Chào mừng Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6: Những mầm xanh trên đảo Trường Sa

Lê Khanh| 31/05/2020 12:39

(TN&MT) - Sự có mặt của các em thiếu nhi ở quần đảo Trường sa không chỉ khẳng định sự “quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ về  “ươm mầm lính biển” cho Hải quân Nhân dân Việt Nam ngay mảnh đất xa nhất của Tổ quốc, mà khẳng định với thế giới rằng, quân dân Trường Sa chung sức bảo vệ chủ quyền, ở đâu có bộ đội Hải quân, ở đó thiếu nhi- những thế hệ bảo vệ Trường Sa tương lai.

Nối tiếp thế hệ chiến sĩ Trường Sa

Năm 2008, thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước xây dựng Trường Sa mạnh về phòng thủ, đẹp về cảnh quan môi trường, thắm tình quân dân. Bộ quốc phòng giao cho Quân chủng Hải quân thực hiện “mô hình” “Quân dân Trường Sa vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió”.

Cô giáo Bùi Thị Nhung và các em học sinh “bốn trong một”

Hàng chục cặp vợ chồng trẻ có hộ khẩu tại xã Cam Lâm huyện Cam Ranh tỉnh Khánh hoà xung phong tình nguyện ra Trường Sa để cùng bộ đội bảo vệ chủ quyền. Ba đảo Trường Sa lớn, Song Tử Tây và Sinh Tồn là địa điểm của hàng chục hộ dân từ đất liền ra an cư lập nghiệp bám đảo, giữ ngư trường.

Ra đi từ xã Cam Lâm huyện Cam Ranh, vợ chồng cô giáo Bùi Thị Nhung đem theo con nhỏ chưa đầy ba tuổi. Trong khi đó vợ chồng chị Nguyễn Thị Thu Ba đem theo hai con, đứa lớn lên 6, đứa nhỏ lên ba. Đó là công dân nhí đầu tiên có mặt ở đảo Trường Sa lớn.

Khó có thể nói hết những khó khăn vất vả ngày đầu tiên đặt chân đến “quần đảo bão tố”, vừa lạ đất lạ người, vừa nhớ đất liền “dày vò” tâm can, lại phải đối mặt với điều kiện thời tiết khí hậu khắc nghiệt. Song cô giáo Nhung luôn quan niệm rằng, gieo chữ ở Trường sa chính là ươm mầm cho đảo.

Mầm xanh ấy chính là những đứa trẻ lớn lên từ sóng nước, hiểu sâu sắc về biển đảo, và được biển, đảo nuôi dưỡng. “Tôi ra Trường Sa dạy học vì tôi muốn cống hiến sức lực của mình cho biển, đảo. Tôi ra Trường Sa cuối 2008. Ngày ấy nghe nói Trường Sa có học trò mà không có cô giáo. Vậy là tôi viết đơn tình nguyện xin đi. Mới đầu ba mẹ chồng không đồng ý, chồng tôi lưỡng lự, nhưng thuyết phục mãi, cuối cùng anh ấy cũng đồng ý”, cô Nhung hồi tưởng lại.

Những đứa trẻ ở đảo Trường Sa lớn

Gần 5 năm dạy học trên đảo, cô Nhung luôn yêu cuộc sống nơi đây và coi gieo chữ nơi đầu sóng ngọn gió  cũng là góp một phần nhỏ bé trong ươm mầm non cho đảo.

Chính những đứa trẻ học chữ trên đảo, sau này chúng không chỉ là công dân tốt, là các chiến sĩ bộ đội Trường Sa kiên cường, mà còn là người truyền lửa tình yêu tổ quốc cho nhiều thế hệ học sinh tiếp theo.

Nói về chuyện “gieo mầm xanh” ở Trường Sa, cô Nhung chia sẻ: “Những đứa trẻ học ở Trường Sa, lớn lên ở Trường Sa, tiếp xúc với biển, đảo và bộ đội Hải quân có rất nhiều đặc biệt. Có em sau thời gian học hết lớp 5 muốn ở lại chứ không muốn về đất liền. Nhưng ở Trường Sa chương trình học chỉ hết lớp 5 thôi, nên các em phải trở về. Ngày chia tay xúc động lắm. Có em khóc níu áo chú bộ đội đòi ở lại. Có chú bộ đội rưng rưng chia tay các em mà chẳng nói nên lời. Ngoài dạy chữ cho các em, chúng tôi còn dạy tinh thần thép, ý chí kiên cường sẵn sàng bảo vệ Trường sa với tinh thần “tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình”. Đây cũng chính là cách “rèn” cho các em có bản lĩnh và ý chí kiên cường để sau này làm chiến sĩ Trường sa”.

Những “anh giáo” ươm mầm

Các em học sinh trên đảo Sinh Tồn

Gọi là “anh giáo”, bởi tất cả những thầy giáo ra Trường Sa dạy học tuổi đời còn rất trẻ. Bởi vậy lũ trẻ ở đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn gọi các thầy là “anh” như  một sự ngưỡng mộ về  “độ hót boy”- dĩ nhiên cách gọi ấy chỉ tồn tại lúc ra chơi, hoặc chương trình ngoại khóa.

Gần 4 năm gắn bó với lũ trẻ ở đảo Song Tử Tây, thầy giáo Lê Xuân Quyết có nhiều kỷ niệm buồn, vui sâu sắc. Buồn vì phải xa gia đình, nhớ đất liền, ba mẹ, người thân; vui vì quấn quít bên lũ trẻ nghịch ngợm và hài hước. “Ở đảo lúc nào cũng bận như con mọn.

Những đứa trẻ Trường sa Lớn đón khách đất liền tới thăm

Chúng tôi thực hiện giờ giấc theo quân đội. Báo thức lúc 5 giờ 30, 7 giờ sáng dạy chữ cho các em học sinh, 11 giờ cho các em về gia nhà, chiều đón các em tới lớp. Hết giờ học chiều, thầy trò cùng các em vui chơi, đá bóng, hoặc hướng dẫn các em trồng rau xanh. Gần 4 năm năm gieo chữ ở đảo Song Tử Tây này, tôi trở thành “bảo mẫu đặc biệt” rồi. “Nghĩa là sao? Tôi hỏi”.

“Là vừa làm thầy, vừa làm anh, vừa làm bảo mẫu” cho bọn trẻ. Có đứa trẻ lém lỉnh gọi tôi là anh Quyết. Có đứa còn chọc thầy Quyết đẹp trai. Những lúc các em giận bố mẹ, tôi lại dỗ giành, cưng nựng để các em vui. Trong giờ học các em gọi thầy xưng con, ngoài giờ các em gọi chú xưng cháu. Những ngày đầu nghe các em gọi “anh Quyết”, tôi ngượng quá, nhưng rồi cũng thấy vui vui. Là thanh niên trẻ, việc dỗ các em cũng nhiều bỡ ngỡ, nhưng dần rồi quen” thầy Quyết chia sẻ.

Giờ vui chơi cuối tuần trên đảo

Cùng đồng hành với thầy Quyết trên đảo Song Tử Tây, thầy giáo Đồng Minh Hiệp cũng nguyện gắn bó với Trường Sa lâu dài. Cũng như “hót boy” Quyết, “bảo mẫu Hiệp” cũng “luôn tay luôn chân”. 

Sau một ngày gieo chữ, Hiệp trở về căn phòng riêng của mình phía đầu hồi trường học. Chiếc giường cá nhân, cái bàn soạn giáo án đơn sơ. Mỗi đêm, trong căn phòng nhỏ ấy, thầy Hiệp vẫn cần mẫn soạn giáo án, chấm bài cho các em. Trong khoảng lặng giữa biển trời Tổ quốc, thầy Hiệp nhớ về đất liền- nơi ấy có bố mẹ và bao người thân ngóng đợi.

Anh không thể nào quên được những ngày đầu tiên đặt chân lên đảo. Tuy đã xác định tốt tư tưởng là công tác ở đây lâu dài, những đêm đầu tiên anh không kìm được xúc động vì quá nhớ đất liền.

Những ngày sau đó anh ra bờ biển ngóng về phía chân trời tìm hình bóng một con tàu nào đó. “Bây giờ đã quen lắm rồi. Có tụi nhỏ đảo như thêm niềm vui. Tó đoàn khách từ đất liền ra thăm đảo”, Hiệp chia sẻ

Đồng hành cùng thiếu nhi đảo Sinh Tồn hơn 3 năm qua, hai thầy giáo Lê Đức Anh và Nguyễn Ngọc Hạ. Ngày đầu tiên đến đảo Sinh Tồn, thầy Hạ mắt đỏ hoe nhìn lên cột mốc chủ quyền.

Thiếu nhi đảo Trường sa lớn cùng các anh chị ca sĩ đến từ đất liền, ảnh: Trọng Thiết

Hai tiếng Trường Sa, hình ảnh người lính Sinh Tồn tuần tra canh đảo, nhìn ánh mắt những em bé thơ ngây khát khao học chữ làm thầy xúc động: “Được dạy học ở Trường Sa là một điều vinh dự. Ngoài dạy chữ, dạy kiến thức, tôi còn dạy các em về tinh thần hi sinh vì Tổ quốc, chí khí dũng cảm khi Tổ quốc cần. Có em hỏi Tổ quốc là gì? Lúc đó thực sự tôi xúc động. Lúc dạy học, tôi là thầy giáo, khi đảo thực hiện nhiệm vụ phòng thủ, tôi là chiến sĩ Trường Sa. Chất lính và chất giáo, với tôi luôn song hành”, thầy Hạ chia sẻ…

Trường Sa đã từng ngày thay da đổi thịt. Ở giữa đại dương bao la ấy, có những thầy giáo trẻ đang ngày đêm cần mẫn gieo chữ cho các em học sinh. Đến đảo Trường Sa lớn, nghe tiếng các em  đọc vần ê a phát ra từ lớp học; đến đảo Song Tử Tây được nghe tiếng giảng bài ấm áp của thầy Quyết, thầy Hiệp; đặt chân lên đảo Sinh Tồn, xúc động bởi sự nhiệt tình hết lòng vì học sinh thân yêu của thầy Hạ, mới thấy được sự cống hiến, thầm lặng hi sinh của những “ươm mầm xanh” nơi đầu sóng ngọn gió này. 

Những giáo viên ở “quần đảo bão tố” ấy, đang làm công việc với tất cả tinh thần, nghị lực và đức hi sinh. Vì thế hệ học sinh của Trường Sa hôm nay và mai sau, đang được chính lòng nhiệt huyết của các thầy nuôi dưỡng. Để rồi sau thủa thiếu thời, các em sẽ trở thành thanh niên trai tráng, và những gái Trường Sa cùng bộ đội hải quân chung sức bảo vệ chủ quyền thiêng liêng đất mẹ

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chào mừng Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6: Những mầm xanh trên đảo Trường Sa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO