Mỹ: Số ca nhiễm vượt quá 100.000
Ngày 27/3, các bác sĩ và y tá ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng virus corona ở Mỹ đã kêu gọi để có thêm thiết bị bảo vệ điều trị cho các bệnh nhân trong bối cảnh số ca nhiễm COVID-19 tại Ý đã vượt quá 100.000, với hơn 1.500 người chết.
Các bác sĩ đã kêu gọi sự chú ý đến nhu cầu về máy thở bổ sung - máy móc giúp bệnh nhân thở và rất cần thiết cho những người mắc bệnh COVID-19.
Các bệnh viện ở thành phố New York, New Orleans, Detroit và các điểm nóng về virus khác cũng đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự khan hiếm thuốc, vật tư y tế và nhân viên được đào tạo khi số ca nhiễm mới tăng 15.000 người vào ngày 27/3.
Con số này đã giảm nhẹ so với hơn 16.000 trường hợp nhiễm mới trong ngày 26/3, mức tăng mạnh nhất trong một ngày ở Mỹ cho đến nay, nhưng vẫn khiến Mỹ trở thành nước dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm bệnh COVID-19, vượt qua Trung Quốc và Ý trong ngày 26/3.
“Chúng tôi rất sợ hãi. Chúng tôi đang cố gắng chiến đấu vì những người khác, nhưng chúng tôi cũng chiến đấu vì cuộc sống của chính mình, vì chúng tôi cũng có nguy cơ bị nhiễm bệnh cao nhất” - bác sĩ Arabia Mollette thuộc Trung tâm Y tế Bệnh viện Brookdale ở Brooklyn (Mỹ) cho biết.
Nhân viên y tế Brian Myers đeo khẩu trang và găng tay bảo vệ chuyển một bệnh nhân nhiễm COVID-19 ở Shawnee, Oklahoma, Mỹ vào ngày 26/3/2020. Ảnh: Reuters |
Theo một dữ liệu chính thức của Reuters, Mỹ xếp thứ 6 về số người chết trong số các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất, với ít nhất 1.551 người thiệt mạng.
Một bác sĩ phòng cấp cứu ở Michigan, một tâm chấn mới của đại dịch cho biết ông đã sử dụng một khẩu trang giấy cho toàn bộ ca do thiếu hụt và các bệnh viện ở khu vực Detroit sẽ sớm hết máy thở.
Ý: Thêm 919 ca tử vong do COVID-19, tăng cao nhất từ khi dịch bùng phát
Ngày 27/3, Cơ quan Bảo vệ Dân sự Ý cho biết số người chết vì dịch COVID-19 tại nước này đã tăng thêm 919 người, nâng tổng số ca tử vong tại nước này lên 9.134 – số ca tử vong hàng ngày cao nhất kể từ khi dịch bệnh bắt đầu vào ngày 21/2.
Trước đó, số ca tử vong tại Ý vào ngày 26/3 là 712, ngày 25/3 là 683, ngày 24/3 là 743 và ngày 23/3 là 602.
Trước ngày 27/3, con số tử vong lớn nhất hàng ngày đã được thông báo vào ngày 21/3, với 793 người chết.
Tổng số ca nhiễm tại Ý đã tăng lên 86.498 so với 80.539 của một ngày trước đó, vượt qua Trung Quốc - nơi dịch bệnh COVID-19 xuất hiện vào cuối năm ngoái.
Tại Mỹ, tổng số ca nhiễm cũng “vượt mặt” Trung Quốc vào ngày 26/3.
Một người đàn ông đeo khẩu trang đi bộ trên đường phố ở Bari trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 lan rộng tại Bari, Ý vào ngày 27/3/2020. Ảnh: Reuters |
Tại Ý, trong số những người nhiễm bệnh ban đầu trên toàn quốc, 10.950 đã hồi phục hoàn toàn vào ngày 27/3, so với 10.361 một ngày trước. Cùng ngày, có 3.732 người được chăm sóc đặc biệt so với 3.612 vào ngày 26/3.
Ngày 27/3, khu vực Lombardy, phía Bắc nước Ý chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19 đã xác nhận tỷ lệ tử vong tăng cao so với một ngày trước và vẫn trong tình trạng nguy kịch, với tổng số 5.302 người chết và 37.298 ca nhiễm.
Trước đó, ngày 26/3, tại khu vực này, số ca tử vong và nhiễm bệnh lần lượt là 4.861 và 34.889.
Nam Phi phong tỏa khi ghi nhận ca tử vong đầu tiên
Đường phố nhộn nhịp và dòng người xếp hàng dài tại các siêu thị đã thúc giục Nam Phi ban bố lệnh phong tỏa đất nước vào ngày 27/3, khi nước này ghi nhận ca tử vong đầu tiên vì COVID-19.
Tại thị trấn nghèo Alexandra gần khu tài chính của thành phố Johannesburg, một nhóm đàn ông đã uống rượu công khai trên đường cho đến khi cảnh sát can thiệp và ra lệnh cho các siêu thị đóng cửa.
“Làm thế nào bạn có thể ở nhà mà không có thức ăn? Lý do chúng tôi ở đây là vì chúng tôi đói”, cư dân của thị trấn Alexandra, Linda Songelwa nói với Reuters.
Lệnh phong tỏa 21 ngày ở Nam Phi hạn chế mọi người rời khỏi nhà của họ, chỉ cho phép họ ra ngoài để mua thức ăn hoặc trong các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe.
Trong bối cảnh các cửa hàng, nhà hàng và văn phòng đóng cửa và số ca nhiễm COVID-19 tại Nam Phi tăng lên tới 1.170 người, đường phố ở những khu vực giàu có của thành phố Johannesburg dường như yên tĩnh hơn bình thường.
Các thị trấn, nơi mọi người dựa vào một hệ thống y tế công cộng yếu kém, là nơi tạo điều kiện cho virus corona phát triển. Nhiều người dân quá nghèo để vượt qua giai đoạn suy thoái kinh tế liên quan và thiếu tiền để dự trữ thực phẩm đầy đủ.
Hình ảnh các binh sĩ và một cảnh sát tại các lán khi các nhà chức trách cố gắng thực thi lệnh đóng cửa toàn quốc trong 21 ngày nhằm hạn chế sự lây lan của dịch bệnh COVID-19, tại thị trấn Khayelitsha ở Cape Town, Nam Phi vào ngày 27/3/2020. Ảnh: Reuters |
Tướng Bheki Cele, Bộ trưởng Cảnh sát Nam Phi cho biết đã có một vài vấn đề về việc đóng cửa đất nước, kể cả ở Alexandra và những nơi mọi người không quan tâm đến khoảng cách xã hội khi xếp hàng dài tại các cửa hàng.
“Thậm chí, có những người xếp hàng không phải để mua sắm mà chỉ vì muốn đi chơi... Vì vậy, chúng tôi đang sàng lọc tất cả những trường hợp đó, và dĩ nhiên việc đó không hề dễ dàng” - Tướng Bheki Cele nhấn mạnh.
Bộ Y tế Nam Phi ngày 27/3 cho biết một người đã chết vì COVID-19, trong khi 4 bệnh nhân đang được chăm sóc đặc biệt, với 3 người thở máy. Chính phủ nước này đang tăng cường các cuộc xét nghiệm.
WB và IMF kêu gọi xóa nợ cho các nước nghèo bị COVID-19 tấn công
Người đứng đầu Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass và Quỹ Tiền tệ Quốc (IMF) tế trong ngày 27/3 đã nhấn mạnh sự cần thiết phải giảm nợ cho các nước nghèo hơn do đại dịch COVID-19, và các chủ nợ song phương chính thức sẽ phải đóng một vai trò lớn.
IMF và WB đều đã triển khai các chương trình khẩn cấp để cung cấp các khoản tài trợ và cho vay đối với các nước thành viên, tập trung mạnh vào các nước đang phát triển và các thị trường mới nổi, một số trong đó đã bị khủng hoảng nợ. Họ cũng đã kêu gọi các chủ nợ song phương chính thức cung cấp các khoản nợ ngay lập tức cho các nước nghèo nhất thế giới.
“Các nước nghèo sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, đặc biệt là những nước đã mắc nợ nhiều trước khủng hoảng”, ông David Malpass, Chủ tịch của Ngân hàng Thế giới nói với Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ủy ban Tài chính - ban chỉ đạo của IMF.
“Nhiều quốc gia sẽ cần giảm nợ. Đây là cách duy nhất họ có thể tập trung bất kỳ nguồn lực mới nào để chống lại đại dịch và hậu quả kinh tế và xã hội của họ”, ông David Malpass nhấn mạnh.
Malpass cho biết WB đã tiến hành các hoạt động khẩn cấp tại 60 quốc gia và hội đồng quản trị đang xem xét 25 dự án đầu tiên trị giá gần 2 tỷ USD thuộc gói theo dõi nhanh 14 tỷ USD để giúp tài trợ cho các nhu cầu chăm sóc sức khỏe hiện tại.
Chủ tịch Ngân hàng Thế giới David Malpass phát biểu tại các cuộc họp thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới tại Washington, Mỹ vào ngày 18/10/2019. Ảnh: Reuters |
WB cũng đã làm việc với 35 quốc gia để chuyển hướng các nguồn lực hiện có cho đại dịch, với gần 1 tỷ USD trong số các dự án đã được phê duyệt. Theo ông Malpass, WB có kế hoạch chi 160 tỷ USD trong 15 tháng tới.
Malpass cho biết IMF và WB sẽ đưa ra một kế hoạch chung để giảm nợ tại các cuộc họp mùa xuân của WB vào tháng 4 tới, nhưng không nói chi tiết.
Malpass cho biết: Các nước nghèo nhất phải đối mặt với các khoản thanh toán dịch vụ nợ song phương chính thức là 14 tỷ USD vào năm 2020, bao gồm các khoản thanh toán lãi và khấu hao, trong đó có gần 4 tỷ USD khoản nợ với Mỹ và các thành viên Câu lạc bộ Paris khác. Trung Quốc, một chủ nợ lớn, không phải là thành viên Câu lạc bộ Paris.
Với tỷ lệ nợ lớn do các chủ nợ song phương chính thức nắm giữ, Malpass cho biết điều này quan trọng trong việc đảm bảo sự tham gia rộng rãi và công bằng của họ trong việc giải quyết khủng hoảng.
Giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, ông Kristalina Georgieva, cảnh báo một nửa trong số các quốc gia có thu nhập thấp đã ở trong tình trạng khó khăn nợ nần cao và nhiều người sẽ phụ thuộc vào các chủ nợ chính thức.
Trung Quốc ghi nhận 54 ca nhiễm mới, thêm 3 người chết
Hãng tin Reuters đưa tin, tính đến hết ngày 27/3, toàn Trung Quốc đại lục có thêm 54 ca bệnh COVID-19, giảm 1 ca so với ngày trước đó và 3 người tử vong, giảm 2 người so với một ngày trước.
Cập nhật lúc 8h00 ngày 28/3/2020:
Thế giới: 594.286 người mắc, 27.247 người tử vong, trong đó:
- Mỹ: 102.338 người mắc; 1.604 người tử vong.
- Trung Quốc: 81.340 người mắc; 3.292 người tử vong
- Ý: 86.498 người mắc; 9.134 người tử vong.
- Tây Ban Nha: 65.719 người mắc; 5.138 người tử vong
Việt Nam: 169 trường hợp mắc COVID-19. Trong đó:
16 người mắc COVID-19 (tính từ ngày 23/1 đến ngày 13/2) đã được chữa khỏi bệnh hoàn toàn (giai đoạn 1).
4 bệnh nhân (BN18, BN22, BN23, BN35) mắc COVID-19 (tính từ ngày 6/3 đến 26/3) được chữa khỏi (giai đoạn 2).