Cụ thể, trong năm 2018 số lượt công dân đến các cơ quan hành chính nhà nước để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh giảm 2,1%; số vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan hành chính nhà nước giảm 7,9%; số đoàn khiếu nại đông người giảm 14% so với năm 2017. Nội dung đơn thư khiếu nại tập trung nhiều nhất là ở lĩnh vực đất đai chiếm 60,4% trong tổng số đơn khiếu nại, đối với nhà ở chiếm 11,7%. Về tố cáo, giảm 26% số đơn và 7,9% số vụ việc so với năm 2017.
Theo báo cáo của UBND TP. Cần Thơ, từ đầu năm 2018 đến nay, TP. Cần Thơ đã chỉ đạo giải quyết được tổng cộng 222/233 đơn thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 95,28%. Trong đó, TP. Cần Thơ đã chỉ đạo giải quyết được 203/208 đơn khiếu nại thuộc thẩm quyền, đạt tỷ lệ 97,5%; 19/25 đơn tố cáo thuộc thẩm quyền được giải quyết, đạt tỷ lệ 76%. Từ kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo; các cấp, các ngành TP. Cần Thơ đã khôi phục quyền lợi cho công dân với số tiền 419 triệu đồng và 01 suất tái đinh cư.
Về giải quyết các vụ việc khiếu nại tồn đọng, phức tạp, kéo dài theo Kế hoạch số 2100/KH-TTCP ngày 19/9/2013 của Thanh tra Chính phủ, theo đó trên địa bàn TP.Cần Thơ có tổng cộng 15 vụ việc cần kiểm tra, rà soát. Đến nay, UBND TP. Cần Thơ đã ban hành thông báo chấm dứt thụ lý, giải quyết khiếu nại 14 vụ, còn lại 01 vụ việc đang được rà soát quy trình để ban hành thông báo chấm dứt thụ lý, giải quyết khiếu nại. Tuy vậy, tình hình khiếu nại, tố cáo còn diễn biến phức tạp, nhất là trong lĩnh vực quản lý, sử dụng đất đai.
Để chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, trong thời gian tới, UBND TP. Cần Thơ sẽ tập trung thực hiện có hiệu quả các Chỉ thị, Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội, Chính phủ, Thanh tra Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; Chỉ thị số của Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng đối với công tác tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo trên địa bàn thành phố.
Bên cạnh đó, chỉ đạo các Sở, ngành, quận, huyện trên địa bàn thành phố thường xuyên theo dõi, đánh giá việc thực hiện pháp luật, nhất là các quy định liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân và doanh nghiệp, kip thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách pháp luật, góp phần giảm số lượng đơn thư kiến nghị, phản ánh, khiếu nại, tố cáo; chấn chỉnh những tồn tại, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực nhằm hạn chế phát sinh khiếu nại, tố cáo.
Ngoài ra, đẩy mạnh thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng trong việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tập trung ở địa bàn, lĩnh vực phát sinh nhiều khiếu nại, tố cáo phức tạp; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo; chỉ đạo thực hiện nghiêm túc việc tiếp công dân định kỳ, đột xuất, gắn với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; giải quyết kip thời, dứt điểm, đúng quy định vụ việc khiếu nại, tố cáo mới phát sinh ngay từ cấp cơ sở…