Cấp thiết bảo vệ nguồn gen quý bản địa

03/02/2015 00:00

(TN&MT) - Nguồn gen thực vật được coi là cơ sở sinh học cho vấn đề an ninh lương thực thế giới.

(TN&MT) - Nguồn gen thực vật được coi là cơ sở sinh học cho vấn đề an ninh lương thực thế giới. Để bảo tồn và phát triển trong điều kiện tự nhiên, nguồn gen thực vật có giá trị về nông nghiệp phải được sinh tồn trong một môi trường thuận lợi, ổn định, ít có những biến đổi khắc nghiệt mang tính hủy diệt nguồn gen.
   
Nhiều nguồn gen đã được tuyển chọn, phục tráng, phát triển và được công nhận giống
   
Những nguy cơ xói mòn
   
  Tài nguyên di truyền thực vật (TNDTTV) nông nghiệp đóng vai trò rất quan trọng đối với đời sống con người trên thế giới cũng như ở Việt Nam. Các tỉnh Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên là những vùng sinh thái lớn ở nước ta. Với sự đa dạng cao về điều kiện tự nhiên, khí hậu, địa hình và tập quán canh tác, các vùng sinh thái này đã tạo ra và lưu giữ trong tự nhiên hàng trăm giống và loài cây trồng quý hiếm, góp phần quan trọng vào sự đa dạng của các loài thực vật Việt Nam.
   
  Tuy nhiên hiện nay, ở những vùng sinh thái này, điều kiện sinh tồn của hàng nghìn giống, loài thực vật đã và đang đứng trước những thảm hoạ về xói mòn nguồn gen, có nguy cơ mất đi hàng loạt những nguồn gen có giá trị bởi những biến đổi khắc nghiệt của điều kiện tự nhiên, kinh tế và xã hội. Trong đó quá trình biến đổi khí hậu, sa mạc hoá, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển công nghiệp, đô thị và giao thông được xem là những thay đổi có ảnh hưởng sâu sắc nhất đến sự sinh tồn của các nguồn tài nguyên thực vật.
   
  Theo thống kê về đa dạng sinh học, Việt Nam có khoảng 13.000 loài thực vật, trong đó 10% là các loài bản địa có giá trị cao. Tuy nhiên, sự đa dạng sinh học ở Việt Nam đang bị tác động mạnh mẽ bởi các yếu sinh học và phi sinh học. Do nhu cầu, con người hiện đang khai thác quá mức tài nguyên thực vật, đất nông nghiệp phục vụ cho phát triển công nghiệp và xây dựng, dẫn  tới mức độ xói mòn nguồn gen  thực vật  rất  cao. Theo thống kê, trong 50 năm qua đã có khoảng 2.070 loài được  tạo ra nhưng chỉ có 150 loài được sử dụng trong sản xuất. Khoảng 7.640 giống ngô đã bị mất, tình trạng xói mòn nguồn gen này cũng xảy ra tương tự đối với các loại cây trồng khác.
   
  Do vậy, bảo tồn và sử dụng tài nguyên thực vật nông nghiệp hơn bao giờ hết rất cần được sự quan tâm trên mức độ toàn cầu cũng như ở Việt Nam. Hiện đã có nhiều phương pháp tiếp cận được sử dụng trong việc bảo tồn tài nguyên di truyền thực vật ở Việt Nam, trong đó việc ứng dụng công nghệ sinh học được xem là một trong những mối quan tâm hàng đầu.
   
Cơ hội phát triển nguồn gen
   
  Tính đến nay, Việt Nam đã bảo tồn được khoảng 28 nghìn gen cây trồng nông nghiệp, 2.000 giống cây lâm nghiệp, 2.998 gen cây thuốc, 18 gen vật nuôi, 2.999 gen thủy sản, và 21.270 chủng vi sinh vật. Tuy nhiên, hoạt động đánh giá chuyên sâu về di truyền, tính chống chịu và chất lượng nguồn gen còn khá ít, tới nay mới đánh giá được 300 nguồn gen cây nông nghiệp, 451 nguồn gen cây lâm nghiệp, 200 loài gen dược liệu…
   
  Theo Trung tâm Tài nguyên thực vật, hiện đã nghiên cứu, bình tuyển, phục tráng và mở rộng sản xuất thành công một số giống lúa, như lúa tám đa dòng T3, lúa nếp, lúa chịu hạn, lúa tẻ thơm LT3, lúa KD19, lúa dự, khẩu ký; một số giống khoai môn sọ như KS5, KS4, KM-1, một số giống rau địa phương phục vụ phát triển rau sạch như mướp hổ, dưa trời, húng láng, cải ngồng Lạng Sơn, cải mào gà, cải mèo; một số nguồn gen đậu tương và ba giống khoai lang rau KLR1, KLR3, KLR5; một số giống hoa, cây cảnh bản địa họ gừng - riềng; một số giống khoai lang ăn củ và khoai lang ăn lá làm rau dinh dưỡng. Hai trong số các giống này, giống khoai sọ KS4 và giống hoa Đuôi chồn đỏ đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là giống quốc gia.
   
  Nhiều nguồn gen đã được tuyển chọn, phục tráng, phát triển và được công nhận giống, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững. Chẳng hạn, các giống dứa Cayen không gai Chân mộng, vải Hùng Long - VPH10, chuối tiêu vừa Phú Thọ - VN1064, xoài Vân Du - XPH11 và giống lạc tiên - LPH04 của Trung tâm Nghiên cứu và phát triển Rau hoa quả, Viện KHKT NLN miền núi phía Bắc đã được khu vực hóa/công nhận giống. Hai giống cà phê chè TN1 và TN2 cho năng suất cao, phẩm cấp hạt tốt, khả năng chống chịu sâu bệnh cao ở các vùng sinh thái khác nhau.
   
   Trung tâm Nghiên cứu và Thực nghiệm Nông lâm nghiệp Lâm Đồng đã nghiên cứu chọn tạo được  được 2 giống dâu cho năng suất cao, S7-CB và VA-201, đã được công nhận cho sản suất thử. Trạm Nghiên cứu dâu tằm tơ Việt Hùng đã sử dụng nguồn gen dâu để lai tạo ra các giống dâu tằm giá trị, trong đó giống dâu Số 12 được giải thưởng Huy chương vàng, giống dâu số 7 được giải thưởng Huy chương bạc tại Hội chợ Triển lãm thành tựu KHKT Giảng Võ; giống dâu Số 11 được giải thưởng Bông Lúa Vàng; giống dâu VH9 được giải thưởng VIFOTEC; giống dâu VH13 được tặng Cúp Vàng Nông nghiệp.
   
   Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long đã sử dụng nguồn gen lúa hoang và lúa địa phương để tạo ra các dòng, giống lúa chịu mặn, chịu hạn, kháng rầy nâu hoặc kháng bạc lá. Nhiều nguồn gen cây cải tạo và bảo vệ đất đã được sử dụng để phục hồi, cải tạo, chống xói mòn đất tại huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang và huyện Cẩm Phả, tỉnh Quảng Ninh; chống xói lở đất đường Hồ Chí Minh ở Hà Tĩnh, Hòa Bình, Quảng Bình và một số nơi khác.
   
Phương Anh
  
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cấp thiết bảo vệ nguồn gen quý bản địa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO