Cập nhật tình hình dịch COVID-19 sáng 1/5: LHQ huy động các chuyến bay viện trợ đến các nước đang phát triển

Mai Đan| 01/05/2020 08:45

(TN&MT) - Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) của Liên hợp quốc (LHQ) ngày 30/4 đã gửi một chiếc máy bay đầu tiên chứa nhiều vật tư y tế cho các quốc gia đang phát triển đặc biệt dễ bị tổn thương bởi đại dịch COVID-19, và hướng đến tăng cường dịch vụ cho 350 chuyến bay mỗi tháng.

WFP đã chọn 9 sân bay trên khắp thế giới để tham gia vào cây cầu hàng không nhân đạo đặc biệt, nơi cũng sẽ có tới 350 chuyến bay chở khách mỗi tháng để vận chuyển các đội y tế và nhân đạo từ đầu tháng 5.

Một chuyến bay chở hàng của Boeing 757 rời sân bay Liege của Bỉ vào tối 30/4 chứa 16 tấn vật tư y tế, bao gồm khẩu trang, găng tay, thuốc và ống tiêm cho quốc gia Burkina Faso của Tây Phi.

Ông Amer Daoudi, Giám đốc hoạt động cấp cao của Chương trình Lương thực Thế giới cho biết: “Chúng tôi cần năng lực để phục vụ nhiều quốc gia mong manh trên toàn cầu. Cây cầu hàng không này sẽ bao phủ gần 120 quốc gia”.

Ông Daoudi dự tính các chuyến bay sẽ hoạt động trong khoảng 3-4 tháng, nhưng có thể được gia hạn. Vận tải hàng không sẽ bị ngừng hoạt động nếu các phương án thương mại khả thi trở lại.

Một công nhân chuẩn bị chuyển vật tư y tế lên một chiếc máy bay chở hàng được WFP huy động để chở các thiết bị này đến các nước đang phát triển bị ảnh hưởng bởi COVID-19, tại sân bay Liege, Bỉ vào ngày 30/4/2020. Ảnh: Reuters

Công tác vận chuyển tất cả nhân viên y tế nhân đạo và hàng hóa sẽ luôn được đảm bảo. Các chuyến bay phục vụ trong ngày 29/4 sẽ dành cho Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) của LHQ và Ủy ban Chữ thập đỏ Quốc tế (ICRC) tại Burkina Faso.

Các sân bay trung tâm khác là Accra, Addis Ababa, Quảng Châu, Johannesburg, Thành phố Panama, Thượng Hải, Subang và 2 sân bay ở Dubai.

Sân bay Liege, tập trung nhiều vào hàng hóa, vận chuyển 902.480 tấn hàng hóa vào năm 2019, một kỷ lục mới và chở gần 200.000 hành khách. Sân bay này có một trung tâm phân loại FedEx/TNT lớn.

Thủ tướng Johnson: Anh đã vượt qua đỉnh dịch, cam kết kế hoạch dỡ bỏ phong tỏa

Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 30/4 cho biết nước Anh đã vượt qua đỉnh điểm bùng phát dịch bệnh COVID-19 và cam kết sẽ đưa ra kế hoạch vào tuần tới về việc nước này có thể bắt đầu dần trở lại cuộc sống bình thường như thế nào.

Trong cuộc họp báo đầu tiên kể từ khi hồi phục sau đợt nhiễm COVID-19 nghiêm trọng, Thủ tướng Johnson đã tìm cách mang lại hy vọng cho người Anh, nhưng thúc giục họ tuân thủ các hạn chế phong tỏa đang cản trở sinh kế và nền kinh tế.

“Hôm nay tôi có thể xác nhận rằng lần đầu tiên, chúng ta đã vượt qua đỉnh điểm của căn bệnh này. Chúng ta đã vượt qua đỉnh và chúng ta đã lên dốc và có rất nhiều lý do để hy vọng về lâu dài”, ông Johnson khẳng định.

Anh có số người chết vì COVID-19 chính thức cao thứ hai ở châu Âu với 26.771 người chết.

Thủ tướng Anh Boris Johnson phát biểu trong cuộc họp báo hàng ngày về tình hình dịch COVID-19 tại số 10 phố Downing ở London, Anh vào ngày 30/4/2020

Điều đó đã gây áp lực lên chính phủ về phản ứng ban đầu của họ đối với dịch bệnh và thông báo cách tiếp cận thận trọng của Anh đối với việc dỡ bỏ hạn chế đề phòng sự gia tăng ca nhiễm lần thứ hai.

Thủ tướng Johnson cho biết số người chết có thể còn tồi tệ hơn rất nhiều.

Theo ông, nhờ vào nỗ lực tập thể to lớn đó của Dịch vụ y tế quốc gia Anh (NHS) mà đất nước đã tránh được một dịch bệnh không thể kiểm soát và thảm khốc, trong đó kịch bản tồi tệ nhất là 500.000 ca tử vong.

Dưới áp lực phải vạch ra một chiến lược dỡ bỏ phong tỏa, ông Johnson cam kết trong tuần tới sẽ đưa ra biện pháp nới lỏng các hạn chế, nhưng cho biết ngày chính xác của bất kỳ thay đổi nào sẽ được giới khoa học đưa ra lời khuyên.

Đường cong dịch COVID-19 của Canada đã phẳng nhưng xu hướng đáng lo ngại xuất hiện

“Đường cong biểu đồ dịch bệnh COVID-19 của Canada được san phẳng nhưng xu hướng đáng lo ngại xuất hiện, đặc biệt là sự bùng phát trong các cộng đồng bản địa dễ bị tổn thương”, nhân viên y tế hàng đầu của Canada cho biết trong ngày 30/4.

Số người chết hàng ngày ở Canada đã tăng lên hơn 10% chỉ một lần trong 11 ngày qua. Dữ liệu chính thức ngày 30/4 cho thấy tổng số người chết vì COVID-19 tăng 6% lên 3.082 trong một ngày.

“Đường cong biểu đồ dịch bệnh COVID-19 của Canada bị san phẳng… nhưng chúng ta phải rất thận trọng trong quãng sau của biểu đồ này”, bà Theresa Tam, Giám đốc y tế công cộng của Canada phát biểu tại một cuộc họp ngắn.

Bà cảnh báo về sự lây truyền đáng lo ngại đang xuất hiện, trích dẫn các trường hợp gia tăng ở các cộng đồng thổ dân xa xôi ở khoảng 10 tỉnh của Canada.

Các quan chức y tế cho rằng virus lây lan nhanh chóng trong môi trường thường là nơi tập trung những người dễ bị tổn thương, chẳng hạn như nhà ở của người cao niên, nhà tù và các khu vực xa xôi của đất nước, nơi chăm sóc sức khỏe còn rời rạc.

Con số cho những người được chẩn đoán nhiễm COVID-19 đã tăng lên 52.056. Ngày 29/4, đã có 2.904 người chết và 50.373 có kết quả xét nghiệm dương tính.

Quebec là tâm dịch của Canada, chiếm hơn một nửa số người chết trên đất nước, phần lớn là do nhiễm bệnh tại viện dưỡng lão.

Francois Legault - Thủ hiến bang Quebec cho biết 4.400 người hiện đang bị nhiễm bệnh tại các viện dưỡng lão.

Nhân viên y tế tỉnh thực hiện xét nghiệm bệnh COVID-19 đối với cư dân của cộng đồng First Nations xa xôi của Gull Bay, Ontario, Canada vào ngày 27/4/2020. Ảnh: Reuters

Xét nghiệm trên toàn tỉnh này theo dự đoán ​​sẽ tăng từ 6.000 một ngày lên 14.500 một ngày, bắt đầu từ tuần tới.

Tỉnh Alberta của Canada công bố kế hoạch mở lại nền kinh tế dần dần, bắt đầu vào ngày thứ 2 với một số ca phẫu thuật không khẩn cấp, sân golf và dịch vụ như vật lý trị liệu và nhân viên xã hội.

Giai đoạn tiếp theo bắt đầu sớm nhất là vào ngày 14/5, mở lại các doanh nghiệp bán lẻ, tiệm làm tóc, nhà trẻ và nhà hàng.

Alberta chưa ấn định ngày mở cửa lại trường học.

“Chúng tôi sẽ tiến về phía trước cùng với sự quan tâm và ý thức chung với nhận thức rằng thời điểm khó khăn vẫn còn ở phía trước”, Thủ hiến Jason Kenney của bang Alberta cho biết.

Ontario, nơi chưa ấn định ngày khởi động lại nền kinh tế, đã ban hành hơn 60 hướng dẫn cho các doanh nghiệp khi họ mở cửa trở lại, từ các rào cản để duy trì khoảng cách vật lý và thanh tra lao động bổ sung để đảm bảo tuân thủ.

“Chúng ta cần tiếp tục chứng kiến ​​đường cong phẳng, không chỉ trong vài ngày mà trong vài tuần”, ông Doug Ford, Thủ hiến bang Ontario nói với các phóng viên.

Cập nhật lúc 8h ngày 1/5/2020:

*Thế giới: 3.205.806 người mắc; 233.966 người tử vong, trong đó:

- Mỹ: 1.095.019 người mắc; 63.856 người tử vong.

- Tây Ban Nha: 239.639 người mắc; 24.543 người tử vong.

- Ý: 205.463 người mắc; 27.967 người tử vong. 

- Pháp: 167.178 người mắc; 24.376 người tử vong.

*Việt Nam: 270 trường hợp mắc COVID -19.

Đến 6h00 ngày 1/5, không ghi nhận ca mắc mới COVID-19.

Tổng cộng 219 người đã được chữa khỏi. Trong đó:

16 bệnh nhân mắc COVID-19 (tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2) đã được chữa khỏi (giai đoạn 1).

203 bệnh nhân mắc COVID-19 (tính từ ngày 6/3 đến ngày 28/4) được chữa khỏi (giai đoạn 2) 

Theo Tổng hợp từ Reuters & CNN
Copy Link
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cập nhật tình hình dịch COVID-19 sáng 1/5: LHQ huy động các chuyến bay viện trợ đến các nước đang phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO