Cần quan tâm hơn tới quỹ đất tái định cư

13/10/2015 00:00

(TN&MT) - Vấn đề tái định cư cho người dân sau khi Nhà nước thu hồi đất để thực hiện các dự án luôn là vấn đề “nóng” được đông đảo người dân quan tâm. Mặc dù, hệ thống pháp luật về đất đai, hỗ trợ ngày càng được hoàn thiện nhưng khi thực thi vẫn còn nhiều vấn đề chưa sát thực tế, chưa phù hợp đời sống người dân.

Tái định cư nhưng không… ổn định

Thực tế, tái định cư luôn gắn liền với việc Nhà nước thu hồi đất ở, hay còn gọi là tái định cư không tự nguyện. Chính sách tái định cư hiện hành của nước ta nhìn chung đã tạo điều kiện cho việc thực hiện chủ trương thu hồi đất, nhưng do chậm đổi mới nên thực trạng tái định cư, đặc biệt là ở khu vực thành thị, vùng núi, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều bất cập.

Đơn cử, tại các dự án thủy điện, một trong những điểm “nóng” về tái định cự. Theo thống kê, để thực hiện các dự án thủy điện trong cả nước tính đến nay, đã có 40 vạn người phải tái định cư, chỉ tính riêng Thủy điện Sơn La đã có gần 10 vạn người được chuyển đến khu nhà tái định cư. Việc di dời tái định cư cả một cộng đồng lớn như vậy khiến đời sống của người dân bấp bênh, phải mất một thời gian dài để ổn định hoà nhập với cuộc sống ở nơi ở mới. Bên cạnh đó, công tác chuyển dân đến các khu tái định cư còn diễn ra rất chậm. Nguyên nhân là do nhiều khu tái định cư đã được phê duyệt nhưng tính khả thi chưa cao, vì thực tế khu được quy hoạch còn thiếu nước, thiếu đất sản xuất so với quy hoạch đã được phê duyệt...

Các công trình thủy điện được xây dựng kéo theo cả một cộng đồng dân cư phải di chuyển                         đến nơi ở mới
Các công trình thủy điện được xây dựng kéo theo cả một cộng đồng dân cư phải di chuyển đến nơi ở mới

Tại Hà Nội, chỉ tính riêng trong năm 2014, để phục vụ cho các dự án đang và sẽ triển khai, phải cần đến 6.500 căn hộ để bố trí chỗ ở cho người dân nhưng dự kiến đến cuối năm, quỹ nhà này chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu. Dự kiến, đến hết năm 2015, Hà Nội cần xây dựng gần 2,5 vạn căn hộ, tương đương với 10 vạn dân được tái định cư, nhưng đến nay, con số này vẫn đạt rất thấp.

Theo các chuyên gia, bất cập về tái định cư trong đô thị do chính sách đền bù đất của nước ta mới chỉ dừng ở việc đền bù sử dụng đất và các tài sản bị thiệt hại trực tiếp. Các thiệt hại gián tiếp và vô hình khác, về thu nhập, về kinh tế chưa được tính đến, trong khi, đây lại là điểm rất quan trọng đối với đời sống người dân.

Tại một số nơi, tái định cư được quy hoạch ở khu ven đô, ngoại thành với mục đích tiết kiệm kinh phí, khiến người dân đến nơi ở mới bị cách xa nơi ở cũ và không gắn với phương thức sản xuất quen thuộc khiến nhiều người dân dời bỏ khu tái định cư đến ở nơi ở khác, đến các thành phố lớn làm thuê, khai khoáng... Việc chuyển cư này chỉ đem lại lợi nhuận trước mắt nhưng về lâu dài sẽ dẫn đến hoang hóa lãng phí đất và ảnh hưởng tới đời sống, phong tục tập quán nhiều địa phương.

Bên cạnh đó, các hộ tái định cư được chuyển đến khu nhà tái định cư được xây dựng sẵn. Mà nguồn thu nhập chính của người dân tái định cư chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, nhưng nhiều nơi còn thiếu đất canh tác, nhà xa khu sản xuất, đất xấu, giao thông đi lại không thuận tiện hoặc thiếu khả năng đầu tư thâm canh. Dẫn đến, người nông dân không có đất sản xuất, thiếu nghề phụ nên một bộ phận người dân tự đưa nghề gây độc hại môi trường vào làm tại khu dân cư, gây ảnh hưởng không  nhỏ tới môi trường và sức khoẻ con người. Thậm chí, nhiều người dân sau khi tái định cư bị nghèo đi, cuộc sống cơ cực, khó khăn hơn.

Tái định cư cần thống nhất

Ông Đào Duy Tâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội, cho biết: Việc thiếu quỹ nhà, quỹ đất, thiếu kinh phí trong việc tái định cư là tình trạng phổ biến và khá gay gắt, nhất là những nơi có nhu cầu tái định cư lớn. Cơ chế chính sách về đền bù, hỗ trợ có điều chưa hợp lý, sát thực tế, quy hoạch chưa phù hợp với địa hình và trình độ dân trí của người dân. Nhiều khuyến nghị chính sách đã được các nhà nghiên cứu đưa ra và đề xuất Chính phủ.

Đối với đô thị, không nên xây dựng Dự án nhà tái định cư ưu tiên tái định cư tại chỗ cho hộ có nguyện vọng. Trường hợp bất khả kháng, khu tái định cư phải là khu đô thị đa chức năng. Người được đền bù nhà ở, đất ở được chủ đầu tư cấp tín phiếu ghi số tiền bồi thường và có quyền ưu tiên mua nhà ở thương mại phù hợp với nguyện vọng trên thị trường nhà ở, nếu không đủ thì tự bù thêm, nếu thừa thì được bán trả lại. Sở dĩ phải trả tiền thông qua tín phiếu để đề phòng bên nhận tiền dùng tiền không đúng mục đích. 

Đối với khu vực miền núi, tái định cư trong các công trình thủy điện, thủy lợi, cần sớm có một chính sách chung, thống nhất cho công tác di dân. Thực hiện phân cấp mạnh cho cơ sở, quy định rõ nguồn vốn tái định cư, cả người dân di dời và người dân sở tại phải được tham gia thảo luận trực tiếp vào quá trình dời chuyển tái định cư. Đồng thời, khuyến khích các hình thức di dân không tập trung theo phương thức xen ghép và tự nguyện nhằm hạn chế sức ép đất đai tập trung, tăng khả năng tự điều chỉnh, tiến tới hồi phục nhanh cuộc sống của các hộ dân sau tái định cư.

Xu thế phát triển tăng trưởng kinh tế là điều tất yếu nhưng không nên coi tốc độ tăng trưởng là mục tiêu duy nhất. Bởi, nếu chỉ tăng trưởng kinh tế mà không nâng cao được đời sống và tạo sự ổn định cho người nông dân, tăng trưởng đó sẽ không có ý nghĩa và khó bền vững.

Vũ Vân

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần quan tâm hơn tới quỹ đất tái định cư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO