Môi trường

Chậm đầu tư 2 nhà máy xử lý rác hiện đại, giải pháp nào cho Đà Nẵng ? Kỳ 2: Cần tránh thất bại

Lan Anh - Hoàng Hiệp 12/09/2023 - 13:01

(TN&MT) - Việc chậm trễ khởi công 2 nhà máy xử lý rác (NMXLR) cũng là cơ hội để Đà Nẵng đánh giá, lựa chọn công nghệ, giải pháp xử lý rác phù hợp, hiệu quả nhằm tránh thất bại như một số dự án NMXLR ở các địa phương trong nước.

Đề xuất công nghệ có nhiều ưu điểm

Theo đề xuất của Công ty CP Môi trường Việt Nam (hợp tác với Công ty CP Tập đoàn AMACCAO), giai đoạn đầu của dự án NMXLR có công suất 650 tấn/ngày gồm 1 hệ thống lò đốt rác bằng lò ghi cơ học của Công ty Martin (Đức) có công suất 650 tấn/ngày; hệ thống phát điện với công suất 18MW; xưởng phân loại chất thải công nghiệp thông thường; xưởng sản xuất cấu kiện bê-tông và gạch block (sử dụng vật liệu tái chế, xỉ); trạm xử lý nước thải, đường dây điện cao thế... Công ty cũng đề xuất đầu tư hệ thống xử lý chất thải rắn công nghiệp và nguy hại; tái chế dầu nhớt phế thải, cao su phế thải thành dầu đốt RO; tái chế giấy vụn, vật liệu nhựa, sản phẩm từ nhựa, kim loại...

rac5.jpg
Khu vực mặt bằng đang được chuẩn bị để đầu tư các dự án nhà máy xử lý rác

Tổng vốn đầu tư giai đoạn đầu của dự án được đề xuất là 2.021 tỷ đồng, trong đó, đường ống cấp nước thô, trạm xử lý nước thải, đường dây điện cao thế được đầu tư cho cả giai đoạn 2 của dự án. Giai đoạn 2 được công ty đề xuất đầu tư thêm một hệ thống lò đốt rác có công suất 650 tấn/ngày với tổng mức đầu tư 1.011 tỷ đồng sau khi vận hành ổn định, hiệu quả giai đoạn 1 và được sự chấp thuận của UBND TP. Đà Nẵng...

Quy trình công nghệ của dự án NMXLR có công suất 1.000 tấn/ngày là tiếp nhận kín rác; phân loại rác kín, xử lý rác; thu hồi tái chế rác thải nhựa, sản xuất viên đốt RDF; sản xuất phân bón hữu cơ... và chỉ có một phần nhỏ chất thải còn lại được đem đốt. Công nghệ của lò đốt được đề xuất tại dự án có kiểu ghi tĩnh và sử dụng đầu đấm đẩy rác do Việt Nam sản xuất phù hợp với dự án được triển khai tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Khánh Sơn.

rac6.jpg
Người dân Đà Nẵng tích cực thực hiện phân loại rác thải

Ông Lê Công Hùng - đại diện Công ty CP Đầu tư và phát triển đô thị TDH Ecoland - Khu vực miền Trung (Liên danh EcoPark) cho biết, công nghệ của dự án NMXLR có công suất 1.000 tấn/ngày được đề xuất là tổ hợp các công nghệ xử lý rác phù hợp với xu hướng phân loại rác, xem rác là tài nguyên. Tỉ lệ chất thải phải chôn lấp dưới 5% tổng khối lượng rác tiếp nhận vào nhà máy theo đúng yêu cầu của thành phố.

Nhận diện những nguyên nhân thất bại

Theo đánh giá, phân tích của các chuyên gia, nhà khoa học trong lĩnh vực môi trường thì dự án NMXLR có công suất 650 tấn/ngày có công nghệ xử lý tiên tiến của Đức, nhưng tỉ lệ chất còn lại (tro, xỉ) phải đem chôn lấp cao do rác không được phân loại hoặc phân loại kém; suất đầu tư cao, đơn giá xử lý rác cao...

Dự án NMXLR có công suất 1.000 tấn/ngày có công nghệ tổ hợp, thiết bị của Việt Nam thì rất tốt về mặt lý thuyết cũng như mong muốn của thành phố và có suất đầu tư thấp, đơn giá xử lý rác thấp, nhưng khó thực hiện được trong thực tế. Mặt khác, đầu ra cho sản phẩm, sức tiêu thụ sản phẩm tái chế khó; yêu cầu kỹ thuật của thành phố về tỉ lệ tro, xỉ phải chôn lấp quá thấp, khó thực hiện được...

PGS.TS Trần Thanh Sơn, Trưởng Khoa công nghệ nhiệt - điện lạnh, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) là chuyên gia trong lĩnh vực lò đốt, lò hơi, chia sẻ, Công ty CP Môi trường Việt Nam đề xuất chuyển đổi công nghệ và đầu tư dự án NMXLR có công suất 650 tấn/ngày sử dụng lò đốt có ghi động của Công ty Martin (Đức) là hướng tiếp cận tốt, bởi đốt rác ở công suất lớn thì buộc phải sử dụng lò ghi động để đốt cho hiệu quả. Rác sinh hoạt của Việt Nam nói chung và rác tại Đà Nẵng nói chung có nhiệt trị thấp (nhiệt độ tỏa ra khi đốt rác) do có độ ẩm cao và nhiều thành phần chưa được phân loại, khó hoặc không cháy được nên khi đốt thì có tỉ lệ tro, xỉ cao. Vì thế, khi triển khai nhà máy đốt rác phát điện thì thành phố cần tích cực phân loại rác...

rac8.jpg
Công nhân Công ty môi trường đô thị Đà Nẵng thu gom rác

Cũng theo chia sẻ của PGS.TS Trần Thanh Sơn, đối với dự án NMXLR có công suất 1.000 tấn/ngày, ngay từ “đề bài” của dự án là Nghị quyết số 333/NQ-HĐND ngày 9/12/2020 của HĐND TP.Đà Nẵng đã có vấn đề vì có rất nhiều công nghệ, đề xuất dự án đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật của thành phố, nhưng yêu cầu về tỉ lệ tro, xỉ được chôn lấp quá thấp, rất khó thực hiện. Mặt khác, việc sản xuất gạch từ tro, xỉ của lò đốt lại chưa có quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam nên nhà đầu tư nước ngoài không thể làm được vì không tiêu thụ được.

Bên cạnh đó, “đề bài” về sản xuất phân bón hữu cơ, viên đốt nhiên liệu RDF cũng quá rộng, doanh nghiệp sản xuất ít hay nhiều đều được. Sản phẩm phân bón hữu cơ, RDF... cũng chưa có quy trình kiểm soát chất lượng, khó được tiêu thụ. Sự thất bại của Công ty CP Môi trường Việt Nam đối với dự án tại bãi rác Khánh Sơn cách đây 7 năm là vì sản phẩm tái chế không tiêu thụ được.

PGS.TS Trần Văn Quang - giảng viên cao cấp Khoa Môi trường, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) đánh giá, về mặt công nghệ xử lý rác, hiện nay có thể áp dụng công nghệ trong nước hay quốc tế đều được vì đã phổ biến. Song, trước yêu cầu về tỉ lệ chôn lấp tro, xỉ thấp của các địa phương, nhiều nhà đầu tư bổ sung thêm hệ thống phân loại, tái chế với nhiều loại sản phẩm. Thực tế, việc triển khai công đoạn phân loại rác rồi tái chế tại nhà máy thì tốn kém và mỗi doanh nghiệp chỉ có thế mạnh 1 - 2 công nghệ, nếu triển khai nhiều loại công nghệ thì khó có hiệu quả cao.

“Công ty CP Môi trường Việt Nam và Công ty CP Tập đoàn AMACCAO hợp tác tiếp cận theo hướng đốt rác phát điện như vậy phù hợp với hiện tại và tương lai gần. Lò đốt - “trái tim” của nhà máy sử dụng công nghệ của châu Âu, còn phần bên ngoài, phụ trợ thì Việt Nam hoàn toàn có thể làm được... Còn hướng tiếp cận đối với dự án NMXLR có công suất 1.000 tấn/ngày, về lý thuyết là quá được, cân bằng vật chất, nhưng thực tế thì khó thực hiện được”, PGS.TS Trần Văn Quang phân tích.

TS. Nguyễn Đình Trọng - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn công nghệ T-Tech Việt Nam (công ty đã, đang đầu tư hơn 100 dự án lò đốt rác với công nghệ của Việt Nam tại 30 tỉnh, thành phố trong nước) chỉ ra 5 nguyên nhân thất bại của các dự án NMXLR, kể cả việc sản xuất phân compost, xử lý rác bằng công nghệ plasma, khí hóa... trên toàn quốc trong những năm qua.

Đầu tiên là công nghệ xử lý rác không phù hợp với rác Việt Nam, kể cả công nghệ xử lý rác của Đức, Nhật Bản, châu Âu… qua các nguồn vốn ODA và đầu tư tư nhân. Nguyên nhân thứ 2 là suất đầu tư quá lớn do công nghệ nước ngoài quá đắt hoặc do nhà đầu tư đẩy giá lên cao để vay vốn; trong khi đó, đơn giá xử lý rác rất thấp, từ 400.000 - 500.0000 đồng/tấn. Nguyên nhân thứ 3 là quy hoạch NMXLR không khoa học, sự sắp xếp nội dung quy hoạch, thiết kế (layout) không tốt, không tối ưu, dẫn đến lãng phí và vận hành không hiệu quả. Nguyên nhân thứ 4 là năng lực vận hành nhà máy còn yếu do ít kinh nghiệm; nhà đầu tư thì “tay ngang”, không chuyên nghiệp.

Nguyên nhân cuối cùng là nhà đầu tư không có công nghệ trong tay, phụ thuộc công nghệ nước ngoài, thậm chí là không tự sửa chữa, không tự nâng cấp được, dẫn đến bị động, mà việc xử lý rác đòi hỏi phải thực hiện liên tục hằng ngày, lễ, Tết kể cả khi máy bị hư hỏng.

Sự thất bại của một số mô hình NMXLR tại các địa phương trong nước, đặc biệt là sự thất bại của “mô hình” Nhà máy phân loại xử lý rác, sản xuất điện và phân bón khoáng hữu cơ tại xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình có tổng mức đầu tư 1.400 tỷ đồng (công nghệ lò đốt rác từ châu Âu) được xem là bài học chung cho cả 2 dự án NMXLR của Đà Nẵng. Thành phố cần phải tránh mắc phải những thất bại này.

Kỳ 3: Đầu tư sớm một nhà máy - nhu cầu cấp thiết

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chậm đầu tư 2 nhà máy xử lý rác hiện đại, giải pháp nào cho Đà Nẵng ? Kỳ 2: Cần tránh thất bại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO