Đây là lời tâm sự của chàng thanh niên 8X Lê Văn Sang (29 tuổi), quê ở Thái Bình, hiện đang sinh sống cùng gia đình ở TP.HCM là người khuyết tật, nhưng với ý chí phi thường, anh đã ăn chay trường và đi bộ xuyên Việt. Mới đây, Sang vừa đặt chân đến Hà Nội và đã có cuộc trao đổi với PV Báo điện tử Infonet về hành trình đi bộ xuyên Việt của mình.
PV: Sang có thể chia sẻ 1 chút về cuộc sống và lý do khiến Sang thực hiện hành trình đi bộ xuyên Việt của mình lần này để mọi người được biết?
Lê Văn Sang: Do gia đình không có điều kiện nên tôi không được học hết cấp ba. Ở Sài Gòn hàng ngày tôi đi nhặt ve chai, bán vé số, đánh giày.... để kiếm sống qua ngày. Tôi chỉ cao 1,35m và nặng 32kg, do mình bị khuyết tật chân từ nhỏ nên việc đi lại cũng hơi khó khăn.
Nhưng sự thay đổi bắt đầu vào cuối năm 2016, khi tôi được người họ hàng mua cho chiếc điện thoại có thể vào mạng lướt web, cũng bắt đầu từ đó tôi thường nghe các bài pháp thoại về Phật, và ngày nào tôi cũng nghe. Đến đầu năm 2017, tôi quyết định ăn chay trường rồi tiếp tục nghĩ tới việc muốn cho nhiều người biết tới giá trị của ăn chay nên tôi có suy nghĩ đi bộ để tuyên truyền cho nhiều người biết hơn.
Đến ngày 1/7/2017, tôi quyết định hành trình đi bộ đường dài xuyên Việt. Ngày trước, tôi hay đi bán vé số, nên tôi cũng dành dụm được một ít tiền để trang trải cho chuyến hành trình này. Tuy nhiên, đi được gần nửa chặng đường, trong một đêm trời mưa đang ngủ ở ghế đá vỉa hè thì tôi bị người ta móc túi lấy trộm tiền.
Từ đó tôi bắt đầu "rỗng ví", may mắn là trong hành trình đi, vì thấy chân tôi khập khiễng nên dọc đường có nhiều người chú ý và quan tâm hỏi thăm tôi. Và tôi đã chia sẻ với mọi người về ước nguyện đi bộ, ăn chay trường của tôi với mục đích để nhiều người biết. Nhiều người mua nước cho tôi uống, nấu cơm cho tôi ăn, thậm chí họ còn cho tôi ngủ nhờ ở nhà họ, cứ như vậy qua các tỉnh, thành thấy nhiều người liên hệ và gặp gỡ tôi nhiều hơn.
Trong hành trình đi đã để lại cho Sang ấn tượng gì?
Lê Văn Sang: Tôi rất vui vì đã quyết định đi bộ bởi trong suốt hành trình này tôi có thêm nhiều người bạn mới cùng chung ý nguyện, không sát sinh, cùng ăn chay bảo vệ môi trường. Ngoài ra còn được gặp các cô, chú cùng nghiên cứu về giáo lý của đạo Phật.
Tuy nhiên, cũng có lúc tôi thấy khá buồn vì sức khỏe yếu, đôi chân đi chậm chạp, hoặc nói nhưng mọi người không hiểu... Tuy nhiên từ khi biết niệm Phật, biết ăn chay thì tôi thấy tôi hạnh phúc.
Mặc dù chân đi khập khiễng nhưng chàng thanh niên khuyết tật 8X rất hạnh phúc và vui vẻ với cuộc hành trình xuyên Việt của mình.
Ngoại hình chỉ là một phần, quan trọng nội tâm bên trong của bản thân biết lắng nghe, biết chia sẻ và hành thiện để giúp những người khổ hạnh thì tôi thực sự thấy sống càng có ý nghĩa.
Có câu nói thế này,“Hành trình đi không phải bằng dặm, mà bằng những người bạn”, anh nghĩ gì về vấn đề này?
Lê Văn Sang: Câu nói đó rất đúng với tôi, hôm nay đặt chân tới Hà Nội là tròn 160 ngày tôi đi bộ. Trong chuyến đi tôi may mắn được gặp nhiều người bạn, họ đã cùng lắng nghe, cùng chia sẻ với tôi và tôi thấy thêm yêu quý họ khiến tôi có thêm nhiều động lực cho cuộc sống hơn.
Một kỷ niệm đáng nhớ là khi tôi đặt chân tới Đà Nẵng, lúc đi qua một quán nước ở quận Hải Châu thì bất ngờ có một cô gái người nước ngoài nhìn thấy tôi đang đi bộ, cô ấy chạy ra trò chuyện với tôi.
Nhờ người phiên dịch nên tôi được biết cô ấy cũng ăn chay trường. Sau khi tôi chia sẻ với cô ấy về chuyến đi xuyên Việt của mình và cô ấy biết tôi cũng ăn chay trường thì cô ôm chầm lấy tôi rồi nắm tay rất chặt. Sau đó, cô ấy mua tặng tôi một đôi giày mới, cô ấy còn cho tôi tiền nhưng tôi không nhận. Cô ấy nói sắp tới sẽ cùng bạn bè kêu gọi giúp đỡ các em nhỏ vùng cao của Việt Nam, thông tin này khiến tôi vui lắm.
Tới Hà Nội rồi Sang sẽ tiếp tục cuộc hành trình tiếp theo của mình như thế nào?
Lê Văn Sang: Tôi sẽ ở lại Hà Nội và đi tới các ngôi chùa trong nội thành, gặp gỡ các thầy, cô đã theo dõi hành trình của tôi. Sau đó, tôi sẽ đi tới các tỉnh ở khu vực phía Bắc và đặc biệt tôi sẽ leo lên ngọn núi cao 3.143m “Nóc nhà Đông Dương”, đỉnh Fansipan.
Tôi biết, leo núi sẽ rất khó khăn với tôi vì đôi chân khuyết tật nhưng tôi muốn trải nghiệm nhiều hơn. Điểm dừng cuối cùng của tôi sẽ ở chùa Yên Tử, Quảng Ninh.
Xin cảm ơn Sang và chúc cho hành trình của anh thành công tốt đẹp.