Dễ sản xuất, chất lượng đảm bảo
Công ty TNHH Hoàng Huy Toàn có địa chỉ tại xã Lộc Ninh, Thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình hiện đang hoạt động trong nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực đầu tư xây dựng. Hoàng Huy Toàn cũng là chủ của mỏ đá Lèn Sầm tại xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình. Nhiều năm nay, bên cạnh 2 dây truyền nghiền đá làm vật liệu xây dựng, công ty cũng đầu tư thêm 1 dây chuyền nghiền chuyên dụng để sản xuất cát nhân tạo.
Là người từng có nhiều năm làm việc cho các công ty xây dựng của Nhật Bản, anh Nguyễn Văn Sỹ, quản lý mỏ đá Lèn Sầm cho biết, cát nhân tạo không phải là một vật liệu mới xuất hiện mà chúng đã được nghiên cứu và đưa vào sử dụng ở một số nước trên thế giới cách đây nhiều năm. Ở nước ta, do sự khan hiếm của cát tự nhiên thời gian qua nên vấn đề sử dụng cát nhân tạo mới được quan tâm nhiều hơn.
Về quy trình sản xuất, anh Nguyễn Văn Sỹ cho biết, phụ thuộc vào dây chuyền sản xuất của các công ty mà quy trình sản xuất cát nhân tạo có thể khác nhau ở một số thao tác. Nhưng nhìn chung, sản xuất cát nhân tạo thường sẽ theo một quy trình như sau: Đưa các nguyên liệu chính bao gồm đá, sỏi về điểm tập kết. Sau đó các nguyên liệu này sẽ được đưa vào máy cấp nguyên liệu, máy nghiền để nghiền nhỏ thành những hạt cát li ti có kích thước từ 0-4mm. Tiếp đến, những hạt cát này sẽ đi qua sàng rung. Tại đây những hạt cát đạt tiêu chuẩn kích thước sẽ được chuyển tới bộ phận máy rửa và được làm sạch. Những hạt cát có kích thước lớn không đạt chuẩn sẽ được đưa vào nghiền lại như ban đầu.
Theo ông Nguyễn Văn Sỹ, sử dụng cát nhân tạo có nhiều lợi thế, đó là góp phần khắc phục được tình trạng khan hiếm cát xây dựng, chuyện thổi giá cát vô tội vạ, giảm thiểu được tình trạng khai thác cát trái phép, khai thác quá mức gây ảnh hưởng đến môi trường. Bên cạnh đó, cát nhân tạo còn có ưu điểm là kích thước được kiểm soát dễ dàng, giúp đáp ứng việc phân loại theo yêu cầu của từng công trình. Đồng thời, với tính chất không chứa các hợp chất hữu cơ và hợp chất hòa tan gây ảnh hưởng đến thời gian hình thành và tính chất của xi măng, do đó có thể duy trì được cường độ cần thiết của bê tông.
Ông Hoàng Ngọc Hiền, Giám đốc Công ty TNHH Hoàng Huy Toàn cho biết, dây chuyền sản xuất cát nhân tạo tại mỏ đá Lèn Sầm được ông đầu tư trên 2,5 tỷ đồng. Hiện giá cát nhân tạo có cao hơn cát tự nhiên nhưng lại có thể tận dụng được nguồn đá dư thừa, không dùng được vào việc gì. Cát nhân tạo không lẫn các tạp chất như đất sét, bụi và lớp phủ phù sa nên không gây ảnh hưởng đến tính liên kết giữa xi măng và cốt liệu, do đó tăng chất lượng và độ bền của bê tông. Với công nghệ tiên tiến nhất hiện nay, cát nhân tạo được sản xuất từ đá granit có thể thu được những tính chất cần thiết của vật liệu cát.
Ông Hoàng Ngọc Hiền cũng cho biết, hiện tại, hầu hết các công trình xây dựng do Công ty Hoàng Huy Toàn đảm nhận đều sử dụng nguồn cát nhân tạo. Nhiều công trình công ty thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có chất lượng tốt, đã được kiểm chứng qua thời gian và được dư luận đánh giá cao. Ông Hoàng Ngọc Hiền cho rằng, tỉnh Quảng Bình nên có chính sách khuyến khích mỗi mỏ đá có thêm dây chuyền sản xuất cát nhân tạo để giúp giảm sản lượng sử dụng cát tự nhiên đang có nguy cơ suy giảm.
“Mở” hành lang pháp lý
Hiện nay, trên thế giới, cát nghiền đang được dùng phổ biến do có nhiều tính chất đặc biệt như hạt cát đồng đều, có thể điều chỉnh modun và tỷ lệ thành phần hạt theo từng yêu cầu cấp phối cho các loại bê tông khác nhau. Bên cạnh đó, loại cát này cũng giúp tiết kiệm xi măng, nhựa đường, rút ngắn thời gian thi công và tăng tuổi thọ công trình. Tại Ấn Độ và Trung Quốc, cát nhân tạo đã chiếm khoảng 70% lượng cát sử dụng trong xây dựng; tỷ lệ này tại Nhật Bản chiếm khoảng 90%. Trong khi đó, việc sử dụng loại vật liệu này còn rất “khiêm tốn”.
Theo tính toán của các ngành chức năng, Việt Nam đang phải đối mặt với nguy cơ nguồn cung cát tự nhiên không đủ cầu, gây ảnh hưởng đến tiến độ triển khai nhiều dự án trọng điểm trên cả nước. Chỉ tính riêng tổng nhu cầu vật liệu 10 dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, đoạn từ Hà Tĩnh đến Khánh Hòa đã cần gần 9 triệu m3 cát. Theo hồ sơ khảo sát mỏ vật liệu, dự kiến sử dụng được hơn 100 mỏ cát, trữ lượng khoảng 32 triệu m3. Tuy các mỏ đều đáp ứng trữ lượng, chất lượng phục vụ dự án nhưng khả năng khai thác, cung ứng vật liệu theo giấy phép khai thác như hiện nay chưa thể đáp ứng tiến độ thi công. Đơn cử, so tổng nhu cầu với tổng công suất khai thác hiện nay, nhu cầu cát còn thiếu khoảng 1,9 triệu m3 (Quảng Bình thiếu 1 triệu m3).
Trước thực trạng này, Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, Việt Nam có nguồn tài nguyên đá xây dựng với trữ lượng lớn hàng vài chục tỷ m3 và nguồn sỏi sạn vùng biển Ðông hàng trăm tỷ m3 nên hoàn toàn có khả năng đáp ứng nhu cầu thay thế nguồn cát tự nhiên dưới các lòng sông. Thực tế, một số địa phương đã đẩy mạnh sản xuất cát nghiền và nhiều công trình xây dựng đã sử dụng loại vật liệu này để thi công như Nhà máy thủy điện Đồng Nai 4, Nhà máy thủy điện Lai Châu. Đặc biệt, 95% bê tông của công trình thủy điện Sơn La sử dụng cát nhân tạo và được đánh giá cao về chất lượng.
Mặt khác, sử dụng cát nhân tạo cũng là giải pháp hướng đến phát triển bền vững nguồn tài nguyên này. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình Nguyễn Huệ cho rằng, khoáng sản nói chung và cát làm vật liệu xây dựng nói riêng là tài nguyên không tái tạo, khai thác đến một thời điểm nào đó sẽ cạn kiệt nên cần phải có giải pháp, phương án khai thác, sử dụng hiệu quả, hợp lý. Do đó, Quảng Bình rất chú trọng công tác lập Quy hoạch các khu vực mỏ cát có quy mô phù hợp, tránh quy hoạch manh mún nhỏ lẻ để đảm bảo khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả, phục vụ nhu cầu hiện tại và nhu cầu trong tương lai. Đồng thời, khuyến khích các tổ chức, cá nhân sử dụng các khoáng sản có tính chất lý, hóa tương tự có thể sản xuất cát nhân tạo để thay thế dần cát tự nhiên.
Tuy nhiên, dù có nhiều tính ưu việt nhưng thực tế cho thấy, cát nhân tạo hiện chỉ chủ yếu dùng ở một số công trình xây dựng nhà nước, hoặc công trình do đối tác nước ngoài đầu tư, còn đối với công trình dân dụng, cát nhân tạo vẫn còn khá mới mẻ. Nguyên nhân là vì hiện nay mới chỉ có quy định các công trình xây dựng nhà nước phải sử dụng cát nhân tạo thông qua việc kiểm soát chặt chẽ nguồn nguyên liệu đầu vào thì mới được quyết toán ngân sách. Còn lộ trình, hành lang pháp lý để bắt buộc chủ đầu tư xây dựng phải sử dụng cát nghiền nhân tạo vẫn chưa có. Điều này khiến công tác tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng cát nhân tạo thay thế cát tự nhiên bị hạn chế.
Bên cạnh đó, dù có chất lượng cao nhưng một thực tế xảy ra đó là lượng cát nghiền vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu thị trường. Theo số liệu thống kê, cả nước có khoảng 50 cơ sở sản xuất cát nhân tạo, khả năng cung ứng khoảng 15-20 triệu tấn/năm, chưa bằng 2/3 so với khối lượng cát tự nhiên được tiêu thụ. Đây là con số khiêm tốn so với tiềm năng sản xuất cát nhân tạo và nhu cầu thị trường. Cùng với đó là hành lang pháp lý cho loại cát này vẫn còn vướng. Cụ thể, Bộ Xây dựng vẫn chưa hoàn thiện tiêu chuẩn kỹ thuật gắn với công nghệ sản xuất ra cát nghiền, nên gây khó cho các doanh nghiệp.
Phát biểu tại một hội nghị gần đây, ông Lại Hồng Thanh, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cho rằng, Nhà nước nên đưa ra định mức cũng như cách sử dụng cát nhân tạo trong các công trình xây dựng một cách cụ thể. Trong đó, đưa ra tỷ lệ phối trộn giữa cát nghiền và cát tự nhiên để giảm bớt chi phí xây dựng và giúp người dân, doanh nghiệp từng bước thấy được hiệu quả và yên tâm sử dụng.