Chúng tôi lên xã vùng cao Nậm Có, huyện Mù Cang Chải gặp gia đình ông Thào Sú Rùa là hộ có 3 ha cây sơn tra, trong đó có 1ha trồng từ năm 1975, sản lượng thu hoạch hằng năm lớn nhất bản. Trước đây, tác dụng và hiệu quả của cây sơn tra chưa được mọi người biết đến, nên thu nhập của gia đình ông không nhiều. Những năm gần đây, quả sơn tra có thị trường tiêu thụ nên gia đình ông có thu nhập ổn định từ vài chục triệu đồng mỗi năm nhờ tiền bán quả. Năm 2012 và 2013, gia đình ông thu nhập mỗi năm hơn 70 triệu đồng, riêng năm 2014, ước đạt gần 90 triệu đồng.
Ông Thào Sú Rùa phấn khởi cho biết: Trước đây diện tích đất trồng lúa nương một vụ, gặt ít thóc lắm. Năm 1993, thực hiện theo chính sách giao đất, giao rừng, gia đình tôi đã mang cây sơn tra về trồng. Sau bốn năm, cây sơn tra bắt đầu cho thu nhập. Mọi người trong bản thấy nhà mình bán quả sơn tra có tiền mua gạo, thì các nhà trong bản cũng ra sức chăm sóc bảo vệ và trồng mới thêm nhiều cây sơn tra. Trồng thêm 2ha nữa, loại cây này rất phù hợp với điều kiện khí hậu ở đây nên sinh trưởng nhanh. Cùng với thu nhập từ sơn tra, thảo quả và lúa, gia đình tôi không thiếu ăn như trước nữa, mà còn có tiền mua sắm đồ dùng trong gia đình và cho con ăn học.
Cũng giống như gia đình ông Rùa, gia đình anh Lù A Lu ở bản Phình Ngài cùng xã có 3 ha sơn tra, trong đó 1 ha đã cho thu hoạch, mỗi năm gia đình anh thu từ 50 đến 60 triệu đồng. Truớc đây, cây sơn tra ở Mù Cang Chải chủ yếu phát triển tự nhiên, hoang dã, không đuợc quản lý thì đến nay, diện tích này đã được giao cho các hộ quản lý, chăm sóc. Bởi vậy, những năm gần đây nhờ tiền bán quả sơn tra mà nhiều hộ ở bản Lùng Cúng, Phình Ngài không còn thiếu ăn như trước, từng bước thoát nghèo bền vững.
Tại xã La Pán Tẩn, hiện có 300ha sơn tra đang cho thu hoạch, cùng với việc chăm sóc, bảo vệ rừng phòng hộ thì cây sơn tra đã bén rễ từ lâu trên rừng. Hảng Của Già, nông dân người Mông hiện có hơn 1.000 gốc sơn tra bốn tuổi đang độ thu hoạch phấn khởi chia sẻ: Năm nay, gia đình mình bán được gần 200 triệu đồng từ quả sơn tra là nhờ nhà nuớc làm cái đường mới về bản, xe máy đã thay con ngựa đem xuống ngã ba Kim bán được giá hơn.
Phó Chủ tịch UBND xã La Pán Tẩn Giàng A Thênh cho biết: Đến nay cây sơn tra là cây xóa đói, giảm nghèo, vừa giữ rừng đầu nguồn, giữ nguồn nước, đồng bào có tiền từ việc bán quả. Xã khuyến khích người dân giữ rừng đi đôi với trồng mới cây sơn tra, những diện tích đất dốc trước đây làm lúa nương không hiệu quả cũng chuyển đổi trồng ngô và sơn tra.
Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải Lê Trọng Khang cho biết: xác định cây sơn tra là một trong những cây xóa đói, giảm nghèo, huyện chủ trương là căn cứ vào độ cao, thổ nhưỡng, vùng quy hoạch và bảo vệ rừng để phát triển cây sơn tra một cách bền vững. Truớc mắt cần quản lý, chăm sóc và bảo vệ tốt diện tích hiện có và trồng thêm khoảng 1.000 ha trong năm năm tới, chủ yếu ở các xã Nậm Có, Nậm Khắt, Lao Chải và một số xã khác. Hiện huyện Mù Cang Chải cũng đang xây dựng Đề án phát triển cây sơn tra, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng cây giống để tạo ra vùng chuyên canh hàng hóa lớn và dần xây dựng thương hiệu sơn tra Mù Cang Chải một cách bền vững.