Trong nghiên cứu được công bố trên tạp chí Science Advances, các nhà khoa học đã đưa ra cảnh báo về sự ô nhiễm đáng kể của bầu khí quyển và yêu cầu nghiên cứu khẩn cấp về các tác động sức khỏe tiềm ẩn đối với con người. Theo nghiên cứu này, nồng độ ô nhiễm vi mô đã được tìm thấy trong tuyết từ Bắc Cực đến dãy Alps,
Nghiên cứu cũng cho thấy tuyết thu giữ các hạt từ không khí khi nó rơi xuống và các mẫu băng trôi trên đại dương từ Greenland đến Svalbard chứa trung bình 1.760 hạt vi nhựa trong mỗi lít nước. Thậm chí nhiều hơn - trung bình 24.600 mỗi lít xuất hiện tại các khu vực châu Âu. Nghiên cứu cho thấy gió là một yếu tố chính lan truyền ô nhiễm hạt vi nhựa trên toàn cầu.
Các nhà khoa học kêu gọi nghiên cứu về tác dụng của hạt vi nhựa trong không khí đối với sức khỏe con người, chỉ ra một nghiên cứu trước đó đã tìm thấy các hạt trong mô phổi của người ung thư. Hồi tháng 6/2019, một nghiên cứu khác cho thấy con người ăn ít nhất 50.000 hạt vi nhựa mỗi năm.
Nhiều triệu tấn nhựa bị thải ra môi trường mỗi năm và bị phân hủy thành các hạt nhỏ và sợi không phân hủy sinh học. Những hạt này, được gọi là hạt vi nhựa (microplastic) hiện đã được tìm thấy ở khắp mọi nơi từ vùng núi cao đến đại dương sâu và có thể mang theo hóa chất độc hại và vi khuẩn gây hại.
Nghiên cứu mới nhất của Tiến sĩ Melanie Bergmann thuộc Viện nghiên cứu vùng cực và đại dương Alfred Wegener ở Đức cho biết: “Chúng tôi thực sự cần nghiên cứu về khía cạnh sức khỏe của con người. Hiện tại có rất nhiều nghiên cứu được công bố về hạt vi nhựa nhưng không cụ thể về tác động của chúng đối với sức khỏe con người và điều đó thực sự kỳ lạ đối với tôi”.
Theo Bergmann, hạt vi nhựa nên được đưa vào các chương trình giám sát ô nhiễm không khí.
Bergmann trước đây đã tìm thấy 12.000 hạt vi nhựa trong mỗi lít nước trong các mẫu băng biển Bắc Cực. Một số hạt vi nhựa xuất phát từ các khu vực đông dân bởi các dòng hải lưu, nhưng phân tích các mẫu tuyết cho thấy đa số loại hạt này bị gió thổi.
Nghiên cứu cho biết nồng độ của hạt vi nhựa trong tuyết rất cao, cho thấy sự ô nhiễm đáng kể trong khí quyển.
Theo Bergmann, về cơ bản, gió có thể thổi các hạt này đi khắp nơi. Phấn hoa và bụi từ Sahara được cho là bị thổi bay trong một khoảng cách dài. Cũng như các tảng băng ở Bắc Cực, 22 mẫu bao gồm tuyết từ Svalbard, một hòn đảo nằm ở phía Bắc của vòng Bắc Cực, từ dãy núi Alps của Đức và Thụy Sĩ và thành phố Bremen ở Đức.
Nhóm nghiên cứu phát hiện các hạt nhỏ nhất xuất hiện phổ biến nhất, nhưng thiết bị của họ không thể phát hiện các hạt nhỏ hơn 11 micron.
“Sẽ còn nhiều hạt vi nhựa nhỏ hơn hạt có kích thước theo phát hiện của chúng tôi. Điều đáng lo ngại là nếu các hạt siêu nhỏ này tồn tại, chúng có thể đạt đến quy mô nano, chúng có thể xâm nhập màng tế bào và di chuyển vào các cơ quan dễ dàng hơn nhiều so với các hạt lớn hơn” – Bergmann nhấn mạnh.