(TN&MT) - Văn phòng công tác biến đổi khí hậu TP. Cần Thơ vừa phối hợp với Cơ quan nghiên cứu Khoa học và Công nghệ khối thịnh vượng chung (CSIRO), tổ chức hội thảo “Báo cáo kế quả Dự án thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) thông qua phát triển đô thị bền vững – thí điểm nghiên cứu hệ thống và môi trường nước thành phố Cần Thơ.”
Quy hoạch và phát triển hệ thống môi trường nước thích nghi với BĐKH
Giai đoạn 1 của Dự án từ tháng 10/2010 đến cuối năm 2012, đã xây dựng và chuyển giao tập bản đồ hệ thống và môi trường nước TP Cần Thơ. Trong giai đoạn 2, từ tháng 08/2013 đến nay, dự án đãmở rộng Tập bản đồ hệ thống và môi trường nước TP Cần Thơ, lập thêm các bản đồ chuyên đề về nghiên cứu và mức độ rủi ro của BĐKH; phát triển hệ thống Web- Gis cho tập bản đồ của TP Cần Thơ.
Bên cạnh đó, dự án cũng tặng cho TP. Cần Thơ một máy tính có phần mềm Web-Gis, tạo điều kiện truy cập trực tuyến các cơ sở dữ liệu; hoàn thiện kỹ thuật thu gom, xử lý và lưu trữ nước mưa cho khu vực đô thị và nông thôn Tp Cần Thơ.
Dự án cũng đã xây dựng được một số điểm nghiên cứu việc thu gom và sử dụng nước mưa dùng cho cơ quan và hộ gia đình một cách an toàn, tổng kết thành quy trình kỹ thuật, tập huấn và chuyển giao cho các cơ quan đơn vị có liên quan.
Phát triển cơ sở hạ tầng xanh thích ứng với BĐKH
Viện giáo dục tài nguyên nước (UNESCO – IHE- Hà Lan), Trung tâm Quản lý nước và biến đổi khí hậu (Đại học quốc gia Hồ Chí Minh) và Văn phòng công tác BĐKH Cần Thơ (CCCO) Cần Thơ vừa phối hợp tổ chức Hội thảo “Phát triển thích ứng với BĐKH và cơ sở hạ tầng xanh đối với các thành phố qui mô trung bình với các mức độ khác nhau”.
Mục tiêu của Hội thảo là nhằm tìm ra hướng đi để giải quyết các thách thức hiện tại và tương lai của một đô thị nhỏ và trung bình.
Thông qua đó, các nhà quản lý, nhà khoa học có thể trao đổi rút kinh nghiệm từ thực tiễn các đô thị trên thế giới để xây dựng kế hoạch, giải pháp phát triển vì một tương lai bền vững. Việc chia sẻ và học hỏi trên cơ sở các nghiên cứu điển hình ở các thành phố qui mô vừa trên thế giới nhằm tích hợp, tổ chức và phát triển khả năng chống chịu ngập lụt và cơ sở hạ tầng xanh trong khi vẫn không hy sinh tăng trưởng kinh tế và sinh kế của cộng đồng dân cư là hết sức cần thiết.
Thế giới đang phải chứng kiến tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ nhất trong lịch sử nhân loại. Đặc biệt, đô thị hóa chủ yếu tập trung ở các nước nghèo và đang phát triển; tại các đô thị có qui mô vừa và nhỏ đang tập trung hơn 70% tổng dân số đô thị của thế giới.
Điều này sẽ gia tăng áp lực đối với chính quyền các thành phố trong việc giải quyết một loạt vấn đề quan trọng về nhà ở, dịch vcông cộng, ô nhiễm môi trường, ngập lụt tại các khu đô thị và nguy cơ tác động ngày càng rõ rệt của biến đổi khí hậu toàn cầu.
Xây dựng bản đồ Atlas Biến đổi khí hậu trong lĩnh vực năng lượng và giao thông Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu - lĩnh vực năng lượng và giao thông đang thực hiện việc xây dựng Bản đồ Atlas Biến đổi khí hậu trong lĩnh vực năng lượng và giao thông. Tại một hội thảo diễn ra mới đây do Bộ Công Thương tổ chức, các chuyên gia trong lĩnh vực thích ứng và GIS đã thông tin phương pháp luận để xây dựng Bản đồ dữ liệu BĐKH cấp quốc gia, vùng và cấp tỉnh. Mục đích của dự án là mang đến những thông tin chính thức và có giá trị nhất về những hiểm họa do tình trạng BĐKH (chủ yếu là tăng mực nước biển, thay đổi nhiệt độ và lượng mưa), và thiết kế này xem xét cơ sở hạ tầng năng lượng và giao thông hiện có và sẽ được xây dựng trong Quy hoạch tổng thể cấp quốc gia. Tập bản đồ Atlas được xây dựng từ khâu xử lý dữ liệu, hình thành bản đồ, phân tích không gian. |
Bảo Châu