Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết, Ủy viên TVĐU, Phó Chính ủy Cảnh sát biển. |
Phóng viên: Xin đồng chí cho biết nội dung cơ bản chủ trương của Đảng, Nhà nước về đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển?
Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết: Trước yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Hội nghị lần thứ Tám, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XII) đã ban hành Nghị quyết 36-NQ/TW về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (sau đây gọi tắt là Nghị quyết 36). Triển khai thực hiện Nghị quyết 36, ngày 5/3/2020, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 26/NQ-CP Ban hành Kế hoạch tổng thể và kế hoạch 5 năm của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 của Hội nghị lần thứ Tám, BCH Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nội dung cơ bản chủ trương của Đảng, Nhà nước về đưa nước ta trở thành quốc gia biển được thể hiện: Về quan điểm, biển là bộ phận cấu thành chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, là không gian sinh tồn, cửa ngõ giao lưu quốc tế, gắn bó mật thiết với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn; phát triển bền vững kinh tế biển gắn liền với bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tăng cường đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển, góp phần duy trì môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển. Phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là quyền và nghĩa vụ của mọi tổ chức, doanh nghiệp và người dân Việt Nam.
Lực lượng Cảnh sát biển phát tờ rơi, tặng cờ Tổ quốc cho bà con ngư dân xã Ngư Thủy Trung, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình. |
Chủ trương của Đảng, Nhà nước, về mục tiêu tổng quát đến 2030, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh; đạt cơ bản các tiêu chí về phát triển bền vững kinh tế biển; hình thành văn hoá sinh thái biển; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; ngăn chặn xu thế ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, tình trạng sạt lở bờ biển và biển xâm thực; phục hồi và bảo tồn các hệ sinh thái biển quan trọng. Những thành tựu khoa học mới, tiên tiến, hiện đại trở thành nhân tố trực tiếp thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển.
Về phát triển, xác định tầm nhìn đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn; kinh tế biển đóng góp quan trọng vào nền kinh tế đất nước, góp phần xây dựng nước ta thành nước công nghiệp hiện đại theo định hướng xã hội chủ nghĩa; tham gia chủ động và có trách nhiệm vào giải quyết các vấn đề quốc tế và khu vực về biển và đại dương.
Phóng viên: Để đạt được mục tiêu, kế hoạch, Đảng, Nhà nước đã đề ra chủ trương định hướng phát triển kinh tế biển như thế nào, thưa Thiếu tướng?
Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết: Đảng ta đã đề ra một số chủ trương lớn: Phát triển kinh tế biển và ven biển, phát triển thành công, đột phá về các ngành kinh tế biển theo thứ tự ưu tiên; phát triển du lịch và dịch vụ biển; Kinh tế hàng hải; Khai thác dầu khí và các tài nguyên khoáng sản biển khác; Nuôi trồng và khai thác hải sản; phát triển công nghiệp ven biển; Năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới.
BTL Vùng cảnh sát biển 2 dẫn giải tàu Pacipic Ocean về xử lý vi phạm. |
Nghị quyết 36 cũng đề ra định hướng phát triển đồng bộ, từng bước hình thành khu kinh tế, khu công nghiệp, khu đô thị sinh thái ven biển. Phát triển các vùng biển dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, hài hoà giữa bảo tồn và phát triển. Gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường, bảo tồn, phát triển bền vững đa dạng sinh học biển; chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và phòng, chống thiên tai; Nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng văn hoá biển, xã hội gắn bó, thân thiện với biển. Đồng thời khẳng định, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế, phát triển bền vững.
Để thực hiện mục tiêu trên, Đảng đã đưa ra các giải pháp chủ yếu: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển bền vững biển, tạo đồng thuận trong toàn xã hội; Hoàn thiện thể chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về phát triển bền vững kinh tế biển; Phát triển khoa học, công nghệ và tăng cường điều tra cơ bản biển; Đẩy mạnh giáo dục, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực biển. Tăng cường năng lực bảo đảm quốc phòng, an ninh, thực thi pháp luật trên biển. Chủ động tăng cường và mở rộng quan hệ đối ngoại, hợp tác quốc tế về biển. Huy động nguồn lực, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cho phát triển bền vững biển, xây dựng các tập đoàn kinh tế biển mạnh.
Phóng viên: Xin Thiếu tướng cho biết, vai trò của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam trong thực hiện nhiệm vụ, góp phần phát triển kinh tế biển?
Thiếu tướng Doãn Bảo Quyết: Nghị quyết 36 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với công cuộc phát triển kinh tế biển và bảo đảm QP-AN trên hướng biển. Nghị quyết số 26/NQ-CP của Chính phủ đã chỉ rõ: "Xây dựng lực lượng vững mạnh, nòng cốt là Hải quân, Phòng không - Không quân, Cảnh sát biển và Bộ đội Biên phòng, kết hợp cùng lực lượng các quân khu ven biển, kiểm ngư, dân quân tự vệ biển... bảo đảm năng lực thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền biển, đảo và thực thi pháp luật trên biển, nâng cao năng lực hoạt động của các lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng, tránh và giảm nhẹ thiên tai, cứu hộ, cứu nạn trên biển, làm chỗ dựa vững chắc cho nhân dân làm ăn, sinh sống trên các vùng biển, đảo và các hoạt động phát triển kinh tế biển; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân trên biển thông qua hoạt động kinh tế - quốc phòng."
BTL Vùng cảnh sát biển 1 tặng quà cho bà con ngư dân huyện đảo Cô Tô- Quảng Ninh. |
Điều đó cho thấy, quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Chính phủ ta về phát triển kinh tế biển phải kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng, an ninh và khẳng định vai trò của các các lực lượng thực thi pháp luật trên biển nói chung và Cảnh sát biển Việt Nam nói riêng trong nhiệm vụ phát triển kinh tế biển. Với vị trí là lực lượng vũ trang, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật và bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển, Cảnh sát biển Việt Nam đóng vai trò to lớn trong nhiệm vụ góp phần phát triển kinh tế biển đảm bảo quốc phòng, an ninh biển.
Cảnh sát biển Việt Nam đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chức năng của Nhà nước nắm chắc tình hình mặt biển; thu thập thông tin, tổng hợp, phân tích, dự báo các tình huống có thể xảy ra trên biển; kịp thời tham mưu đề xuất với Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng xử lý các tình huống quốc phòng, an ninh trên biển hiệu quả, đúng đường lối, đối sách góp phần giữ vững chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc; thiết thực xây dựng vùng biển Việt Nam, khu vực hòa bình, an ninh, an toàn và phát triển bền vững.
Cảnh sát biển Việt Nam đã tổ chức hàng nghìn lượt tàu, thuyền làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển; thực hiện hoạt động bảo vệ an toàn cho các hoạt động kinh tế của Việt Nam trên biển; tuyên truyền pháp luật, yêu cầu hơn 15.000 lượt tàu nước ngoài vi phạm ra khỏi vùng biển Việt Nam; phát hiện hàng trăm tàu, thuyền nước ngoài vi phạm chủ quyền, xử lý theo pháp luật; kiên quyết ngăn chặn và phối hợp với các lực lượng liên quan xử lý tốt các tình huống xảy ra, bảo vệ vững chắc chủ quyền, lợi ích quốc gia trên biển. Trong năm 2019 và sáu tháng đầu năm 2020 đã phát hiện và xử lý hơn một nghìn phương tiện, tàu thuyền vi phạm với số tiền xử phạt vi phạm hành chính lên tới hàng chục tỷ đồng; tiến hành điều tra bắt giữ, xử lý hàng trăm vụ buôn lậu, gian lận thương mại trên biển với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính, phát mại tài sản sung ngân sách của Nhà nước lên đến hàng trăm tỉ đồng góp phần ổn định an ninh kinh tế.
Cảnh sát biển Việt Nam đã phối hợp lực lượng liên quan, hướng dẫn, tuyên truyền các đối tượng hoạt động trên biển chấp hành nghiêm quy định pháp luật, tích cực tham gia đấu tranh ngăn chặn các vi phạm, tội phạm trên biển để phát triển kinh tế.
Triển khai chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân” tại các xã, huyện đảo; lấy đầu mối Hải đoàn, Hải đội Cảnh sát biển kết nghĩa với một xã, huyện đảo để tổ chức phối hợp các hoạt động triển khai thực hiện Chương trình, từ năm 2017 đến nay tổng kinh phí huy động để hỗ trợ ngư dân hơn 15 tỷ đồng. Chương trình Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân đã trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển, góp phần xây dựng thế trận lòng dân, an ninh nhân dân trên biển, bảo vệ môi trường, tài nguyên biển đảo và phát triển kinh tế biển.
Tàu cảnh sát biển 2001 lai kéo tàu KG 1619TS bị nạn trên vùng biển Tây Nam. |
Cảnh sát biển tích cực tham gia các hoạt động cứu nạn, cứu hộ, khắc phục hậu quả thiên tai vùng ven biển, cũng như trên biển giúp đỡ ngư dân ổn định cuộc sống, khắc phục khó khăn tiếp tục vươn khơi bán biển. Với tinh thần không quản ngại hiểm nguy, sẵn sàng vượt qua sóng to, bão lớn để hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân hoạt động trên biển, Cảnh sát biển Việt Nam đã thực hiện thành công hàng trăm vụ cứu dân, cứu tàu nơi biển xa, thực hiện đúng “mệnh lệnh từ trái tim”. Chỉ tính riêng giai đoạn 2016 – 2020, Cảnh sát biển Việt Nam đã thực hiện trên 200 vụ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; cứu kéo hàng trăm phương tiện với hơn 1.000 ngư dân gặp nạn; tìm vớt được 19 thi thể, trong đó có 4 phương tiện và 34 thủy thủ tàu nước ngoài; lai dắt 361 tàu cá của ngư dân vào khu vực neo đậu an toàn.
Cảnh sát biển làm tốt công tác tuần tra kiểm soát, đấu tranh ngăn chặn tàu cá Việt Nam vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép, góp phần gỡ thẻ vàng cho ngành thủy sản Việt Nam.
Tích cực, chủ động tham gia đóng góp ý kiến về các chương trình, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế biển đặc biệt là các dự án liên quan đến xây dựng phát triển hệ thống cảng biển, điện gió, dầu khí, du lịch vừa đảm bảo quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế biển.
Phóng viên: Trân trọng cám ơn Thiếu tướng!