Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản họp trực tuyến chống COVID-19
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết Ngoại trưởng các nước Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản đã tiến hành một cuộc họp trực tuyến vào ngày 20/3 để thảo luận về nỗ lực đối phó với dịch bệnh COVID-19.
Theo Đài phát thanh - truyền hình công cộng NHK của Nhật Bản, nước này đã có 963 trường hợp nhiễm COVID-19 và 33 ca tử vong. Những con số này không bao gồm hơn 700 ca nhiễm và 7 ca tử vong do tàu du lịch neo đậu gần Tokyo, Nhật Bản hồi tháng trước.
Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC) xác nhận 87 trường hợp nhiễm COVID-19 mới vào ngày 20/3, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 8.652.
Tính đến ngày 19/3, đã có 79 trường hợp liên quan đến những người nhiễm bệnh mới đến nước này, tăng từ 44 ca vào ngày 15/3. Theo KCDC, hầu hết trong số họ là người Hàn Quốc, 27 người đến từ châu Âu, 16 người từ Trung Quốc và 12 người từ các nước châu Á khác.
|
Trong cuộc họp trực tuyến, Ngoại trưởng các nước Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản đã chia sẻ thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19 ở nước họ.
Theo Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha, 3 nước cần hợp tác để ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19 và tăng cường trao đổi và hợp tác giữa các dân tộc, cũng như hạn chế tác động kinh tế và xã hội.
Hàn Quốc đã thiết lập các thủ tục nhập cảnh đặc biệt cho du khách đến từ các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề bởi COVID-19 như Trung Quốc, Ý và Iran, yêu cầu họ phải đăng ký bằng ứng dụng điện thoại thông minh để theo dõi các triệu chứng bất thường của họ, chẳng hạn như sốt.
Các ca nhiễm tăng nhanh tại Đông Nam Á
Ngày 20/3, chính phủ Malaysia cho biết quốc gia này sẽ huy động quân đội để giúp thực thi các biện pháp hạn chế đi lại nhằm ngăn chặn virus SARS-CoV-2 lây lan trong bối cảnh Malaysia là nước có số ca nhiễm COVID-19 cao nhất ở Đông Nam Á cho đến nay.
Malaysia xác nhận 130 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên tới 1.030, chiếm gần 40% tổng số ca nhiễm ở khắp Đông Nam Á.
Kể từ ngày 18/3, Malaysia đã đóng cửa biên giới, trường học và các doanh nghiệp không thiết yếu trong hai tuần và ra lệnh cho mọi người hạn chế đi ra ngoài.
Chính phủ nước này cho biết người Malaysia có thẻ nhập cảnh dài hạn đến một quốc gia khác sẽ được phép đi công tác, nhưng sẽ chỉ có thể trở về nhà sau khi kết thúc lệnh cấm đi lại vào ngày 31/3.
Theo cập nhật của Reuters vào đầu giờ chiều 20/3, các ca nhiễm COVID-19 ở Đông Nam Á đang gia tăng nhanh chóng. 60 người nhiễm COVID-19 được xác nhận ở Indonesia và 50 ca nhiễm ở Thái Lan, nâng tổng số ca nhiễm ở khu vực Đông Nam Á lên hơn 2.500.
Indonesia cũng xác nhận 7 ca tử vong, nâng tổng số người chết lên 32 - cao hơn bất kỳ nơi nào khác trong khu vực. Ngày 20/3, Tổng thống Joko Widodo cho biết đất nước sẽ nỗ lực hết sức để ngăn chặn dịch bệnh.
Singapore có 40 ca nhiễm mới, chủ yếu từ nước ngoài
Ngày 20/3, Singapore xác nhận 40 trường hợp nhiễm COVID-19, chủ yếu các ca nhiễm đến từ Vương quốc Anh. Tổng số ca nhiễm tại nước này đã tăng đến 385, không có trường hợp tử vong.
Bộ Y tế Singapore yêu cầu hủy bỏ tất cả các cuộc tụ họp từ 250 người trở lên. Ngoài ra, nước này cũng đưa ra một số biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, bao gồm yêu cầu nhà tuyển dụng tạo điều kiện cho nhân viên làm việc tại nhà và sắp xếp giờ làm việc để giảm bớt sự tiếp xúc giữa các nhân viên.
Trước đó, giới chức trách Singapore cho biết đất nước không triển khai lệnh phong tỏa đất nước, nhưng sẽ không loại trừ tùy vào tình hình diễn biến của dịch COVID-19.
Pháp sử dụng tàu chiến để sơ tán các bệnh nhân COVID-19 khỏi Corsica
Ngày 20/3, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cho biết Pháp sẽ sử dụng một tàu chiến để sơ tán các bệnh nhân nhiễm COVID-19 nguy kịch từ đảo Corsica đến các bệnh viện trên đất liền.
Parly cũng cho biết trên Twitter rằng việc sử dụng tàu chiến là quyết định của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.
Một nhân viên y tế đeo khẩu trang và bộ đồ bảo hộ điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 trong một phòng chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện Oglio Po ở Cremona, Ý vào ngày 19/3/2020. Ảnh: REUTERS / Flavio Lo Scalzo |
Tính đến hết ngày 19/3, Cơ quan y tế Pháp xác nhận 108 ca tử vong mới trong ngày, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 ở nước này lên 372 ca. Trong khi đó, tổng số ca nhiễm ở nước này tăng từ 9.134 ca lên 10.995 ca.
Siết quy định đi lại, cách ly 14 ngày – biện pháp phổ biến ở nhiều nơi
Để phòng, chống dịch COVID-19, kể từ ngày 21/3, Saudi Arabia sẽ tạm dừng mọi chuyến bay nội địa, xe buýt, taxi và xe lửa trong 14 ngày. Theo Reuters, tới nay quốc gia Trung Đông này đã có 274 ca nhiễm và chưa có người chết.
Ngày 20/3, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc công bố quy định buộc những người đã có lịch sử đi lại tới 24 quốc gia bị ảnh hưởng dịch COVID-19 trong 2 tuần qua phải cách ly theo dõi 14 ngày tại các cơ sở y tế. Quy định này cũng đã được áp dụng tại thành phố Thượng Hải từ ngày 19/3.
Trung Quốc đã có thêm 39 ca nhiễm mới trong ngày 19/3, tất cả đều từ nước ngoài về, nâng tổng số ca nhiễm “nhập khẩu” của Trung Quốc lên đến 228.
Tại Australia, Bộ trưởng Y tế cũng yêu cầu mọi hành khách từ nước ngoài trở về bắt buộc phải tự cách ly y tế trong 14 ngày.
EU thúc giục phát triển vắc-xin ngừa COVID-19
Ủy ban châu Âu (EC) đã đề nghị trao khoản vay 80 triệu euro cho công ty có trụ sở tại thị trấn Tubingen, Đức để phát triển và sản xuất vắc-xin ngừa COVID-19 tại châu Âu.
Chủ tịch EU Ursula von der Leyen; Chủ tịch phụ trách ủy ban sáng kiến, nghiên cứu, văn hóa, giáo dục và thanh niên của EC Mariya Gabriel; Phó chủ tịch Ngân hàng đầu tư châu Âu (EIB) Ambroise Fayolle đã thảo luận vấn đề với ban quản lý công ty sản xuất vắc-xin CureVac thông qua hội nghị trực tuyến.
Cờ Liên minh châu Âu bay bên ngoài trụ sở Ủy ban châu Âu tại Brussels, Bỉ, ngày 19/2/2020. Ảnh: REUTERS / Yves Herman |
Theo đó, nguồn hỗ trợ sẽ từ khung hỗ trợ tài chính bệnh truyền nhiễm InnovFin (IDFF) dưới chương trình Horizon 2020. IDFF đã cung cấp gói hỗ trợ tài chính cho các công ty phát minh để phát triển vắc-xin, thiết bị y tế và thiết bị chẩn đoán phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm.
Chi phí thử nghiệm lâm sàng, phát triển mẫu, chi phí nghiên cứu và phát triển (R&D) tiền lâm sàng có thể bao gồm trong gói hỗ trợ, thông qua EIB.
Tính đến 18h ngày 20/3/2020, trên toàn thế giới đã có 250.577 người mắc, 10.253 người tử vong vì COVID-19.
Tại lục địa Trung Quốc, có 80.930 người mắc và 3.247 người tử vong; 181 quốc gia và vùng lãnh thổ bên ngoài Trung Quốc xác nhận 169.647 ca nhiễm và 7.006 ca tử vong.
Tại Việt Nam, đến nay đã có 87 trường hợp mắc COVID-19. Trong đó, 16 người mắc (tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2) đã được chữa khỏi bệnh hoàn toàn (giai đoạn 1) và 1 bệnh nhân (BN18) mắc COVID-19 (tính từ ngày 6/3 đến 20/3) được chữa khỏi (giai đoạn 2).