Công nhân nhập cư, bị mắc kẹt ở bang Gujarat phía tây Ấn Độ do lệnh phong tỏa, đứng xếp hàng theo quy định giãn cách xã hội trước khi lên tàu vào ngày 5/5/2020. Ảnh: Reuters |
Châu Á trải qua gần 4 tháng để chạm mốc 250.000 ca nhiễm bệnh, con số gần tương đương với Tây Ban Nha chỉ trong 2 tháng kể từ khi nước này ghi nhận ca nhiễm đầu tiên.
Ở mức 250.650 người nhiễm, châu Á hiện chỉ chiếm 7% tổng số ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu, so với 40% ở châu Âu và 34% ở Bắc Mỹ. Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại rằng số ca nhiễm bệnh không được báo cáo đang che giấu mức độ thực sự của đại dịch.
Nhiễm trùng có thể chỉ gây ra các triệu chứng nhẹ và không phải ai cũng có được xét nghiệm khi có triệu chứng, trong khi hầu hết các quốc gia chỉ ghi nhận trường hợp tử vong tại bệnh viện, đồng nghĩa với việc số ca tử vong tại nhà riêng và viện dưỡng lão vẫn chưa được tính đến.
Số người chết ở châu Á cũng đã chậm lại đáng kể ở hầu hết các quốc gia và con số này hiện tiến gần đến 10.000 cho toàn bộ khu vực, chỉ chiếm 4% số ca tử vong toàn cầu. Trong khi đó, châu Âu chiếm 57% và Bắc Mỹ chiếm 29%.
Tại châu Âu, Tây Ban Nha, Ý, Vương quốc Anh và Pháp đã ghi nhận hơn 25.000 ca tử vong tại mỗi nước. Mỹ dẫn đầu số ca tử vong trên thế giới, với 70.000 người chết vì đại dịch.
Canada gửi y tá đến cộng đồng phía Bắc bị tấn công bởi COVID-19
“Canada đã phái các y tá đến một cộng đồng bản địa xa xôi phía Bắc bị virus SARS-CoV-2 tấn công mạnh mẽ để tiến hành xét nghiệm và hỗ trợ chăm sóc sức khỏe”, lãnh đạo địa phương cho biết ngày 5/5.
Gull Bay First Nation - nơi y tá đầu tiên được chính phủ Canada cử đến cách đây hơn một tuần và 2 người khác theo dự kiến sẽ được cử đến trong những ngày tới - có 7 trường hợp nhiễm COVID-19.
Tuy nhiên, theo dự đoán, số ca nhiễm tại khu vực này sẽ còn tăng lên.
Đội ngũ điều dưỡng hiện đang ở Gull Bay, bao gồm 2 người đã đóng quân ở đó, đang tiến hành thử nghiệm và chăm sóc cho những người bị bệnh.
Sự bùng phát trong cộng đồng dân cư bản địa là nguyên nhân gây lo ngại cho các quan chức y tế công cộng ở Canada, do tỷ lệ cao các vấn đề đã xảy ra đối với các khu bảo tồn Canada, như thiếu nước uống sạch và khủng hoảng nhà ở.
Điều đó làm cho các yêu cầu quan trọng về sức khỏe cộng đồng - rửa tay thường xuyên và giãn cách xã hội – trở thành một thách thức cấp bách. Nhiều cộng đồng, như Gull Bay, thường bị cô lập và không có bệnh viện.
Bác sĩ Theresa Tam, Giám đốc Cơ quan Y tế Canada cho biết: “Đại dịch này đã cho thấy sự mong manh của một số khu vực dân cư”.
Mỹ có thể giải tán nhóm chuyên trách chống COVID-19
Dẫn nguồn nội bộ Nhà Trắng, đài CNN cho biết nhóm chuyên trách chống dịch COVID-19 có thể sẽ giải tán trong thời gian tới khi Mỹ chuẩn bị mở cửa lại nền kinh tế.
Về thời gian giải tán, các nhà lãnh đạo Mỹ hiện đang bàn bạc nhưng đến nay chưa có thời điểm cụ thể.
Theo CNN, việc giải tán nhóm chuyên trách chống dịch không đồng nghĩa với việc sa thải tất cả chuyên gia mà một số người vẫn sẽ tiếp tục cố vấn cho các nhà chức trách Mỹ.
Brazil tăng hơn 6.000 ca nhiễm mới – mức tăng kỷ lục trong 1 ngày
Theo trang thống kê Worldometer đến sáng 6/5 (giờ Việt Nam), Brazil trong 24 giờ qua đã xác nhận 6.449 ca nhiễm COVID-19 mới và có thêm 528 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong tại nước này lên lần lượt là 114.715 và 7.921.
Theo Hãng tin Reuters, Sao Luis sẽ là thành phố lớn đầu tiên ở Brazil ban hành lệnh phong toả từ ngày 5/5 đến hết ngày 14/5 (giờ địa phương) để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19.
Cập nhật lúc 6h ngày 6/5/2020:
*Thế giới: 3.660.055 người mắc; 252.675 người tử vong, trong đó:
- Mỹ: 1.212.955 người mắc; 69.925 người tử vong.
- Tây Ban Nha: 248.301 người mắc; 25.428 người tử vong.
- Ý: 211.938 người mắc; 29.079 người tử vong.
- Anh: 190.584 người mắc; 28.734 người tử vong.
*Việt Nam: 271 trường hợp mắc COVID -19.
Đến 6h ngày 6/5, không ghi nhận ca mắc mới COVID-19.
Tổng cộng 232 người đã được chữa khỏi. Trong đó:
16 bệnh nhân mắc COVID-19 (tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2) đã được chữa khỏi (giai đoạn 1).
216 bệnh nhân mắc COVID-19 (tính từ ngày 6/3 đến ngày 5/5) được chữa khỏi (giai đoạn 2)