“Trước đây tỉ lệ hồ sơ nhà đất trễ hẹn ở quận 7 khoảng 5%. Từ tháng 7, khi sáp nhập các văn phòng đăng ký nhà đất, hồ sơ dồn về một đầu mối thì tỉ lệ này đã tăng 25%-30%, chủ yếu là các hồ sơ chuyển về Sở TN&MT”. Ông Nguyễn Văn Thành, Trưởng phòng TN&MT quận 7, TP.HCM, cho hay tại buổi họp giữa các quận/huyện và sở/ngành liên quan về quy chế phối hợp khi cấp giấy chứng nhận (GCN) ngày 4-9.
Đề nghị quy rõ trách nhiệm
Ông Thành cho hay do hiện nay Sở TN&MT chưa công khai quy trình tiếp nhận, giải quyết các hồ sơ thuộc thẩm quyền của Sở nên người dân cứ kéo lên quận và tỉ lệ trễ hẹn cũng cập nhật cho quận.
Trưởng phòng TN&MT quận Tân Phú - ông Nguyễn Văn Điều nói thêm: Trước nay quận Tân Phú giải quyết hồ sơ cho dân “cũng được lắm, tỉ lệ trễ hẹn không được cao hơn 1%”. Nhưng gần đây người dân rất phiền hà, lên quận khiếu nại bởi hồ sơ không biết khi nào xong, không có ngày hẹn trả. “Trễ 1-2 ngày dân còn thông cảm, chứ cứ hẹn lần hẹn lữa cả mười mấy ngày thì dân kêu rất nhiều” - ông cho hay.
Nhận xét về dự thảo quy chế phối hợp của Sở TN&MT, ông Điều cho rằng nội dung không cần quá nhiều quy định, quá nhiều nguyên tắc. “Chỉ cần chuyển hóa thành quy trình ISO, phân định rõ trách nhiệm của từng cơ quan, cá nhân và thời gian giải quyết trong việc thực hiện cấp GCN cho người dân. Ví dụ chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) làm 20 ngày, phòng TN&MT làm 10 ngày... Ai làm sai thì phải xin lỗi dân chứ không thể chung chung” - ông nhận xét.
Còn ông Thành cho rằng dự thảo của Sở vẫn chưa quy định rõ trách nhiệm của từng cơ quan. “Trễ nhiều lần thì tính sao, cố ý trình hồ sơ sai thì xử lý như thế nào? Dự thảo của Sở chưa nói đến” - ông góp ý. Theo ông, việc giải quyết khiếu nại cho dân cũng đang bị vướng mắc. “Nếu hồ sơ thuộc thẩm quyền của quận thì dễ, quận sẽ chịu trách nhiệm giải quyết khiếu nại của dân. Nhưng hồ sơ do Sở chậm trễ mà bị khiếu nại thì về nguyên tắc các chi nhánh VPĐKĐĐ không có chức năng giải quyết khiếu nại (trách nhiệm thuộc về VPĐKĐĐ TP). Nhưng tới nay vẫn chưa có quy định tiếp nhận hồ sơ tại đây ra sao, thực hiện như thế nào và người dân thì vẫn lên quận khiếu nại” - ông bày tỏ.
Cần sớm ban hành quy chế phối hợp
Ông Nguyễn Văn Điều đề nghị xem lại hướng dẫn của Sở về việc tính nghĩa vụ tài chính trước khi UBND quận/huyện ký GCN (dựa vào hồ sơ đủ điều kiện cấp GCN do chi nhánh VPĐKĐĐ chuyển sang). “Sau khi chi nhánh VPĐKĐĐ thụ lý còn phải qua phòng TN&MT thẩm định trước khi trình UBND quận/huyện ký. Giả sử nếu phòng TN&MT phát hiện hồ sơ có sai sót nên không thông qua thì sẽ rất rắc rối do người dân đã nộp tiền sử dụng đất” - ông góp ý.
Ông Điều cũng cho rằng việc thụ lý và nhận xét hồ sơ đủ điều kiện cấp GCN của chi nhánh VPĐKĐĐ mới chỉ là 2/3 chặng đường. Chỉ khi quận/huyện ký GCN thì mới được xem là hoàn tất quá trình giải quyết cấp GCN. “Việc đóng thuế trước hay sau không quan trọng bằng việc chính xác và quá trình giải quyết đúng hẹn cho người dân” - ông Điều bày tỏ.
Trưởng phòng Kiểm soát thủ tục hành chính Sở Tư pháp - bà Hồ Thị Quyên cho hay dự thảo quy chế phối hợp tạm thời do Sở TN&MT thông qua chỉ có thể áp dụng trong nội bộ các cơ quan, không thể công khai cho người dân. Vì thế Sở nên tập trung hoàn chỉnh và trình TP thông qua để quy chế được ban hành, từ đó có bộ thủ tục công khai cho dân.
Giám đốc VPĐKĐĐ TP - ông Phạm Ngọc Liên trả lời: Dự thảo quy chế phối hợp đã được Sở trình TP ba tháng qua nhưng vẫn chưa được thông qua. Trong lúc chờ đợi, để sự phối hợp giữa các cơ quan thuận lợi, Sở ký bản quy chế tạm thời để thực hiện trong giai đoạn trước mắt. Về việc nộp thuế trước hay sau khi cấp GCN, ông Liên cho hay luật đã quy định phải tính trước nên các địa phương không đặt vấn đề này nữa. “Nếu có vướng mắc thì sẽ kiến nghị Bộ TN&MT điều chỉnh” - ông cho hay.
Về thẩm quyền giải quyết loại nào do quận/huyện ký, loại nào do Sở thực hiện thời gian qua có sự “giẫm chân”, ông Liên cho hay Sở sẽ có văn bản gửi các quận/huyện căn cứ theo cách làm của quận Gò Vấp. “Ngày 3-8, quận Gò Vấp ra thông báo về việc phân định những hồ sơ thuộc quận, phần còn lại tất nhiên do Sở giải quyết. Qua kiểm tra, tôi thấy văn bản của quận Gò Vấp là rất rõ ràng và tương đối hoàn chỉnh” - ông Liên nhận xét.
Theo Pháp Luật TP.HCM