Cát tặc “đại náo” sông Lam

Bài và ảnh: Đình Tiệp| 02/07/2020 12:52

(TN&MT) - Mặc dù đã có quy định cụ thể của pháp luật về thời gian khai thác cát, sỏi lòng sông, nhưng tình trạng hút cát trên sông Lam (Nghệ An) từ đêm khuya đến sáng sớm đang diễn ra rất sôi động, làm “náo loạn” cả khúc sông khiến dư luận hết sức bức xúc.

“Ngủ ngày, cày đêm”

Trong quá trình đi thực tế tìm hiểu về hoạt động khai thác cát, sỏi trên sông Lam, chúng tôi ghi nhận một quy luật hoạt động của các thuyền nốc khai thác cát. Đó là ngày nằm bờ, khi màn đêm buông xuống thì các tàu, thuyền mới rục rịch thi nhau ngược xuôi đến các điểm có cát để khai thác.

Để tìm hiểu về thực trạng này, PV đã lân la làm quen được với ông P. Ông P vốn là dân sông nước nên mọi “ngóc ngách” của sông Lam đoạn qua các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Thanh Chương…ông đều nắm rõ như lòng bàn tay.

Tàu cát công suất lớn hút cát lúc 5h sáng rồi đưa về đổ tại bến cát cách đó không xa được cho là của HTX Lam Sơn Đại Thành

Từ eo sông phía sau Nhà máy giấy Sông Lam (xã Hưng Phú, Hưng Nguyên), chúng tôi chòng chành lái thuyền đi theo mép sông tiến lên phía thượng nguồn. Đi một lúc, trời bắt đầu tối. Chiếc đèn công suất nhỏ trên thuyền bật lên để soi lối đi. Được một vài ki lô mét thì nghe thấy tiếng máy nổ thình thịch. “Tiếng máy khai thác cát đó chú” – Ông P. nói.

Càng tiến lại gần, tiếng máy nổ càng đinh tai, nhức óc. Trong bóng đêm, lập lờ những ánh đèn pin của các đối tượng khai thác cát trái phép tại địa điểm này. Đây là khu vực thuộc xóm Mỹ Thanh, xã Hưng Lam. Thời điểm đó, chúng tôi chứng kiến 2 chiếc thuyền lớn có công suất hút và chở khoảng 70 - 80 m3 cát/ chuyến.

Tiếp tục cuộc hành trình về phía thượng nguồn, khoảng 23h, chúng tôi tiếp cận khu vực xóm 3, xã Xuân Lâm (huyện Nam Đàn). Ông T, bạn của ông P đã đón sẵn ở bờ sông. Theo thông tin từ ông T, những ngày trước, khoảng 20 - 21h trở đi là các thuyền hút cát bắt đầu xuất hiện để khai thác tại địa điểm sát bãi bồi của xóm 3, xã Xuân Lâm. Tuy nhiên, hôm đó do nước triều lên muộn, chưa rút nên các thuyền cát tiếp tục nằm bờ chờ thời cơ.

Lên bờ, chúng tôi ngồi sát bờ sông phía sau những lùm sậy để chờ sự xuất hiện của “cát tặc”. Đúng như dự đoán của ông T, khoảng 2h sáng 26/5, một chiếc nốc có công suất khoảng 60-70 m3 từ phía một bến cát nằm giáp ranh giữa 2 xã Xuân Lâm và xã Hưng Lĩnh (huyện Hưng Nguyên) nổ máy, sáng đèn và từ từ tiến lại khu vực bãi bồi sát ruộng lạc của người dân xóm 3, xã Xuân Lâm. Chiếc thuyền thả neo cách chỗ chúng tôi ngồi chừng 60 - 70 m và bắt đầu thả vòi xuống “rút ruột” lòng sông. Trong ánh sáng tỏ mờ trên thuyền, tôi đếm được có 5 người, 4 người đàn ông và 1 phụ nữ, tất cả đều đang tuổi trung niên thay nhau làm các công đoạn trong quá trình khai thác cát. Khoảng hơn 2 tiếng đồng hồ, chiếc thuyền đã “no” cát rồi nhổ neo xuôi dòng về bến tập kết “trả hàng”.

Chiếc thuyền này vừa rời đi chừng 10 phút, một chiếc thuyền lớn mà theo ông T có sức chứa khoảng 130 - 150 m3 nhổ neo từ 1 bến cát nằm cách đó không xa ngược dòng tiến lại sát vị trí chúng tôi ngồi. Lúc này, trời đã bắt đầu sáng dần, không cần sự trợ giúp bởi ánh đèn của chiếc thuyền cũng có thể nhìn thấy khá rõ trên thuyền có 6 người. Thuyền dừng lại, thả neo rồi 4 vòi “bạch tuộc” hai bên hông từ từ hạ xuống lòng sông, tiến hành hút cát. Tiếng máy nổ công suất lớn gầm rú làm náo loạn cả khúc sông. Do các vòi hút có công suất cao nên chỉ sau vài tiếng đồng hồ là chiếc thuyền đã “gom” đủ khoảng trên 100 m3 cát rồi nhổ neo lừ lừ xuôi theo dòng Lam về bến.

Khai thác sai vị trí, người dân bất bình

Theo ghi nhận của PV, từ khoảng 2h sáng đến 5h sáng, khúc sông Lam đoạn qua địa bàn hai xã Khánh Sơn và Xuân Lâm (huyện Nam Đàn) có đến hàng chục lượt thuyền chở đầy cát xuôi theo dòng nước về “trả hàng” tại các bến cát phía hạ nguồn tận huyện Hưng Nguyên, TP Vinh và thậm chí là đưa sang bán tận huyện Đức Thọ (tỉnh Hà Tĩnh). Như vậy chỉ sau 1 đêm có đến khoảng vài nghìn khối cát bị ăn cắp khỏi lòng sông Lam – một có số khủng khiếp.

Theo những người dân ở xóm 3, xã Xuân Lam, tại khu vực bãi bồi sát bờ sông Lam, nhiều năm nay đang bị sạt lở nghiêm trọng. Những ruộng lạc, ruộng ngô của họ canh tác cứ thế bị thu hẹp dần theo thời gian. Dòng sông bên lở bên bồi là quy luật nhiều năm quen thuộc với người dân, thế nhưng hiện tượng mất đất sản xuất, sạt lở thường xuyên như tại các khu vực bãi bồi ở xã Xuân Lam có nguyên nhân phần nhiều từ hoạt động khai thác cát gây ra.

Hàng loạt tàu cát “ngủ ngày” ven bờ sông Lam, dọc từ huyện Hưng Nguyên lên Nam Đàn, Thanh Chương

Cũng theo người dân nơi đây, tại khu vực sông Lam thuộc địa giới quản lý của xã Xuân Lâm không hề có mỏ khai thác cát nào được cấp phép. Tuy nhiên, lâu nay việc các tàu khai thác cát công suất lớn ngày đêm vô tư vào hút cát ngay sát với bãi bồi xóm 3, xã Xuân Lâm.

“Các tàu khai thác cát lớn nhỏ thường xuất phát từ 3 bến cát đóng trên đại bàn xã Xuân Lâm, giáp với xã Hưng Lĩnh (huyện Hưng Nguyên) ngày nào cũng lên sát bãi bồi đất xóm 3, xã Xuân Lâm khai thác cát. Mỗi ngày ít nhất có từ 6-8 lượt thuyền hút. Dạo này chủ yếu họ khai thác vào ban đêm và lúc rạng sáng” - Ông Nguyễn Văn T, một người dân ở xóm 3, xã Xuân Lâm, thông tin.

Theo báo cáo của Phòng TN&MT huyện Nam Đàn, hiện nay trên địa bàn huyện này có 5 đơn vị được cấp phép khai thác cát trên sông Lam. Trong đó, Hợp tác xã Lam Sơn Đại Thành là đơn vị được UBND tỉnh Nghệ An cấp phép khai thác theo Quyết định số 441/QĐ.UBND, ngày 30/01/2015. Diện tích mỏ là 37,2 ha, trữ lượng gần 1,7 triệu m3 cát trên địa bàn 4 xã gồm Nam Thượng và Nam Tân có diện tích 24 ha; Nam Lộc 1,2 ha và Khánh Sơn là 12 ha.

Theo tìm hiểu của PV, diện tích điểm mỏ 12 ha thuộc địa bàn xã Khánh Sơn là khu vực giáp ranh với xã Xuân Lâm. Tuy nhiên, theo phản ánh của người dân và ghi nhận thực tế của PV, diện tích khu vực mỏ này chưa được cắm mốc rõ ràng nên đang “mập mờ” về ranh giới, khu vực được phép khai thác. Vì thế, các tàu cát không tiến hành khai thác bên phía xã Khánh Sơn mà gần như chỉ khai thác lệch về phía xóm 3, xã Xuân Lâm (không thuộc diện tích mỏ) đã khiến cho người dân hết sức bức xúc.

Về vấn đề này, ông Nguyễn Thành Lâm - Trưởng phòng TN&MT huyện Nam Đàn, cho biết: “Tình trạng khai thác cát trái phép, đặc biệt là khai thác vào ban đêm và rạng sáng rất khó kiểm soát. Truy quét khai thác cát những thời điểm đó không có lực lượng công an hỗ trợ cán bộ TN&MT cũng không làm được gì, thậm chí còn bị cát tặc “uy hiếp”.

Cũng theo ông Lâm, việc có hay không HTX Lam Sơn Đại Thành khai thác cát trên đất xã Xuân Lâm chứ không phải khu vực được cấp mỏ tại xã Khánh Sơn, “cần phải xác minh, bắn tọa độ, định vị cụ thể mới kết luận được”!

Sau khi nhận được thông tin từ PV về tình trạng khai thác cát trái phép trên sông Lam vào ban đêm nói chung cũng như nghi vấn HTX Lam Sơn Đại Thành khai thác ngoài vị trí cấp mỏ cũng như khai thác sai thời gian quy định, một cán bộ lãnh đạo Phòng Cảnh sát môi trường - Công an tỉnh Nghệ An cho biết sẽ tiến hành kiểm tra, xử lý theo quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cát tặc “đại náo” sông Lam
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO