Anh vẫn quay cuồng trong đại dịch COVID-19
Nước Anh hiện vẫn đang quay cuồng trong đại dịch COVID-19 khi số ca mắc bệnh và tử vong vì virus SARS-CoV-2 ở nước này tiếp tục tăng.
Từ tối 23/3 (theo giờ địa phương), Thủ tướng Anh Boris Johnson tuyên bố phong tỏa đất nước và nhấn mạnh "con đường phía trước khó khăn" và "rất nhiều sinh mạng sẽ ra đi".
Cho đến nay, nước này vẫn đang quay cuồng trong đại dịch COVID-19. Tính đến trưa 8/4, Anh xác nhận hơn 55.200 ca nhiễm COVID-19, trong đó có hơn 6.000 ca tử vong.
Thủ tướng Anh Boris Johnson đang điều trị COVID-19 trong phòng chăm sóc tích cực (ICU) của bệnh viện ở thủ đô London |
Trong khi đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson lại đang phải điều trị COVID-19 trong phòng chăm sóc tích cực (ICU) của bệnh viện ở thủ đô London.
Theo các chuyên gia, ngay cả khi hồi phục hoàn toàn, ông Boris Johnson có thể phải vắng mặt từ 1-2 tháng. Khi đó, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab sẽ là người thay quyền điều hành chính phủ để vượt qua đại dịch.
Chính phủ Anh đã yêu cầu hàng loạt cửa hàng bán hàng hóa không phải nhu yếu phẩm, trường học và cơ sở kinh doanh, giải trí... đóng cửa nhằm ngăn chặn dịch bệnh COVID-19 lây lan. Ngoài ra, giới chức trách nước này cũng yêu cầu người dân Anh ở nhà, trừ trường hợp thực sự cần thiết mới ra ngoài.
Mỹ thu giữ thiết bị y tế đang có nhu cầu cao
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh ở Mỹ, ngày 8/4, Cơ quan Quản lý Khẩn cấp Liên bang (Fema) và Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ (CBP) thông báo sẽ thu giữ toàn bộ các mặt hàng xuất khẩu là thiết bị bảo hộ y tế quan trọng. Quy định này sẽ có hiệu lực trong 4 tháng (từ ngày 10/4 – 10/8).
Theo đó, danh sách các mặt hàng bị thu giữ gồm mặt nạ chống độc, khẩu trang phẫu thuật và găng tay phẫu thuật. Sau đó, Fema sẽ cân nhắc số hàng được giữ lại để sử dụng trong nước và số hàng có thể xuất khẩu.
Công bố trên được đưa ra sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ban hành đạo luật sản xuất quốc phòng nhằm giảm bớt tình trạng khan hiếm trang thiết bị y tế dành cho đội ngũ y bác sĩ và bệnh viện – tuyến đầu trong cuộc chiến chống COVID-19.
Trước đó, một số bang và thành phố ở Mỹ đã “tranh giành” trang thiết bị y tế trong bối cảnh khan hiếm các thiết bị này. Trong bối cảnh đó, ông Trump phải chỉ đạo các cơ quan liên bang dùng quyền cần thiết để thu giữ những thiết bị y tế đang có nhu cầu cao tại Mỹ.
New York: Hệ thống y tế sẽ ổn định nếu tỷ lệ nhập viện giảm
Thống đốc bang New York (Mỹ), ông Andrew Cuomo cho biết mặc dù số người chết vì COVID-19 vẫn tiếp tục tăng cao nhưng số người nhập viện đã cho thấy sự sụt giảm trong mức độ lây lan dịch tại bang này.
Nhân viên y tế chuyển một người phụ nữ vào xe cứu thương ở khu phố Harlem của Manhattan trong khi dịch bệnh COVID19 bùng phát ở thành phố New York, Mỹ vào ngày 8/4/2020. Ảnh: Reuters |
Ông Andrew Cuomo cho rằng nếu số người nhập viện tiếp tục giảm thì hệ thống y tế của bang New York sẽ ổn định trở lại trong khoảng 2 tuần tới.
