu chuẩn, các hộ dân chăn nuôi áp dụng hệ thống biogas xử lý phân và chất thải trước khi xả thải vào môi trường, nhằm giảm hàm lượng chất hữu cơ, vi sinh trong nước mặt cũng như nước dưới đất.

Tăng cường thanh, kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường tại các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ. Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về xả thải.

Tăng cường đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch xử lý triệt để ô nhiễm môi trường của các cơ sở nằm trong Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Quyết định số 3276/QĐ-UBND ngày 23/12/2015 của UBND tỉnh Sơn La về việc phê duyệt danh mục và biện pháp xử lý cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn tỉnh Sơn La, để đảm bảo các cơ sở này thực hiện giảm thiểu ô nhiễm môi trường theo đúng lộ trình đã được phê duyệt, giảm tải áp lực đối với môi trường nước mặt và môi trường nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Sơn La.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chất lượng môi trường tỉnh Sơn La năm 2018 diễn biến ổn định
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO