Trung Quốc: Ca nhiễm tăng gấp đôi lên 78 người, chủ yếu là ca “nhập khẩu”
Trung Quốc đại lục đã chứng kiến sự gia tăng gấp đôi trong các trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 gây dịch bệnh COVID-19 do sự gia tăng nhảy vọt của những du khách bị nhiễm bệnh đến từ nước ngoài. Trong khi đó, các ca nhiễm lây truyền tại địa phương cũng bắt đầu xuất hiện lại, trong đó có một ca ở thành phố Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc.
Theo Hãng tin Reuters, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết, tính đến hết ngày 23/3, Trung Quốc đã có 78 ca nhiễm mới, tăng gấp hai lần so với một ngày trước đó.
Trong số các ca nhiễm mới, có 74 ca nhiễm “nhập khẩu”, tăng từ 39 ca ngày trước đó.
Một nhân viên bảo vệ đeo khẩu trang tại công viên trong thời điểm dịch COVID-19, tại Bắc Kinh, Trung Quốc vào ngày 23/3/2020. Ảnh: REUTERS / Thomas Peter |
“Vũ Hán, thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc và tâm điểm của dịch COVID-19 ở Trung Quốc đã xác nhận một trường hợp mới”, Ủy ban Y tế Quốc gia cho biết vào ngày 24/3 sau 5 ngày không có ca nhiễm mới.
3 ca nhiễm địa phương khác đã được xác nhận ở những nơi khác của Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ có thể mở cửa trở lại các doanh nghiệp dù COVID-19 vẫn bùng phát
Ngày 23/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, ông đang xem xét làm thế nào để mở cửa trở lại các doanh nghiệp của Mỹ khi dừng hoạt động 15 ngày vào tuần tới ngay cả khi trong bối cảnh dịch COVID-19 đang lan rộng nhanh chóng.
Phát biểu tại một cuộc họp báo tại Nhà Trắng, ông Trump cho biết: “Người Mỹ sẽ sớm trở lại hoạt động kinh doanh. Chúng ta sẽ không để nó biến thành vấn đề tài chính lâu dài”.
Tuần trước, Tổng thống Trump đã ban hành các hướng dẫn nhằm mục đích làm chậm sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 trong 15 ngày, bao gồm cả việc hạn chế đi lại không cần thiết. Trong khi đó, hoạt động kinh tế đã dừng lại ở một số bang.
Tuy nhiên, khi chứng kiến nhiều công việc bị gián đoạn và thị trường chứng khoán giảm mạnh, ông Trump đã bày tỏ sự lo lắng với các trợ lý và đồng minh về tác động của biện pháp đóng cửa và hạn chế đi lại đối với tình hình lâu dài của nền kinh tế.
Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại cuộc họp báo về COVID-19 hàng ngày tại Nhà Trắng ở Washington, Mỹ vào ngày 23/3/2020. Ảnh: REUTERS / Jonathan Ernst |
Trả lời báo chí, ông Trump cho biết có thể tiếp tục các hoạt động kinh tế ở các bang của Mỹ có số ca nhiễm COVID-19 tương đối thấp, như Nebraska, Idaho và Iowa, trong khi tiếp tục làm việc tại các khu vực nóng ở các bang khác như New York.
Trong một diễn biến khác, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết một cuộc thử nghiệm lâm sàng về điều trị bệnh COVID-19 sẽ sớm bắt đầu tại New York. Theo ông, việc kết hợp thuốc trị sốt rét hydroxychloroquine và thuốc kháng sinh azithromycin có thể giúp trị được bệnh này.
"Các cuộc thử nghiệm lâm sàng với những loại thuốc hiện có giúp đối phó hiệu quả với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 sẽ bắt đầu tại New York. Mỹ có 10.000 đơn vị và sẽ tiến hành thử nghiệm trong ngày 24/3" – Tổng thống Trump tuyên bố.
Theo trang Worldometers, tại Mỹ, số ca nhiễm đã tăng thêm 9.883 ca trong ngày 23/3, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 43.449 ca. Số ca tử vong cũng tăng thêm 132 ca, nâng tổng số người chết vì COVID-19 tại Mỹ lên 545. Cho đến nay, Mỹ là quốc gia có số ca nhiễm cao thứ ba thế giới, sau Trung Quốc và Ý.