Toàn bang New York, tâm dịch COVID-19 của Mỹ đã treo cờ rủ sau khi bang này xác nhận 6.298 ca tử vong vì dịch bệnh.
Hàng loạt nước châu Âu tiếp tục kéo dài lệnh phong tỏa
Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 tiếp tục lây lan tại các quốc gia thuộc châu Âu, Ủy ban châu Âu (EC) đã thúc giục các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) duy trì lệnh hạn chế đi lại trong khu vực Schengen (một khu vực gồm 26 quốc gia châu Âu đã chính thức bãi bỏ hộ chiếu và tất cả các loại kiểm soát biên giới khác ở biên giới – PV) ít nhất đến ngày 15/5.
“Toàn bộ các nước thành viên thuộc khu vực Schengen phải thực hiện tốt các biện pháp giãn cách xã hội để hạn chế tiếp xúc trong cộng đồng và ngăn chặn virus lây lan. Ngoài ra, EU cũng cần hạn chế các hoạt động đi lại không thiết yếu từ các nước thứ 3 để củng cố nỗ lực trên” - Ủy viên châu Âu Margaritis Schinas nhấn mạnh.
Thủ tướng Ý Giuseppe Conte không đồng tình với những lời kêu gọi nới lỏng lệnh phong tỏa của các doanh nghiệp với mong muốn đưa người lao động trở lại làm việc.
Tương tự, Thủ tướng Pháp Edouard Philippe nhận định, các biện pháp phong tỏa trong nước đang giúp hạn chế sự lây lan của dịch COVID-19 và thời điểm hiện tại chưa phải lúc để dỡ bỏ lệnh phong tỏa.
Ngoài ra, Pháp là một trong những nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 với hơn 10.000 ca tử vong. Do đó, nước này sẽ kéo dài lệnh phong tỏa trên cả nước đến ngày 15/4.
Tại Thụy Sĩ, Tổng thống Simonetta Sommaruga cho rằng nước này đã thực hiện tốt các biện pháp chống dịch và đạt hiệu quả như mong muốn. Cụ thể, tốc độ lây lan dịch đã giảm trong những ngày gần đây.
Cập nhật lúc 8h00 ngày 9/4/2020:
Thế giới: 1.513.304 người mắc; 88.405 người tử vong, trong đó:
- Mỹ: 430.271 người mắc; 14.738 người tử vong.
- Tây Ban Nha: 148.220 người mắc; 14.792 người tử vong.
- Ý: 139.422 người mắc; 17.669 người tử vong.
- Đức: 113.296 người mắc; 2.349 người tử vong.
Việt Nam: 251 trường hợp mắc COVID-19. Trong đó:
16 bệnh nhân mắc COVID-19 (tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2) đã được chữa khỏi (giai đoạn 1).
110 bệnh nhân mắc COVID-19 (tính từ ngày 6/3 đến ngày 8/4) được chữa khỏi (giai đoạn 2) gồm: BN17, BN18, BN19, BN21, BN22, BN23, BN24, BN25, BN27, BN29, BN30, BN31, BN32, BN33, BN34, BN35, BN37, BN38, BN39, BN40, BN41, BN42, BN43, BN45, BN46, BN47, BN48, BN49, BN51, BN53, BN54, BN55, BN56, BN57, BN58, BN59, BN60, BN61, BN62, BN63, BN64, BN66, BN67, BN68, BN69, BN70, BN71, BN72, BN73, BN84, BN75, BN76, BN77, BN78, BN79, BN80, BN81, BN82, BN83, BN85, BN88, BN89, BN90, BN93, BN95, BN96, BN98, BN99, BN100, BN101, BN102, BN103, BN104, BN107, BN110, BN111, BN112, BN113, BN116, BN117, BN118, BN 119, BN120, BN121, BN122, BN123, BN125, BN126, BN129, BN130, BN131, BN132, BN136, BN137, BN138, BN140, BN142, BN150, BN152, BN153, BN154, BN159, BN160, BN179, BN187, BN192, BN197, BN198, BN200, BN222.