Câu chuyện của nhóm bạn trẻ muốn số hóa toàn bộ hoa văn cổ tiêu biểu của Việt Nam

23/07/2018 09:17

(TN&MT) – Đây là dự án của nhóm Đại Việt cổ phong, phối hợp với cộng đồng truyện tranh Việt Nam Comicola, sử dụng công nghệ vector để vẽ lại và số hóa toàn bộ hoa văn cổ tiêu biểu của Việt Nam.

Nhiều năm qua, một số chuyên gia văn hóa, mỹ thuật đã lên tiếng thừa nhận, các lĩnh vực như: phim ảnh, đồ mỹ nghệ, nội thất trang trí, thiết kế đồ họa … của chúng ta đang bị “Trung Quốc hóa”. Một trong những nguyên nhân quan trọng được chỉ ra là do sự thiếu hụt nguồn tư liệu dẫn đến tình trạng người dân không phân biệt được đâu là văn hóa truyền thống, đâu là văn hóa ngoại lai. Lâu dần, nhiều sản phẩm văn hóa được làm ra không những không mang tinh thần Việt mà còn bị người dân tẩy chay do “chúng cứ na ná sản phẩm của Trung Quốc, Hàn Quốc”.
 

hoa van dai viet 3
Những mẫu hoa văn như thế này được số hóa và chia sẻ rộng rãi trong cộng đồng (trong ảnh là hoa văn phượng ổ)

Nhằm góp phần giới thiệu tới đông đảo công chúng những chân giá trị văn hóa của cha ông để lại, một nhóm bạn trẻ yêu thích văn hóa xưa (họ lập thành nhóm gọi là Đại Việt Cổ Phong) đã phối hợp với cộng đồng truyện tranh Việt Nam Comicola, sử dụng công nghệ vector để vẽ lại và số hóa toàn bộ hoa văn cổ tiêu biểu của Việt Nam.

Bộ vector hoa văn này sau khi hoàn thành sẽ cung cấp miễn phí cho cộng đồng sáng tạo Việt Nam để sử dụng trong các dự án mang tinh thần Việt & cổ trang (trang phục, kiến trúc, hội họa, minh họa…). Dự án hi vọng sẽ góp phần giúp công chúng nhận diện được đâu là hoa văn của cha ông, từ đó sáng tạo nên những tác phẩm đặc trưng văn hóa thuần Việt, chống lại sự xâm lăng văn hóa của các nước lân cận trong khu vực.

Trao đổi với PV, họa sỹ Cù Minh Khôi, Chủ nhiệm dự án Hoa văn Đại Việt cho biết: “Trong quá trình thiết kế trang phục cho bộ phim truyền hình cổ trang Phật hoàng Trần Nhân Tông (hiện vẫn chưa công chiếu – PV), chúng tôi luôn trăn trở là nên đưa hoa văn gì vào trang phục để tái hiện được trang phục thời nhà Trần? Sau khi đã xác định được các mẫu hoa văn, chúng tôi đã ngồi vẽ lại chúng bằng công nghệ vector rồi gắn lên các bộ trang phục. Tất cả những hoạt động này được thực hiện trên máy tính để căn chỉnh và để các chuyên gia đánh giá. Sau khi tất cả đã thống nhất và chọn ra một mẫu đẹp nhất thì chúng tôi sẽ tiến hành sản xuất nó”.
 

hoa van dai viet 4
Cuốn sách Hoa Văn Đại Việt đã được ra mắt công chúng

Đến đây ý tưởng thực hiện một thư viện hoa văn online xuất hiện trong đầu người họa sỹ trẻ. “Tôi tự đặt câu hỏi là tại sao mình không xây dựng một thư viện hoa văn online để những người làm thiết kế có thể tải về và ứng dụng vào các thiết kế của họ. Một số sản phẩm văn hóa hiện nay na ná đồ Trung Quốc là bởi những người thiết kế thường lên mạng internet tải những hoa văn Trung Quốc về rồi gắn chúng lên các sản phẩm của mình. Vậy tại sao chúng ta không lập thư viện hoa văn thuần Việt để mọi người có thể sử dụng rộng rãi?” – họa sỹ Cù Minh Khôi tâm sự.

Nói là làm, họa sỹ Cù Minh Khôi đã phối hợp với những thành viên trong nhóm Đại Việt Cổ Phong trên khắp cả nước tìm đến những bảo tàng, những di tích văn hóa nổi tiếng … chụp ảnh, sưu tầm và vẽ lại những hoa văn tiêu biểu ở đó. Hiện nay dự án đã thực hiện được vài trăm mẫu hoa văn cổ được tổng hợp từ khắp nơi trên cả nước.

Sau khi đã có tư liệu, việc quan trọng không kém là làm sao huy động nguồn vốn để xuất bản thành sách nhằm giới thiệu rộng rãi tới công chúng. Chia sẻ với PV, anh Nguyễn Khánh Dương, thành viên sáng lập cộng đồng truyện tranh Việt Nam Comicola, đồng thời cũng là người hợp tác với dự án Hoa văn Đại Việt cho biết: “Khi bắt đầu thực hiện dự án, chúng tôi huy động vốn bằng hình thức gây quỹ (tức là kêu gọi mọi người ủng hộ tiền trước, nhận hiện vật (bằng sách) sau - PV). Điều bất ngờ là khi thông tin được đăng tải, chỉ trong vòng 2 tuần, số tiền ủng hộ đã vượt trên 100 triệu đồng. Chúng tôi không ngờ dự án lại nhận được sự quan tâm lớn đến vậy, đặc biệt là các bạn trẻ và kiều bào ở nước ngoài. Thực tế này có thấy, giới trẻ rất quan tâm tới văn hóa truyền thống chứ không hề thờ sơ như chúng ta vẫn nhầm tưởng”.
 

nguyen khanh duong
Anh Nguyễn Khánh Dương, thành viên sáng lập cộng đồng truyện tranh Việt Nam Comicola

Cũng theo chia sẻ của anh Nguyễn Khánh Dương, nhiều kiều bào ở nước ngoài còn trực tiếp ủng hộ tiền mặt khiến cho các thành viên nhóm rất cảm động. Bên cạnh đó, dự án còn có sự tư vấn của những chuyên gia uy tín ở nhiều lĩnh vực khác nhau như: nhà sử học Dương Trung Quốc, họa sỹ Nguyễn Mạnh Đức, Đạo diễn Nguyễn Trọng Lượng …

Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, họa sỹ Cù Minh Khôi cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp tục bổ sung thêm những hoa văn mới vào thư viện hoa văn online của mình và chia sẻ miễn phí nó với tất cả những người có nhu cầu. Ban đầu, ý tưởng của chúng tôi chỉ gói gọn trong phạm vi nhỏ nhưng nhờ sự hưởng ứng của các chuyên gia và công chúng nên dự án đã thành công ngoài mong đợi. Chúng tôi không cố gắng đi phục cổ nhưng chúng tôi hi vọng, với những nỗ lực của mình, chúng tôi sẽ mang đến cho công chúng đương đại một vẻ đẹp văn hóa tiệm cận với văn hóa cha ông khi xưa”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Câu chuyện của nhóm bạn trẻ muốn số hóa toàn bộ hoa văn cổ tiêu biểu của Việt Nam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO