Bãi đổ thải trái phép nằm ngay sát tuyến đường Hồ Chí Minh thuộc tổ 8 phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng (Cao Bằng). |
Người dân bức xúc phản ánh về tình trạng một số đối tượng ngang nhiên đổ thải trái phép, tạo mặt bằng thành bãi tập kết cát, hoạt động mua bán cát diễn ra từ lâu, kiếm lời bất chính, coi thường kỷ cương pháp luật; gây ô nhiễm môi trường xung quanh diễn ra suốt một thời gian dài mà chưa hề bị cơ quan chức năng xử lý dứt điểm. Phóng viên Báo Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã đến tìm hiểu thực tế nơi người dân phản ánh trên địa bàn tổ 8 phường, Đề Thám, Thành phố Cao Bằng (Cao Bằng).
Tại hiện trường, phóng viên ghi nhận thực tế hình ảnh một bãi đất đá đã được các đối tượng tự ý đổ tạo thành mặt bằng, bên trong là những bãi tập kết cát cao hơn nóc nhà mà không hề được che chắn, nắng bụi, mưa nước chảy gây ô nhiễm. Điều đáng nói, bãi tập kết cát trái phép này nằm ngay dọc đường Hồ Chí Minh, tuyến đường mà hàng năm đón lãnh đạo Đảng, Nhà nước và hàng chục nghìn lượt khách du lịch đến tham quan khu di tích lịch sử đặc biệt cấp Quốc gia Pác Bó – nơi cội nguồn cách mạng Việt Nam.
Hơn 700m2 đất nông nghiệp “bỗng” trở thành nơi đổ thải tạo mặt bằng tập kết cát trái phép. |
Người dân địa phương cho biết, hằng ngày, có rất nhiều xe chở cát ra vào bãi tập kết này, ngày nắng thì bụi mù mịt, ngày mưa thì bùn đất tại bãi kéo theo cả ra ngoài đường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đặc biệt xe quá tải chạy rầm rập, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, ảnh hưởng tới người và phương tiện khi tham gia giao thông qua đây.
Khối lượng lớn cát được tập kết để bán cho khách hàng. |
Để rộng đường dư luận, tìm hiểu cụ thể hơn về vụ việc, phóng viên đã làm việc với bà Tạ Lệ Hương, Chủ bãi tập kết cát tại tổ 8 phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng (Cao Bằng) và được biết: Khoảng giữa năm 2019, bà Hương đã thuê 1.000m2 diện tích đất nông nghiệp của hộ gia đình bà Lương Thị Vân, tổ 11 phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng (Cao Bằng). Sau đó bà Hương tự ý đổ thải để tạo mặt bằng kinh doanh mặc dù chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất cũng như chưa hề được cấp có thẩm quyền cho phép. “Sau khi tạo mặt bằng, khoảng tháng 10/2019, tôi sử dụng mặt bằng để làm bãi tập kết cát. Hiện, bãi của tôi mới chỉ đổ được 700m2 (trong đó, gần 30m2 dùng để dựng khung nhà, số diện tích mặt bằng còn lại là bãi tập kết cát) chứ chưa đổ hết 1.000m2 đất đã thuê”, bà Hương cho biết.
Xe ô tô tải chở cát từ bãi tập kết trái phép kéo theo lượng bùn đất ra ngoài đường, gây ô nhiễm môi trường. |
Khi phóng viên đặt câu hỏi: Bà có biết, mình đã tự ý đổ thải sản lấp tạo mặt bằng làm bãi tập kết kinh doanh cát khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép là trái với quy định của pháp luật? Bà Tạ Lệ Hương thừa nhận việc làm của mình là sai với quy định của pháp luật và cho biết, UBND phường Đề Thám đã xuống kiểm tra, lập biên bản xử lý vi phạm hành chính và yêu cầu dừng việc đổ thải.
Ông Hoàng Hùng Vĩ, Chủ tịch UBND phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng (Cao Bằng) (áo đen) làm việc với phóng viên báo TN&MT. |
Điều đáng nói, bãi đổ thải làm mặt bằng kinh doanh cát trái phép này chỉ cách UBND phường Đề Thám, thành phố Cao Bằng (Cao Bằng) chưa đầy 1 km. Thế nhưng, sau khi bị xử phạt vi phạm hành chính, điểm tập kết cát trái phép này vẫn… “ngang nhiên” hoạt động, thậm chí không có “dấu hiệu” dừng hoạt động khi có sự xuất hiện của phóng viên. Điều này khiến chúng tôi cũng như dư luận đặt ra câu hỏi: Điểm đổ thải trải phép diễn ra trong cả thời gian dài, bãi cát hoạt động kinh doanh trái phép ngay trước mắt chính quyền, tại sao vẫn ngang nhiên tồn tại (?!) Có hay không sự "chống lưng" của chính quyền địa phương vì lợi ích nhóm đã để doanh nghiệp tự tung tự tác, coi thường kỷ cương phép nước?
Để thông tin vụ việc này được rõ ràng, cụ thể hơn, phóng viên đã đặt lịch làm việc với ông Hoàng Hùng Vĩ, Chủ tịch UBND phường Đề Thám, thành phố Cao Bằng (Cao Bằng). Tại buổi làm việc, sau khi phóng viên đưa ra những hình ảnh, bằng chứng về bãi đổ thải tại tổ 8 phường Đề Thám, Thành phố Cao Bằng (Cao Bằng), vị Chủ tịch phường xác nhận: “Việc phóng viên phản ánh là đúng sự thật. Khi phóng viên liên hệ làm việc và phản ánh về vấn đề đấy, tôi đã trực tiếp xuống kiểm tra và nhận thấy những bãi tập kết cát rất lớn”.
“Đầu năm 2020, UBND phường Đề Thám đã tiến hành kiểm tra, xử lý và lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với bà Tạ Lệ Hương và yêu cầu bà Hương thực hiện khôi phục lại hiện trạng ban đầu của thửa đất trước khi vi phạm”. Chủ tịch UBND phường Đề Thám Hoàng Hùng Vĩ cho biết thêm.
Tuy nhiên, khi phóng viên đề nghị cung cấp biên bản làm việc cũng như Quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai đối với bà Tạ Lệ Hương thì vị Chủ tịch UBND phường Đề Thám cho biết: Khi phóng viên đến làm việc thì tôi tạo điều kiện làm việc bình thường. Tuy nhiên, việc cung cấp tài liệu cho phóng viên các cơ quan báo chí thì tôi phải hỏi lại UBND Thành phố Cao Bằng (?!).
Để dân tự ý đổ thải, kinh doanh trái phép kiếm lời bất chính thì không hỏi Thành phố Cao Bằng?; cấp thông tin, văn bản cho phóng viên thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của chính quyền thì vị Chủ tịch phường lấy lý do phải hỏi thành phố. Điều đó, khiến dư luận hoài nghi về tính trung thực của thông tin đã "Xử phạt vi phạm hành chính" đối với sai phạm của Chủ tịch UBND phường Đề Thám.
Trước tình trạng đổ thải trái phép, tạo mặt bằng trên diện tích đất nông nghiệp để phục vụ mục đích kinh doanh mà chưa được cơ quan chức năng cấp phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo quy định của Nhà nước diễn ra trong suốt thời gian dài trên địa bàn phường Đề Thám, thành phố Cao Bằng, khiến dư luận đặt ra các câu hỏi: Khi 700m2 đất nông nghiệp bị san lấp, đổ thải, tạo mặt bằng trái phép để kinh doanh như vậy, các cấp chính quyền địa phương đã ở đâu? Sự việc vi phạm này sẽ được xử lý theo pháp luật như thế nào hay chỉ xử phạt vi phạm hành chính để rồi cho… “tồn tại”, để các đối tượng vi phạm dỡn mặt chính quyền. Đó là những câu hỏi mà dư luận đang chờ câu trả lời thỏa đáng từ cơ quan chức năng.
Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.