New Zealand xác nhận 40 ca nhiễm mới
Ngày 24/3, New Zealand xác nhận 40 trường hợp nhiễm COVID-19 mới, nâng tổng số ca nhiễm và có khả năng nhiễm lên 155.
Mọi người chuyển hàng hóa từ xe mua hàng của siêu thị vào xe của họ bên ngoài siêu thị Pak'nave trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng ở thành phố Christchurch, New Zealand vào ngày 23/3/2020. Ảnh: REUTERS / Martin Hunter
Phát biểu tại một cuộc họp báo, Tổng Giám đốc Cơ quan Y tế thuộc Bộ Y tế New Zealand, ông Ashley Bloomfield cho biết 6 người hiện đang ở trong bệnh viện và trong tình trạng ổn định.
4 trong tổng số các ca bệnh bị nhiễm COVID-19 là do lây truyền trong cộng đồng. Cho đến nay, New Zealand không có trường hợp nào tử vong vì COVID-19.
Cập nhật các ca nhiễm và tử vong tại một số quốc gia khác
Dẫn thông tin từ nhà chức trách Ý, Hãng tin Reuters đưa tin, số ca tử vong do COVID-19 ở nước này đã tăng thêm 602 ca trong ngày 23/3, nâng tổng số ca tử vong lên 6.078. Trong khi đó, tổng số ca nhiễm ở Ý đã tăng từ 59.138 ca lên 63.927 ca, mức tăng khoảng 8%.
Hàn Quốc xác nhận thêm 76 ca nhiễm, nâng tổng số ca lên 9.037, trong đó 118 ca tử vong.
Thái Lan có ca tử vong thứ hai vì COVID-19 và 721 ca nhiễm.
Tại Mexico, ngày 24/3, Thứ trưởng Bộ Y tế nước này thông báo số ca nhiễm tăng lên 367 và 4 ca tử vong.
Tại Anh, có thêm 54 ca tử vong trong ngày 23/3, nâng tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại nước này lên 335 ca. Số ca nhiễm cung tăng từ 5.683 lên 6.650 ca trong ngày 23/3.
Thổ Nhĩ Kỳ xác nhận số ca tử vong tăng lên đến 37 ca, trong đó có 7 ca mới trong ngày 23/3; số ca nhiễm tăng thêm 293, nâng tổng số người nhiễm lên 1.529.
Ngày 23/3, Ai Cập ghi nhận thêm 5 ca tử vong mới trong ngày 23/3, nâng tổng số ca tử vong do COVID-19 lên 19 ca, trong đó có một ca tử vong là một quan chức quân đội cấp cao của Ai Cập. Số ca nhiễm ở nước này tăng thêm 39 ca, lên 366.
Để ngăn sự lây lan của COVID-19, lệnh phong tỏa toàn quốc đã được áp dụng tại Nam Phi trong 21 ngày kể từ nửa đêm 26/3. Nước này ghi nhận 128 ca nhiễm mới trong ngày 23/3, nâng tổng số ca nhiễm lên 402.
WHO cảnh báo dùng thuốc chữa trị COVID-19 chưa qua thử nghiệm
Ngày 23/3, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo việc sử dụng các loại thuốc chưa được thử nghiệm để chữa trị COVID-19 mà không có bằng chứng về tính hiệu quả có thể gây nguy hiểm và tạo ra những hy vọng “ảo”.
Phát biểu trước báo giới, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh: "Việc sử dụng những loại thuốc chưa được thử nghiệm mà không có bằng chứng đúng đắn có thể tạo ra sự kỳ vọng giả tạo và gây tác hại. Đồng thời, nó cũng gây thiếu hụt các loại thuốc cần thiết để chữa trị những bệnh khác”.
Theo cập nhật tình hình dịch bệnh COVID-19 của Bộ Y tế Việt Nam, tính đến 8h00 sáng 24/3/2020, trên toàn cầu đã có 378.557 người mắc và 16.495 người tử vong.
Tại Việt Nam, đã có 123 trường hợp mắc COVID-19. Trong đó: 16 người mắc COVID-19 (tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2) đã được chữa khỏi bệnh hoàn toàn (giai đoạn 1); 1 bệnh nhân (BN18) mắc COVID-19 (tính từ ngày 6/3 đến 20/3) được chữa khỏi (giai đoạn 2).