Hơn vạn bếp đỏ lửa
Ô nhiễm không khí trở thành nỗi lo lắng của người dân và chính quyền Thủ đô Hà Nội và tình trạng này đặc biệt căng thẳng khi đỉnh điểm là các chỉ số quan trắc không khí trong vài tháng vừa qua liên tục chạm hoặc vượt ngưỡng nguy hại. UBND thành phố đã từng "gọi tên" 12 nguồn chính gây ô nhiễm không khí, trong đó, có kể đến nguồn thải từ việc đun bếp than tổ ong.
Để quyết tâm “khai tử” nguồn ô nhiễm này, thành phố Hà Nội đã có Chỉ thị số 15, trong đó, yêu cầu đến năm 2020, trên toàn thành phố phải xóa bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong. Thực tế, với quyết tâm của chính quyền thành phố, số lượng bếp than tổ ong đã giảm đáng kể, nhưng vẫn chưa đạt được mục tiêu đề ra.
Người dân sử dụng bếp than tổ ong. |
Theo Sở TN&MT TP. Hà Nội, tính đến quý III/2020, từ hơn 55.000 bếp than, thành phố còn khoảng 11.081 bếp than tổ ong, sau khi đã loại bỏ được 43.411 bếp (giảm 79,66% so với năm 2017). Các địa bàn có tỷ lệ giảm bếp than tổ ong cao nhất so với năm 2017 là quận Hoàn Kiếm (giảm 100%), huyện Thạch Thất (giảm 100%), huyện Sóc Sơn (giảm 98,9%). Trong khi đó, 5 quận/huyện vẫn còn số lượng bếp than ở mức cao nhất lần lượt là các quận: Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Đống Đa và huyện Đan Phượng.
Trong số rất nhiều nguyên nhân tồn tại, vấn đề cốt yếu vẫn là sức hấp dẫn từ kinh tế. Ngay thời điểm này, tuy số lượng đã giảm, nhưng không khó để chúng ta bắt gặp sự hiện diện của loại bếp được xem là “rẻ và tiện lợi” từ những quán ăn cho đến các hộ dân sống riêng lẻ hay ở các khu tập thể đông dân cư.
Thêm vào đó, không phải người dân nào sử dụng loại bếp này cũng nhìn rõ chi phí đánh đổi của nó. Việc sử dụng bếp than tổ ong có thể tiết kiệm được vài nghìn mỗi ngày, nhưng chi phí bỏ ra để bảo vệ sức khỏe của chính mình và mọi người xung quanh có thể lớn hơn rất nhiều. Về dài hạn, đây không phải là phương án “kinh tế”. Chính vì vậy, việc cấm bếp than tổ ong trở thành chủ trương cấp thiết để góp phần cải thiện môi trường không khí trở nên trong sạch.
“Tối hậu thư” cho bếp tổ ong
Xóa sổ bếp than tổ ong là một trong những mục tiêu trọng điểm của Hà Nội. Thế nhưng, để về đích cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của chính quyền và người dân.
Mới đây, trước tình hình ô nhiễm không khí nghiêm trọng liên tiếp, UBND TP. Hà Nội đã có chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp cải thiện chỉ số chất lượng không khí. Thành phố sẽ tổ chức kiểm tra, không để tái diễn việc sử dụng bếp than tổ ong, hạn chế đốt rơm rạ, phụ phẩm cây trồng và chất thải không đúng nơi quy định; tăng cường rà soát, kiểm soát các cơ sở sản xuất bếp, than tổ ong và nhiên liệu than cấp thấp, có hình thức vận động, hỗ trợ các cơ sở sản xuất này chuyển đổi loại hình kinh doanh sản xuất.
Theo dự báo, từ nay đến tháng 3/2021, sẽ xuất hiện nhiều hình thái thời tiết khí tượng bất lợi, gây suy giảm chất lượng không khí, ảnh hưởng tới sức khỏe người dân, vì thế, UBND TP. Hà Nội yêu cầu Sở TN&MT vận hành ổn định hệ thống quan trắc môi trường, liên tục cung cấp thông tin diễn biến chất lượng không khí tới các cơ quan báo chí truyền thông để phục vụ công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng.
Từ 1/1/2021, Sở TN&MT, Công an thành phố, UBND các quận, huyện, thị xã trên địa bàn TP. Hà Nội tiến hành xử phạt đối với các hộ cố tình sử dụng bếp than tổ ong theo quy định Nghị định 155 năm 2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Trong đó, Điều 4 của Nghị định này quy định: cá nhân, tổ chức có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường có thể bị 1 trong 2 hình thức xử phạt gồm cảnh cáo hoặc phạt tiền tối đa tới 1 tỷ đồng với cá nhân và 2 tỷ đồng với tổ chức.
Các cơ quan chức năng kiểm tra, đôn đốc các quận huyện, thị xã vận động người dân không đốt rơm rạ, không tái sử dụng bếp than tổ ong, rà soát vận động các cơ sở sản xuất bếp than và than tổ ong chuyển đổi loại hình kinh doanh, nhằm đảm bảo hoàn thành mục tiêu loại bỏ hoàn toàn bếp than tổ ong trên địa bàn thành phố.
UBND thành phố cũng giao Sở TN&MT xây dựng kịch bản chi tiết ứng phó, phòng ngừa ô nhiễm môi trường không khí, lồng ghép kế hoạch dài hạn, trung hạn, ngắn hạn về bảo vệ môi trường không khí; xây dựng chính sách hỗ trợ người dân sử dụng rơm rạ làm nguyên liệu sản xuất các sản phẩm hữu ích, thân thiện môi trường, đảm bảo mục tiêu không còn tình trạng đốt rơm rạ gây ô nhiễm môi trường.
Công an thành phố cần tăng cường phối hợp các đơn vị chức năng kiểm tra, rà soát, xử lý các phương tiện giao thông xả khói đen; phương tiện cơ giới quá niên hạn sử dụng, trong đó, tập trung các phương tiện sử dụng nhiên liệu dầu diesel, không đảm bảo che chắn gây ô nhiễm môi trường.
Rõ ràng, sự quyết tâm của chính quyền là điều cực kỳ quan trọng nhưng tính cam kết để thực thi các chính sách cũng không kém phần quan trọng. Ai sẽ thực hiện chính sách? Đó là tất cả mọi công dân, với mục đích chung rằng, chúng ta phải hành động cho chính mình, không thể chờ những biện pháp cướng ép thực hiện.