Cảnh báo tội phạm giả mạo điện thoại công an để lừa tiền người dân

11/12/2016 00:00

Công an quận Đống Đa, Hà Nội cho biết, hiện nay trên địa bàn TP Hà Nội xảy ra nhiều vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua tài khoản ngân hàng với cách thức rất...

Công an quận Đống Đa, Hà Nội cho biết, hiện nay trên địa bàn TP Hà Nội xảy ra nhiều vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua tài khoản ngân hàng với cách: “giả số điện thoại của Công an bằng phần mềm Voip” (trước số điện thoại thông thường sẽ được thêm dấu +)....
 
Chuyển tiền tỷ vào các… ngân hàng “ma”
 
Trong vòng 1 năm trở lại đây, Công an quận Đống Đa, Hà Nội nhận được đơn trình báo của một số nạn nhân bị lừa số tiền nhiều tỷ đồng.
 
Cụ thể: ngày 30 và 31-7-2015, bà L.M.H. (SN 1960) ở Hoàn Kiếm, Hà Nội, bị một số đối tượng lừa chuyển số tiền 3 tỷ 440 triệu đồng vào tài khoản ở Vietcombank, BIDV và chiếm đoạt mất; ngày 23-24-9-2015, bà N.T.M (Sn 1956), trú ở phường Trung Phụng, Đống Đa, cũng bị các đối tượng chiếm đoạt số tiền 1,6 tỷ đồng.
 
Theo các cán bộ Đội điều tra tổng hợp – CAQ Đống Đa cho biết, cũng giống như các phương thức, thủ đoạn của nhiều vụ án đã xảy ra trước đây đó là giả danh cán bộ của các cơ quan chức năng như: Công an, Viện Kiểm sát, Toà án… nhưng cách thức thực hiện mới hơn, tinh vi hơn.
 
Các đối tượng phạm tội sử dụng phần mềm giả số điện thoại - Voip (trước số điện thoại thông thường sẽ được thêm dấu +). Người ở đầu dây sẽ tự xưng là cán bộ của các cơ quan chức năng, thông báo cho người bị hại biết, hiện nay số tiền trong các tài khoản ngân hàng của bị hại liên quan đến các vụ án đang được điều tra, cần làm rõ. Đặc biệt có liên quan đến các tổ chức tội phạm nước ngoài có dấu hiệu và hành vi rửa tiền.  
Đơn trình báo của 1 nạn nhân gửi đến CAQ Đống Đa, Hà Nội.
Đơn trình báo của 1 nạn nhân gửi đến CAQ Đống Đa, Hà Nội.
Khi bị hại xác nhận số điện thoại gọi đến qua hệ thống giải đáp thông tin 1080 thì được xác nhận đây đúng là số điện thoại của các cơ quan chức năng. 
 
Biết các bị hại đã tin tưởng tuyệt đối, đối tượng tiếp tục gọi lại, yêu cầu bị hại nhanh chóng đến các ngân hàng, chuyển toàn bộ số tiền trong tài khoản tiết kiệm đến các tài khoản mà các đối tượng cung cấp để bị hại không có thời gian suy nghĩ và thông báo cho người khác. Các đối tượng duy trì thông tin liên lạc với người bị hại liên tục và yêu cầu người bị hại giữ máy, không được tắt máy.
 
Do có sự tin tưởng lớn vào lực lượng Công an và các cơ quan chức năng, nhiều bị hại đã ra ngân hàng gửi tiền vào các tài khoản mà đối tượng cung cấp. Thực chất đây là những tài khoản “ma”, khi nạn nhân gửi vào thì không có cơ hội lấy lại tiền.
 
Sau khi bị hại chuyển tiền, các đối tượng lập tức thuê người đến các địa điểm tại ngân hàng rút tiền. Số tiền này các đối tượng lại tiếp tục chuyển vào một tài khoản khác, trong đó những tài khoản ở nước ngoài. 

Mô hình lừa đảo của tổ chức nước ngoài

Ngoài hình thức trên, các đối tượng còn giả danh số điện thoại của bưu điện, thông báo cho người bị hại biết họ còn nợ tiền tại các thuê bao mà bị hại không hề đăng ký trong TP.HCM, Bạc Liêu, Sóc Trăng để đánh vào tâm lý của người bị hại lo sợ.
 
Đối tượng lợi dụng kẽ hở của hệ thống ngân hàng hiện nay là cho mở tài khoản mà không có chức năng kiểm tra độ thật giả của CMND, sau đó ngân hàng không bảo mật thông tin: Số CMND, tên tuổi, địa chỉ, nơi công tác của bị hại.
 
Các bị hại mà các đối tượng tội phạm hướng đến là những người già, dao động từ 50-70 tuổi, hoặc những người đã nghỉ hưu, có tâm lý yếu kém, mơ hồ về pháp luật. Tình trạng sức khoẻ và độ tập trung, minh mẫn không cao. Các đối tượng duy trì liên lạc 24/24h giống như “thôi miên”, khiến bị hại không còn sáng suốt. 
Giấy xác nhận chuyển tiền của nạn nhân.
Giấy xác nhận chuyển tiền của nạn nhân.

Ví dụ như ngày 12-5-2015 bà N.T.T (Sn 1946), trú tại Trung Liệt, Đống Đa, HN, bị một đối tượng xưng danh Công an, lừa chuyển 1,2 tỷ đồng vào các tài khoản trong hệ thống ngân hàng VPBank; ngày 18-5-2015, bà Đ.T.L (SN 1953) đã chuyển vào tài khoản ACB số tiền 150 triệu đồng; ngày 4-11-2015 bà Đ.T.T (SN 1942), trú ở Trung Tự, Đống Đa, Hà Nội, chuyển 1 tỷ 250 triệu đồng vào các ngân hàng SHB và Bắc Á bank, sau đó đã bị các đối tượng chiếm đoạt mất. 

Hai đối tượng người Trung Quốc - Tan Shi Ren và Zhao Xiao Mei  bị Công an Hà Nội bắt giữ vì cấu kết với một số người Việt Nam chiếm đoạt tiền của nhiều nạn nhân qua tài khoản ngân hàng.
Hai đối tượng người Trung Quốc - Tan Shi Ren và Zhao Xiao Mei bị Công an Hà Nội bắt giữ vì cấu kết với một số người Việt Nam chiếm đoạt tiền của nhiều nạn nhân qua tài khoản ngân hàng.
Thiếu tá Phan Anh Tú - Đội trưởng Đội điều tra tổng hợp – CAQ Đống Đa cho biết, các vụ lừa đảo dưới hình thức giả danh cán bộ cơ quan nhà nước do nhiều ổ nhóm tội phạm gây ra, chủ yếu tập trung vào những đối tượng là người Đài Loan, Ma Cao, Trung Quốc, Singapore, Malaysia.
 
Các đối tượng học tập và được đào tạo dưới mô hình lừa đảo của các tổ chức tội phạm nước ngoài. Sau đó thành lập các nhóm tập trung ở nhiều địa bàn, chủ yếu là Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cần Thơ, TP.HCM. Chúng đào tạo, huấn luyện, thuê người thu thập các CMND, mở các tài khoản tại các ngân hàng. Và các tài khoản này sẽ được sử dụng để bị hại chuyển tiền vào. 
 
Nhiều nạn nhân “xấu hổ” không dám báo tin
 
Trong đợt cao điểm trấn áp tội phạm vừa qua, Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao - Công an TP.HCM đã bắt được một đối tượng người Đài Loan sử dụng hình thức này để chiếm đoạt tiền của nạn nhân. Số tiền chiếm đoạt được các đối tượng đem đi đánh bạc tại Campuchia và Ma Cao.
 
Trước những vụ việc như trên, cơ quan CSĐT Công an quận Đống Đa cũng đã phối hơp với Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng Công nghệ cao -  CATP Hà Nội sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ kết hợp các ngân hàng phong toả tài khoản cho nhiều bị hại khi đối tượng chưa kịp rút tiền sử dụng.
 
Ngoài ra còn có thủ đoạn quen biết qua mạng xã hội, đặt vấn đề tình cảm, khi bị hại tin tưởng thì các đối tượng thông báo rằng có nhiều khoản hàng hóa giá trị cao từ nước ngoài chuyển về Việt Nam, nhờ nhận hộ, sau đó nói là thiếu tiền, cần giúp đỡ rồi sẽ gửi Việt Nam trả sau. Điểm chung của những người này là người có tuổi, khi xảy ra sự việc không dám trình báo ngay với cơ quan Công an vì sợ gia đình, hàng xóm biết.
 
Cơ quan Công an cảnh báo: Đối với những số điện thoại lạ gọi đến hoặc những số điện thoại xưng danh các cơ quan chức năng gọi đến thì cần phải thông báo cho các cơ quan Công an gần nhất để trực tiếp xác minh, làm rõ. Cần phải cẩn trọng đối với các mối quan hệ quen các trang mạng xã hội Zalo, Facebook… Khi có sự việc xảy ra cần báo cơ quan Công an nơi gần nhất, sớm nhất để cơ quan điều tra sử dụng các biện pháp phong toả tài khoản, tránh bị các đối tượng rút mất tiền. 
 
Theo ANTĐ
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cảnh báo tội phạm giả mạo điện thoại công an để lừa tiền người dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO