Chậm giải ngân vốn đầu tư công: “Vì đâu nên nỗi”?

Lưu Nguyên Sơn| 23/09/2020 18:15

(TN&MT) - Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng số vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước đã giải ngân 7 tháng năm 2020 là trên 193 nghìn tỷ đồng, đạt 40% và ước đến 31/8 là gần 222 nghìn tỷ đồng, đạt 47% so với kế hoạch. Mặc dù đây là kết quả cho thấy những chuyển biến tích cực nhưng vẫn chưa đạt được yêu cầu của Chính phủ và các địa phương. Đâu là nguyên nhân của tình trạng này?

Tốc độ giải ngân vốn đầu tư công hiện vẫn chưa vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của Chính phủ và các địa phương. Ảnh minh họa

Ách tắc từ thể chế

Tổng Kiểm toán nhà nước Hồ Đức Phớc cho rằng, việc giải ngân vốn đầu tư công phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thể chế, pháp luật, sự “không khớp” giữa kỷ luật và thực hiện. Một số quy định của pháp luật đang gây cản trở, làm chậm quá trình giải ngân nguồn vốn.

Cụ thể, theo quy định của Luật Xây dựng và Luật Đầu tư công, thời gian để triển khai một dự án đầu tư từ khi lập dự án đến khi đấu thầu đã mất tối thiểu là 6 tháng, có nhiều công trình phải hơn 1 năm. Không những vậy, nếu theo quy định pháp luật cũ, cơ quan thẩm định các dự án đầu tư là các cơ quan đầu tư. Nhưng theo luật hiện hành, cơ quan quản lý xây dựng lại là cơ quan thẩm định chính, còn cơ quan đầu tư chỉ là cơ quan thẩm định về nguồn vốn, trình chủ đầu tư quyết định. Điều này đã gây ra những ách tắc nhất định trong quá trình giải ngân vốn đầu tư công.

Cũng theo Tổng Kiểm toán nhà nước, Luật Đầu tư công 2019 có tiến bộ là tách bạch phần chuẩn bị đầu tư nguồn vốn và phần giải phóng mặt bằng đối với các dự án nhóm A. Nhưng với dự án nhóm B và C thì không được tách bạch mà vẫn chung một dự án. Trong khi công tác giải phóng mặt bằng đòi hỏi phải đi trước một bước. Điều này sẽ gây khó khăn khi phân bổ và giải ngân nguồn vốn.

Cơ chế giao, lập, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn còn thiếu linh hoạt. Nhiều vấn đề phải báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, báo cáo Chính phủ gây khó khăn cho các bộ, ngành, địa phương.

Về vấn đề phê duyệt dự toán, điều chỉnh dự toán, Tổng Kiểm toán nhà nước cho rằng, quy định pháp luật trước đây giao cho chủ đầu tư phê duyệt là “rất mở”. Nhưng theo quy định hiện hành, ngay cả việc điều chỉnh dự toán cũng phải trình cấp có thẩm quyền phê duyệt lại. Bên cạnh đó, một số đơn giá, định mức đặc thù hoặc chuyên ngành chưa được các bộ, ngành, địa phương ban hành để phù hợp. Dẫn đến khi làm công trình không được phê duyệt, sau không thể quyết toán, phải xin phê duyệt của cấp có thẩm quyền. Các dự án như Tòa nhà Quốc hội, Tòa nhà Bộ Ngoại giao... hiện đang vướng điểm này. Đây là những nút thắt cần sớm được điều chỉnh.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm, Luật Đầu tư công 2019 đã có hiệu lực thi hành từ ngày 01/1/2020, tuy nhiên, phải đến ngày 6/4/2020 Chính phủ với ban hành Nghị định số 40/2020/NĐ-CP hướng dẫn thi hành. Đồng thời, một số nội dung của Luật chưa quy định hết và cụ thể các trường hợp xảy ra thực tế tại địa phương nên ảnh hướng đến quá trình chuẩn bị hồ sơ, thủ tục chuẩn bị đầu tư dự án, làm chậm tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Cụ thể như việc Luật chỉ quy định một số nội dung về quy trình rút gọn trong trường hợp khẩn cấp nhằm kịp thời phòng, chống, khắc phục hậu quả dịch bệnh nhưng chưa quy định rõ trình tự, thủ tục thực hiện; nội dung báo cáo đề xuất dự án; nội dung thẩm định dự án; không quy định dự án thực hiện theo hình thức này có được chỉ định thầu hay không?; đồng thời, cũng không giao Chính phủ quy định chi tiết hay dẫn chiếu thực hiện theo pháp luật khác để làm cơ sở triển khai thực hiện trên thực tế, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của các dự án đầu tư công.

Trách nhiệm chủ đầu tư

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, việc giải ngân vốn đầu tư công nhanh hoặc chậm có những nguyên nhân khách quan và chủ quan nhưng nguyên nhân chủ quan là chủ yếu và trách nhiệm chính, trước hết thuộc về chủ đầu tư. Bởi chủ đầu tư là đơn vị được giao quản lý vốn, quản lý cả quá trình triển khai thực hiện dự án từ bước lập phê duyệt dự án đến khi kết thúc bàn giao đưa vào sử dụng và thanh quyết toán dự án hoàn thành. Với trách nhiệm đó, chủ đầu tư còn phải chịu trách nhiệm đối với việc các đối tác tham gia và thực hiện dự án đầu tư.

Giải ngân vốn đầu tư công chậm sẽ kìm hãm tăng trưởng kinh tế. Ảnh minh họa

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Hương Giang cho rằng, với trách nhiệm là chủ đầu tư, sau khi dự án được giao kế hoạch vốn thì tất cả các khâu liên quan đến quá trình thực hiện dự án nhanh hay chậm phụ thuộc rất nhiều vào tính cụ thể, quyết liệt của chủ đầu tư - đơn vị được giao quản lý vốn. Một số chủ đầu tư trình độ chưa đáp ứng với nhiệm vụ được giao dẫn đến chưa thể kịp thời thực hiện, triển khai các bước, các thủ tục thực hiện dự án; chưa kịp thời hoặc có định hướng giải quyết những khó khăn vướng mắc đối với từng nội dung, từng khâu, từng bước triển khai thực hiện dự án dẫn đến công tác giải ngân vốn đầu tư chậm.

Theo bà Nguyễn Hương Giang, năng lực của đội ngũ làm công tác tư vấn như công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế cơ sở, công tác khảo sát, lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán… chưa tương xứng với nhiệm vụ dẫn đến chất lượng công tác lập, thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư, thiết kế cơ sở của một số dự án chưa tốt, phương án thiết kế ban đầu còn chưa phù hợp với thực tế dẫn đến phương án lập ban đầu không khả thi và phải điều chỉnh dự án. Có trường hợp dự án phải phê duyệt điều chỉnh dự án nhiều lần làm kéo dài thời gian thực hiện dự án so với quyết định đầu tư, dẫn đến công tác giải ngân vốn đầu tư kéo dài.

Mặt khác, công tác đền bù giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn. Công tác lập, công khai phương án đền bù giải phóng mặt bằng, phê duyệt phương án đền bù mất rất nhiều thời gian bởi có nhiều vướng mắc phát sinh trong việc này, từ việc kiểm đếm, thống kê đến xác định đối tượng, khối lượng, giá trị đền bù bảo đảm đúng, đủ theo quy định pháp luật... Sau khi phương án đền bù được phê duyệt thì việc chi trả kinh phí đền bù hỗ trợ dân gặp nhiều khó khăn do người dân không nhận tiền đền bù dẫn đến việc giải ngân vốn đầu tư khó khăn. Không có mặt bằng thi công thì cũng không thể có khối lượng hoàn thành để giải ngân vốn đầu tư đã phân bổ.

Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh cũng cho rằng, do bản chất trong đầu tư công là giải ngân chỉ được thực hiện khi có khối lượng công việc hoàn thành. Nhà thầu chỉ được ứng trước một phần tiền khi có hợp đồng, sau đó muốn được thanh toán thì phải có khối lượng hoàn thành được nghiệm thu, trong khi đó thông thường một hạng mục xây lắp cần khoảng 6-9 tháng để thực hiện. Vì thế nên việc giải ngân đầu tư công trong những tháng đầu năm thường ở mức thấp, thường bị dồn vào những tháng cuối năm.

Theo các chuyên gia kinh tế, cơ chế giải ngân vốn nước ngoài của một số dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài còn bất cập; công tác chuẩn bị hồ sơ, thủ tục đầu tư còn chậm; phải có sự đồng ý của nhà tài trợ, Bộ Tài chính trước khi giải ngân hoặc vướng mắc về thủ tục vay lại. Cùng với đó, Nghị định 56/2020/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài có hiệu lực thi hành từ 25/5/2020 có nhiều quy định thay đổi, đặc biệt là các nội dung liên quan đến quy trình điều chỉnh hiệp định vay dẫn đến các địa phương lúng túng trong quá trình triển khai dự án.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tổng kế hoạch vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2020 là hơn 630 nghìn tỷ đồng. Trong đó, vốn các năm trước chuyển sang hơn 97 nghìn tỷ đồng; vốn kế hoạch nguồn ngân sách nhà nước năm 2020 hơn 533 nghìn tỷ đồng. Ngoài ra, vốn địa phương giao bổ sung kế hoạch năm 2020 là hơn 55 nghìn tỷ đồng. Tổng số vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước đã giải ngân 7 tháng năm 2020 là trên 193 nghìn tỷ đồng, đạt 40% và ước đến 31/8 là gần 222 nghìn tỷ đồng, đạt 47% so với kế hoạch. Đến ngày 20/8, vẫn còn khoảng 18.902 tỷ đồng chưa được bộ, ngành, địa phương phân bổ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chậm giải ngân vốn đầu tư công: “Vì đâu nên nỗi”?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO