Ý: 627 người tử vong, người cao tuổi có nguy cơ cao
Ngày 20/3, giới chức trách Ý cho biết số người chết vì dịch COVID-19 tại Ý đã tăng thêm 627 người, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 4.032, tăng 18,4%. Đây là con số thể hiện sự gia tăng lớn nhất trong ngày về mặt tuyệt đối kể từ khi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện tại nước này một tháng trước.
Trước đó, ngày 19/3, Ý đã vượt qua Trung Quốc về số ca tử vong vì COVID-19.
Theo Cơ quan Bảo vệ Dân sự Ý, tổng số ca nhiễm tại Ý đã tăng lên 47.021 so với 41.035 trước đó, tăng 14,6%.
Trong phân tích đầy đủ nhất về “ổ dịch” được công bố, Viện y tế quốc gia Ý (ISS) cho biết tuổi trung bình của những người chết là 78,5 tuổi, với nạn nhân nhỏ tuổi nhất 31 tuổi và già nhất là 103 tuổi. Tuổi trung bình là 80.
Khoảng 41% tất cả những người đã chết ở độ tuổi từ 80-89, với nhóm tuổi từ 70-79 chiếm thêm 35%.
Ý có dân số già nhất thế giới sau Nhật Bản, với khoảng 23% người trên 65 tuổi. Các chuyên gia y tế cho biết những thống kê dân số này có thể giải thích tại sao số người chết ở đây cao hơn nhiều so với bất kỳ nơi nào khác trên thế giới.
Báo cáo của ISS, dựa trên khảo sát về 3.200 người chết vì COVID-19 cho biết nam giới chiếm 70,6% số người chết và phụ nữ chiếm 29,4%. Độ tuổi trung bình đối với phụ nữ đã chết là 82 so với 79 đối với nam giới.
Tuổi trung bình của những người có kết quả dương tính với COVID-19 là 63.
Toàn cảnh một con đường vắng vẻ vì COVID-19 tại trung tâm thành phố Brasilia, Brazil, ngày 20/3/2020. Ảnh: REUTERS / Adriano Machado |
Một phân tích sâu hơn về 480 người đã chết cho thấy gần như 99% trong số họ có tiền sử bệnh nền trước khi nhiễm virus. Khoảng 48,6% có 3 hoặc nhiều bệnh lý trước đó.
Tổng cộng có 73,8% bị huyết áp cao, 34% mắc bệnh tiểu đường và 30,1% mắc bệnh tim.
Khi được đưa vào bệnh viện, 76% người bị sốt, 73% bị khó thở, 40% bị ho và 8% bị tiêu chảy.
Thời gian trung bình từ khi xuất hiện các triệu chứng đầu tiên và cái chết sau đó là 8 ngày, với thời gian trung bình ở bệnh viện chỉ là 4 ngày.
Trong số 3.200 ca tử vong nằm trong cuộc khảo sát, chỉ có 9 người ở độ tuổi dưới 40, tất cả trừ một trong số họ là đàn ông.
Cuba cấm du khách nước ngoài vào nước trong một tháng
“Nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh COVID-19 ở Cuba, quốc đảo vùng Caribe này sẽ cấm du khách nước ngoài vào nước trong một tháng kể từ ngày 24/3”, Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel cho biết vào ngày 20/3.
Tuy nhiên, phát biểu tại một hội nghị trên truyền hình, ông Miguel Diaz-Canel cho biết: “Cuba sẽ tiếp tục cho phép người Cuba và cư dân nước ngoài vào nước, nhưng họ sẽ phải cách ly trong 14 ngày tại một tổ chức vệ sinh khi đến nơi”.
Cuba là một trong những quốc gia cuối cùng vùng Caribe thực thi lệnh đóng cửa biên giới vì dịch bệnh COVID-19.
Du lịch là một trong những ngành tạo thu nhập lớn nhất ở Cuba nhưng lượng khách đến nước này đã bắt đầu giảm trong những ngày gần đây.
“Các máy bay vốn chủ yếu đến đón khách du lịch hiện có nhiều chuyến rất vắng, tương tự những chuyến đến từ Canada”, Thủ tướng Cuba Manuel Marrero nói và cho biết có thể tất cả các khách sạn sẽ đóng cửa.
Số ca mắc COVID-19 ở Cuba đã tăng lên 21 người tính đến ngày 20/3, trong đó có 10 ca từ nước ngoài. Theo Bộ Y tế Cuba, nước này hiện có 716 người nhập viện vì nghi ngờ mắc bệnh.
Một du khách người Ý - 61 tuổi, một trong những trường hợp đầu tiên nhiễm COVID-19 ở Cuba vào 9 ngày trước cũng là trường hợp tử vong đầu tiên do COVID-19 trong tuần này.
Ông Diaz-Canel kêu gọi người Cuba tránh tụ họp, không đi phương tiện giao thông công cộng vào giờ cao điểm và hủy bỏ các chuyến đi không cần thiết.
Chủ tịch Diaz-Canel cho biết Cuba có thể áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt hơn trong những ngày tới hoặc thậm chí vài giờ tới, tùy thuộc vào sự lây lan của virus.
Bộ trưởng Thương mại nội địa Cuba Betsy Diaz cho biết 151 xưởng hiện đang sản xuất khẩu trang và kêu gọi công dân hỗ trợ sản xuất bằng cách đóng góp vải. Nhiều người Cuba cũng đang tự làm khẩu trang tại nhà.
New York: Đóng cửa các tiệm làm tóc, móng; các cửa hàng rượu vẫn được hoạt động
Nhiều quán bar ở thành phố New York, Mỹ đã đóng cửa kể từ ngày 17/3 khi Thị trưởng thành phố New York, Bill de Blasio yêu cầu tất cả các nhà hàng phải đóng cửa và dừng các hoạt động ban đêm ngoại trừ mua mang đi và giao hàng.
Ngày 20/3, Thống đốc bang New York Andrew Cuomo đã ban hành lệnh hành pháp bắt buộc tất cả lực lượng lao động không thiết yếu phải ở nhà và tất cả các doanh nghiệp không thiết yếu phải đóng cửa. Các doanh nghiệp thiết yếu bao gồm bệnh viện, nhà thuốc, cửa hàng tạp hóa và cơ quan truyền thông.
Ibrahim Yacop, 36 tuổi, chủ sở hữu của 7 Days Alcoholor, bán bia cho một khách hàng trong thời dịch COVID-19 tại Glendale, California, Mỹ vào ngày 18/3/2020. Ảnh: REUTERS / Lucy Nicholson |
Các cửa hàng rượu không nằm trong danh sách thông báo trên, nhưng Hiệp hội rượu bang New York đã nhanh chóng làm rõ trong bài đăng trên trang web của Hiệp hội: “Các cửa hàng rượu là một doanh nghiệp thiết yếu và có thể vẫn mở. Các cửa hàng này không cần phải giảm lực lượng lao động”.
Trong khi đó, theo một bản tin trên trang web của thống đốc bang New York, tiệm cắt tóc, làm tóc, tiệm xăm và tiệm làm móng phải đóng cửa kể từ 8 giờ tối 21/3 để tránh tiếp xúc gần làm lây lan virus gây bệnh COVID-19.
New Zealand: Trường học vẫn mở cửa, hạn chế di chuyển
Ngày 21/3, Thủ tướng New Zealand, bà Jacinda Ardern kêu gọi người dân hạn chế việc đi lại không cần thiết trong nước và yêu cầu người dân lớn tuổi ở nhà nhằm chống lại sự lây lan của virus gây bệnh COVID-19.
Phát biểu trên truyền hình, bà Jacinda Ardern, nhà lãnh đạo 39 tuổi cho biết bà sẽ để các trường học mở cửa – một chính sách tương tự được áp dụng ở nước láng giềng Australia.
“New Zealand sẽ đóng cửa trường học nếu có một trường hợp ảnh hưởng đến một trường học, như chúng tôi đã làm cho đến nay”, bà Ardern công bố.
Thông báo về một hệ thống cảnh báo mới, bà Ardern cho biết New Zealand đã ở cấp độ hai, nơi chứa virus nhưng rủi ro đang gia tăng do có nhiều ca nhiễm hơn. Bà kêu gọi những người trên 70 tuổi ở trong nhà.
Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern phát biểu trong một cuộc họp báo tại thành phố Christchurch, New Zealand vào ngày 13/3/2020. Ảnh: REUTERS / Martin Hunter |
Trước đó, Tổng Giám đốc Cơ quan Y tế thuộc Bộ Y tế New Zealand, ông Ashley Bloomfield cho biết có 14 trường hợp mới mắc COVID-19 tại quốc gia này trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 53 người.
Theo Reuters, mặc dù các chính sách được ban hành ở New Zealand và Australia là chưa từng có ở đó, và bao gồm lệnh cấm người không cư trú, nhưng chúng ít nghiêm ngặt hơn các biện pháp được áp dụng ở các khu vực thuộc Châu Âu và Bắc Mỹ - những nơi hiện có tỷ lệ lây nhiễm cao hơn và đang phong tỏa.
New Zealand và Australia cũng là “cửa ngõ” vào các đảo nhỏ ở Thái Bình Dương, hiện đang bắt đầu đương đầu với dịch bệnh COVID-19. Polynesia thuộc Pháp và đảo Guam là một trong những quốc đảo bị ảnh hưởng nặng nề nhất ở Thái Bình Dương, trong khi đó, Fiji và New Caledonia cũng đã ghi nhận các trường hợp nhiễm COVID-19.
Theo thống kê tình hình dịch bệnh COVID-19 của Bộ Y tế Việt Nam, tính đến 8 giờ sáng 21/3, thế giới ghi nhận 275.132 người mắc, 11.377 người tử vong. Trong đó, lục địa Trung Quốc có 80.977 người mắc và 3.249 người tử vong; 184 quốc gia và vùng lãnh thổ bên ngoài Trung Quốc xác nhận 194.155 ca nhiễm và 8.128 ca tử vong.
Riêng tại Việt Nam, đã có 91 trường hợp mắc COVID-19. Trong đó, 16 người mắc (tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2) đã được chữa khỏi bệnh hoàn toàn (giai đoạn 1) và 1 bệnh nhân (BN18) mắc bệnh (tính từ ngày 6/3 đến 20/3) được chữa khỏi (giai đoạn 2).