Cấp phép khai thác cát, sỏi lòng sông ở Quảng Bình: Đảm bảo công khai, minh bạch

Thanh Tùng (thực hiện)| 14/02/2023 15:00

(TN&MT) - Quảng Bình là địa phương đang đồng loạt triển khai nhiều dự án xây dựng trọng điểm, với nhu cầu sử dụng nguồn cát làm vật liệu san lấp và xây dựng rất lớn.

Để làm rõ thực trạng công tác quản lý, khai thác và sử dụng nguồn vật liệu này trong những năm qua và sự chuẩn bị của tỉnh nhằm đảm bảo nguồn vật liệu cho các dự án trọng điểm, phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường đã trao đổi với ông Nguyễn Huệ  - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Bình về vấn đề này.

PV: Ông có thể cho biết thực trạng công tác quản lý, khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên quan trọng này trong những năm qua tại địa phương?

Ông Nguyễn Huệ: Theo Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2016 - 2020, tầm nhìn đến năm 2025 đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 44/2015/QĐ-UBND ngày 22/12/2015 và điều chỉnh tại Quyết định số 35/2018/QĐ-UBND ngày 20/12/2018, trên địa bàn tỉnh có 53 mỏ khoáng sản cát, sỏi làm vật liệu xây dựng thông thường, diện tích 385,43ha, tài nguyên dự báo 13,66 triệu m3.

o-hueeuj-quang-binh.jpg
ông Nguyễn Huệ  - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Bình

Trước khi đi vào hoạt động khai thác, các tổ chức, cá nhân được cấp phép đã thực hiện cơ bản đầy đủ các thủ tục có liên quan theo đúng quy định của pháp luật. Các đơn vị được cấp phép khai thác đã có nhiều cố gắng trong việc đầu tư máy móc thiết bị nhằm khai thác, chế biến khoáng sản ngày một hiệu quả. Trong quá trình khai thác, hầu hết các tổ chức, cá nhân đã chấp hành tốt các nội dung được ghi trong giấy phép hoạt động khoáng sản, từng bước nhận thức được quyền lợi, nghĩa vụ của mình, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.

Tuy nhiên, thời gian qua trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số hộ gia đình nhỏ lẻ khai thác trái phép cát, sỏi lòng sông; tập trung tại các khu vực khoáng sản chưa đưa vào quy hoạch của tỉnh. Nguyên nhân xảy ra tình trạng này là do nhu cầu vật liệu xây dựng ngày càng tăng cao, hệ thống văn bản xử lý vi phạm còn bất cập chưa đủ sức răn đe; trách nhiệm của cấp ủy chính quyền cơ sở, đặc biệt là cấp xã trong việc quản lý khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn có lúc có nơi còn buông lỏng, chưa xử lý triệt để.

Để chấn chỉnh tình trạng này, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, quản lý về hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh, nhất là về cát, sỏi lòng sông. Đồng thời, UBND tỉnh Quảng Bình đã chỉ đạo Sở TN&MT, các sở, ngành có liên quan và các UBND huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, tổ chức đối thoại trực tiếp với các doanh nghiệp nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc, tăng cường bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, hạn chế hoạt động khai thác cát, sỏi trái phép đến mức thấp nhất. Đồng thời, chỉ đạo Sở Xây dựng nghiên cứu, sử dụng vật liệu thay thế cát, sỏi lòng sông.

PV: Trên địa bàn tỉnh Quảng Bình đang triển khai một số dự án trọng điểm như Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua Quảng Bình, Dự án đường ven biển và cầu Nhật Lệ 3... Các dự án này cần sử dụng nguồn cát làm vật liệu xây dựng rất lớn. Sở có giải pháp gì để giúp cung ứng đủ nguồn vật liệu xây dựng, đảm bảo tiến độ các dự án, thưa ông?

Ông Nguyễn Huệ: Để chủ động nguồn vật liệu cát xây dựng, tránh tình trạng khan hiếm vật liệu ảnh hưởng đến tiến độ các dự án, từ đầu năm 2022, Sở TN&MT đã làm việc với các BQL Dự án của Bộ Giao thông vận tải để xác định nguồn vật liệu cần cung cấp cho dự án; cung cấp thông tin quy hoạch và hiện trạng nguồn vật liệu xây dựng (trong đó có cát xây dựng) để các đơn vị rà soát, lựa chọn những mỏ có vị trí phù hợp, đảm bảo về chất lượng, trữ lượng đưa vào hồ sơ dự án.

anh-kem-bai-quang-binh.jpg
Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình tổ chức thanh, kiểm tra, xử lý các vi phạm trong hoạt động khai thác cát, sỏi lòng sông. Ảnh: Phi Long

Trên cơ sở các mỏ vật liệu đã có trong quy hoạch, các mỏ đã được cấp giấy phép và qua quá trình điều tra, khảo sát, các BQL Dự án của Bộ Giao thông vận tải đã lựa chọn được 4 khu vực mỏ cát đắp, trữ lượng khai thác 2,05 triệu m3; 8 mỏ cát xây dựng, trữ lượng khai thác 0,77 triệu m3 phục vụ bước lập Báo cáo nghiên cứu khả thi, Thiết kế kỹ thuật Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025 và đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt.

Để chủ động thực hiện thủ tục cấp phép theo cơ chế đặc thù, Sở TN&MT nghiên cứu để hướng dẫn nhà thầu thi công Dự án lập hồ sơ đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác đối với các mỏ chưa được cấp phép nhưng nằm trong Hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ Dự án. Riêng các mỏ đã được cấp phép, chủ đầu tư, nhà thầu thi công làm việc với các đơn vị đã được cấp giấy phép khai thác để hợp đồng, thống nhất khối lượng cung cấp vật liệu cho Dự án.

Trong quá trình thi công, trường hợp phát sinh thêm nhu cầu về cát xây dựng, Sở TN&MT sẽ phối hợp chặt chẽ với chủ đầu tư, nhà thầu thi công khảo sát, bổ sung thêm các mỏ cát phù hợp vào hồ sơ vật liệu để cấp phép theo cơ chế đặc thù, góp phần chủ động được nguồn vật liệu cát xây dựng cung cấp cho các dự án trên địa bàn tỉnh.

PV: Tỉnh Quảng Bình luôn xác định phát triển vật liệu xây dựng phải phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời, phải bảo đảm tính bền vững. Vậy để khai thác bền vững nguồn cát làm vật liệu xây dựng trong những năm tới, tỉnh cần thực hiện những giải pháp gì, thưa ông?

Ông Nguyễn Huệ: Khoáng sản nói chung và cát làm vật liệu xây dựng nói riêng là tài nguyên không tái tạo, khai thác đến một thời điểm nào đó sẽ cạn kiệt nên cần phải có giải pháp, phương án khai thác, sử dụng hiệu quả, hợp lý. Để khai thác bền vững nguồn cát làm vật liệu xây dựng trong những năm tới, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu trình UBND tỉnh trình Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chương trình hành động số 13-CTr/TU ngày 14/6/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết số 10/NQ/TW ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định Số 2297/QĐ-UBND ngày 44/8/2022 về việc ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động số 13-CTr/TU ngày 14/6/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Hiện nay, Quảng Bình có 48 mỏ cát được UBND cấp giấy phép khai thác còn hiệu lực với diện tích 130ha, trữ lượng khai thác 6,5 triệu m3, công suất khai thác 554.800m3/năm.

Ngoài ra, tỉnh cũng chú trọng công tác lập quy hoạch các khu vực mỏ cát có quy mô phù hợp, tránh quy hoạch manh mún nhỏ lẻ để đảm bảo khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, phục vụ nhu cầu hiện tại và nhu cầu trong tương lai. Thực hiện cấp phép khai thác cát thông qua hình thức đấu giá quyền khai thác khoáng sản để đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân sử dụng các khoáng sản có tính chất lý, hóa tương tự có thể sản xuất cát nhân tạo để thay thế dần cát tự nhiên.

Đồng thời, nghiêm cấm việc sử dụng cát đủ chất lượng để xây dựng cho mục đích san lấp, cải tạo mặt bằng nhằm tránh lãng phí tài nguyên. Nghiên cứu điều tra, khảo sát đưa các mỏ cát ven biển vào quy hoạch khoáng sản và cấp phép khai thác sử dụng vào mục đích xây dựng để thay thế dần cho nguồn cát sông có nguy cơ cạn kiệt. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý tài nguyên môi trường, tăng cường kiểm soát chặt chẽ việc quản lý khai thác tài nguyên khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cấp phép khai thác cát, sỏi lòng sông ở Quảng Bình: Đảm bảo công khai, minh bạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO